Nhiều điểm du lịch “bội thu” nhờ phát huy giá trị văn hóa
VOV.VN - Trong tham luận gửi đến Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết với truyền thống văn hóa phong phú và đặc sắc, giá trị di sản văn hóa của Việt Nam luôn có sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch.
Trong tham luận, ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh văn hóa là nét đặc trưng, tạo nên sự khác biệt của mỗi quốc gia, điểm đến và chính là điều hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Những điểm đến du lịch khai thác, phát huy được giá trị của di sản văn hóa truyền thống không chỉ thành công trong việc thu hút du khách đến với mình, mà còn tạo được sự ảnh hưởng và sự lan tỏa văn hóa ra ngoài phạm vi lãnh thổ; tạo động lực cho du khách mong muốn trải nghiệm những giá trị đích thực, nguyên bản tại chính nơi “sản sinh” ra chúng.
Văn hóa là "nguồn lực không bao giờ cạn kiệt"
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đã chỉ rõ trong quá trình phát triển du lịch phải chú trọng bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng nhấn mạnh quan điểm “phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc”, đồng thời “chú trọng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống của dân tộc; tập trung khai thác thế mạnh ẩm thực đa dạng, đặc sắc của các vùng, miền để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, có lợi thế cạnh tranh, góp phần tạo dựng thương hiệu nổi bật của du lịch Việt Nam”.
Di sản văn hóa vừa tạo động lực cho du lịch, vừa là nguồn lực cơ bản để phát triển du lịch và cũng là yếu tố xây dựng năng lực cạnh tranh của điểm đến. Với du lịch, di sản văn hoá cùng với thiên nhiên đã trở là hai nguồn tài nguyên cơ bản nhất để khai thác và phát triển. Chính vì thế, dựa vào “trụ cột” di sản văn hoá sẽ là nguồn lực không bao giờ cạn kiệt để phát triển du lịch.
Nhiều chương trình như tham quan di sản văn hóa cố đô Huế, phố cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn, danh thắng Tràng An, tham gia các lễ hội truyền thống và đương đại như lễ hội Chùa Hương, lễ hội Yên Tử, lễ hội Bà Chúa Xứ, festival Huế… đã nhận được sự quan tâm lớn của du khách và trở thành những sản phẩm du lịch có thương hiệu, hấp dẫn. Có thể khẳng định, sản phẩm du lịch văn hoá chính là yếu tố tạo nên nét khác biệt cho hệ thống sản phẩm du lịch Việt Nam, kết nối và đa dạng hoá các tour, tuyến du lịch.
Đơn cử như Hội An, Mỹ Sơn (Quảng Nam), lượng khách đến trong một năm sau khi được ghi danh là di sản thế giới (năm 1999) đã tăng khoảng 4 lần, giai đoạn 10 năm tiếp theo (2002 - 2012) lượng khách quốc tế tăng khoảng 14 lần, khách nội địa tăng khoảng 50 lần, tổng thu từ khách du lịch tăng khoảng 35 lần. Năm 2018, Hội An đón được 2,3 triệu lượt khách, trong đó 2 triệu lượt khách quốc tế; Mỹ Sơn đón 375.000 khách, trong đó 335.000 khách quốc tế.
Tại một số khu vực khác, tính riêng năm 2018, khách du lịch tới tham quan các khu di sản ở Việt Nam đem lại nguồn thu lớn từ vé tham quan: Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đón 4,1 triệu lượt khách, đạt doanh thu 1.184 tỷ đồng; Tràng An (Ninh Bình) đón 6,25 triệu khách, đạt doanh thu 665,8 tỷ đồng; Cố đô Huế đón 3,5 triệu khách, doanh thu 375 tỷ đồng; Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) đón 800.000 khách, doanh thu là 231 tỷ đồng...
