Nhật Bản cùng Việt Nam ngăn chặn vượt ngưỡng về du lịch cục bộ
VOV.VN - Nhiều điểm du lịch ở Việt Nam đã có lúc vượt ngưỡng về du lịch, dù có nơi chỉ mang tính cục bộ, tính thời điểm. Sự quá tải sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nặng nề, thậm chí sụp đổ ngành du lịch tại điểm đến.
Nhiều điểm đến quá tải cục bộ
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết song hành với sự phát triển du lịch tại Việt Nam, đặt biệt ở các địa phương, điểm đến có tăng trưởng mạnh về khách quốc tế và nội địa, đó chính là tình trạng quá tải khách du lịch như tại Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hội An, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, TP.HCM…
“Tình trạng này đã ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm của khách du lịch, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, môi trường, hệ sinh thái, an ninh, an toàn; ảnh hưởng đến công tác quản lý, vận hành các điểm đến; chất lượng cuộc sống người dân địa phương”, ông Đoàn Văn Việt phát biểu tại hội thảo "Quá tải khách du lịch tại các trung tâm du lịch và phát triển điểm đến vệ tinh - Việt Nam và Nhật Bản cùng hướng tới du lịch bền vững" ngày 23/10.
TS Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải khách du lịch tại Việt Nam, đó là tính mùa vụ của hoạt động du lịch tại nhiều điểm đến; kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật hạn chế; thiếu quy hoạch sức chứa tại điểm đến; không có phương án điều tiết khách hợp lý; sản phẩm chưa đa dạng. Sự bùng nổ nhu cầu du lịch sau đại dịch Covid-19 cũng là một lý do trong ngắn hạn dẫn đến tình trạng này.
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, nhiều điểm du lịch ở Việt Nam đã có lúc vượt ngưỡng tải về du lịch, dù có nơi chỉ mang tính cục bộ, tính thời điểm. Sự quá tải dễ dẫn đến hậu quả là suy giảm giá trị trải nghiệm của du khách; giảm sút chất lượng sản phẩm, dịch vụ; điểm đến mất uy tin và hình ảnh; thậm chí sụp đổ ngành du lịch tại điểm đến. “Người dân bản địa rời bỏ di sản ở Hội An, chỉ có 30% người gốc Hội An sở hữu nhà trong phố cổ, còn lại thuộc về các cá nhân từ Hà Nội, TP.HCM mua nhà và chỉ cho mở cửa hàng kinh doanh. Đây là điều đáng lo ngại vì chính người dân mới tạo nên giá trị cho di sản Hội An”, TS Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
Ông Gamo Atsumi – Chủ tịch Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO) cho biết vấn đề quá tải khách du lịch thậm chí đã được thảo luận ở các phiên họp Nội các Nhật Bản. “Điều đó cho thấy tầm quan trọng của vấn đề này, đòi hỏi sự phối hợp giữa chính quyền ở trung ương và địa phương, mà nếu chỉ có nỗ lực ở một bên thì không thể giải quyết được”.
Có nên xây dựng điểm đến vệ tinh?
Theo TS Nguyễn Anh Tuấn, giải pháp giảm tải cho các trung tâm du lịch là hình thành các điểm đến vệ tinh xung quanh, nhằm giảm áp lực cho cơ sở hạ tầng và hạn chế các vấn đề nảy sinh từ lượng khách du lịch tăng cao. Đây không chỉ là yêu cầu đặt ra cho các trung tâm lớn như TP.HCM và Hà Nội, mà kể cả Hạ Long, Sa Pa, Nha Trang… cũng cần nhanh chóng chuẩn bị các giải pháp để tránh tình trạng quá tải lượng khách du lịch.
Đồng quan điểm này, ông Watanabe Shige – Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam chia sẻ với phía Việt Nam về tình trạng quá tải du lịch cũng là vấn đề Nhật Bản phải đương đầu. “Vấn đề quá tải khách du lịch không còn là chuyện sắp đến mà nó đã xảy ra. Nhật Bản đã xác định 24 thị trường trọng điểm để thu hút khách, còn Việt Nam sẽ sớm trở thành cường quốc du lịch và khách Hàn Quốc đến đây đang tăng mạnh. Bản thân tôi cũng yêu thích các điểm du lịch ở Việt Nam, có lẽ các địa phương ở Việt Nam cần có giải pháp cấp bách để giảm tải du lịch”.
"Không thể duy ý chí về mặt con số khi san sẻ lượng khách giữa điểm đến chính và điểm đến vệ tinh, vì quyền lựa chọn là ở du khách. Ngoài ra, khi huy động người dân ở vùng ngoại ô làm du lịch nhằm giải quyết được bài toán mùa cao điểm, vậy mùa thấp điểm ai đưa khách về cho họ? Các công ty du lịch sẽ rất khó lựa chọn giữa chiều theo ý khách và theo định hướng của địa phương. Làm sao để lữ hành thuyết phục được khách ngủ 1 đêm ở vùng ven, phụ thuộc vào nơi đó có dịch vụ gì để giữ chân khách, nơi đó có bảo vệ được thiên nhiên hay giữ được nét nguyên bản về văn hóa hay không. Nếu điểm đến vệ tinh không đủ hấp dẫn mà cứ đưa họ đến là mất khách", một chuyên gia nêu ý kiến.
Một ví dụ thành công về du lịch bền vững được phân tích tại hội nghị là trường hợp thị trấn Niseko, tỉnh Hokkaido (Nhật Bản). Ông Katayama Kenya – thị trưởng Niseko khẳng định rằng nếu muốn phát triển du lịch bền vững thì người dân địa phương phải gắn bó và tự hào về nơi họ sinh sống, từ đó mới có động lực để thu hút khách du lịch. “Cần có rất nhiều quy định để đảm bảo du lịch không tạo ra gánh nặng cho môi trường, cảnh quan, chẳng hạn như chúng tôi hạn chế chiều cao các khách sạn, tòa nhà ở mức dưới 30 mét. Sự tôn nghiêm và con người phải được tôn trọng. Không chỉ phân bổ lượng khách du lịch, chúng tôi chỉ cho du khách ngay từ đầu rằng rằng người địa phương cũng rất yêu thiên nhiên, môi trường, cho họ thấy cách chúng tôi nỗ lực tái chế rác thải và khuyến khích du khách làm theo người địa phương”.