Cần phát triển “du lịch sáng tạo” trên nền tảng văn hóa
Ông Nguyễn Trùng Khánh cho rằng trong bối cảnh hiện nay, phát triển “du lịch sáng tạo” trên nền tảng văn hóa được xem như một giải pháp, một hướng đi hữu hiệu để ngành du lịch Việt Nam vượt qua các thách thức. Du lịch sáng tạo mang đến nhiều hoạt động tương tác cho khách du lịch với văn hóa bản địa hơn, những hoạt động mang tính giáo dục, cảm xúc, trải nghiệm nhiều hơn.
Sở hữu nhiều lợi thế để phát triển du lịch sáng tạo dựa trên nền tảng văn hóa, loại hình này sẽ giúp Việt Nam đa dạng hóa hệ thống sản phẩm du lịch, gia tăng giá trị cho các sản phẩm du lịch văn hóa truyền thống, phát triển thương hiệu du lịch độc đáo và xúc tiến quảng bá tốt hơn thông qua hiệu ứng mạng xã hội, thu hút được thêm dòng khách trung cấp đến cao cấp, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Để đạt được các mục tiêu này, ông Nguyễn Trùng Khánh cho rằng cần có những điều chỉnh trong hoạch định chính sách và hành động. Trước tiên cần đảm bảo tính hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch; cần nhìn nhận đúng vai trò của cộng đồng đối với việc bảo tồn phát huy các giá trị di sản; vai trò và quyền lợi và trách nhiệm của cộng đồng trong phát triển du lịch.
Thứ hai, cần nghiên cứu kỹ, đảm bảo cơ sở phát triển bền vững trong triển khai hoạt động du lịch tại một số di tích, di sản văn hóa, đặc biệt khuyến khích phát triển các loại hình du lịch có trách nhiệm gắn với văn hóa cộng đồng, tôn trọng tính đa dạng văn hóa, tính chỉnh thể nguyên hợp của di sản văn hóa phi vật thể.
Thứ ba, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở Trung ương và địa phương cần triển khai điều tra, phân loại và đánh giá các tài nguyên du lịch một cách đồng bộ, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa.
Thứ tư, cần bảo đảm các nguyên tắc trong xây dựng sản phẩm du lịch. Sản phẩm du lịch phải mang linh hồn của văn hóa truyền thống, có nhiều yếu tố đặc sắc, đặc thù cho từng tộc người, từng vùng, miền khác nhau, qua đó nâng cao giá trị, gia tăng sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm du lịch; khắc phục tình trạng sản phẩm du lịch na ná nhau hiện nay.
Bên cạnh đó, cần kết hợp hài hòa giữa tính đa dạng của nhiều loại hình sản phẩm và tính chuyên đề của một gói sản phẩm du lịch văn hóa, ví dụ như truyền đạt thông điệp chung về chân - thiện - mỹ nhưng cũng mang những sắc thái riêng và hấp dẫn. Ngoài ra, phải đảm bảo chất lượng trong xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa dân tộc thiểu số; các chương trình văn nghệ, nghi lễ trình diễn, sinh hoạt văn hóa của các dân tộc thiểu số phải tôn trọng tính khách quan, chân thực.
Thứ năm, xây dựng cơ chế phối hợp và phân chia nguồn lợi từ du lịch di sản văn hóa. Phát triển du lịch di sản văn hóa cần có sự kết hợp của các bên liên quan, trong đó người dân ở địa phương là chủ thể chính, cần được khuyến khích tự nguyện tham gia hoạt động du lịch di sản văn hóa một cách sáng tạo. Doanh nghiệp đóng vai trò cung cấp khách, đồng thời hỗ trợ vốn, tập huấn cho cộng đồng về cách thức tổ chức, kinh doanh hoạt động du lịch di sản văn hóa.
Các tổ chức nghiên cứu, nhà khoa học, chuyên gia về văn hóa, dân tộc, di sản... đóng vai trò nghiên cứu, tư vấn cho người dân, chính quyền địa phương, doanh nghiệp xây dựng các mô hình du lịch di sản hoạt động hiệu quả và bền vững. Cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù cho các điểm du lịch di sản, đồng thời điều hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp./.