Ninh Bình xây dựng khu phức hợp kinh tế, dịch vụ sinh thái biển ở Kim Sơn
VOV.VN - Tỉnh Ninh Bình định hướng phát triển khu vực huyện Kim Sơn thành cửa ngõ kết nối kinh tế biển, tập trung xây dựng khu phức hợp kinh tế, dịch vụ sinh thái biển với đặc trưng vùng ngập nước.
Theo báo cáo quy hoạch chung xây dựng khu vực đê Bình Minh II đến Cồn Nổi (huyện Kim Sơn), quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế vùng ven biển Kim Sơn đã được phê duyệt năm 2015, một số dự án đầu tư phát triển đô thị, dự án du lịch Cồn Nổi, dự án cơ sở tôm giống, cây trồng, công nghiệp chế biến nông nghiệp công nghệ cao, nhà máy năng lượng mặt trời bước đầu đã hình thành. Tuy nhiên, vẫn thiếu một số tổng thể chung, chưa đồng bộ, chưa tạo đà thúc đẩy phát triển. Một số hoạt động xây dựng sản xuất của các hộ dân còn tự phát, chưa được quản lý, do đó cần có quy hoạch tổng thể để định hướng cho công tác quản lý tại khu vực này.
Tại hội nghị nghe báo cáo quy hoạch chung xây dựng khu vực đê Bình Minh II đến Cồn Nổi (huyện Kim Sơn), quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế vùng ven biển Kim Sơn đã được phê duyệt năm 2015, các đại biểu cho rằng, quy hoạch chung đã cụ thể hóa được các quy hoạch chiến lược của tỉnh Ninh Bình, của huyện Kim Sơn và các quy hoạch có liên quan. Đồng thời, khai thác được các tiềm năng, lợi thế, tạo ra các sản phẩm đặc thù, chất lượng cao gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa lịch sử và bảo vệ môi trường, đảm bảo hài hòa và gắn chặt phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh.
Với định hướng phát triển khu vực từ đê Bình Minh II đến đảo Cồn Nổi, thành cửa ngõ kết nối kinh tế biển, việc quy hoạch đã tập trung xây dựng Khu phức hợp kinh tế, dịch vụ sinh thái biển với đặc trưng vùng ngập nước, tạo nên cửa ngõ kết nối hỗ trợ thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế xã hội mũi nhọn của tỉnh Ninh Bình.
Cùng với đó, quy hoạch phát triển phải đảm bảo yêu cầu bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, quỹ đất khai thác hạn chế. Đặc biệt, ưu tiên các lĩnh vực gắn với kinh tế biển để hỗ trợ các lĩnh vực, ngành nghề chủ đạo của tỉnh và của vùng phát triển, tạo nên cửa ngõ tiếp cận từ phía biển cho các lĩnh vực công nghiệp cảng, dịch vụ thương mại logistic, du lịch biển và đặc biệt là nông nghiệp sinh thái gắn với công nghệ cao.
Riêng khu vực Cồn Nổi đóng vai trò kết nối không gian biển, kết nối kinh tế biển với vùng duyên hải Bắc Bộ, là điểm đến cho các lĩnh vực kinh tế mới của Ninh Bình chưa khai thác phát triển. Cồn Nổi cũng trở thành điểm đến, đón tiếp các luồng phát triển mới như vận tải biển, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, du lịch biển.
Theo ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, quy hoạch chung xây dựng khu vực từ đê Bình Minh 2 đến Cồn Nổi, huyện Kim Sơn là tiền đề để triển khai các chương trình phát triển và dự án đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển mới, tạo đà thúc đẩy quá trình đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là cơ sở pháp lý để triển khai lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, lập dự án đầu tư xây dựng, quản lý xây dựng và kiểm soát hoạt động xây dựng theo quy hoạch trên địa bàn.
Vì vậy, đơn vị tư vấn cần nghiên cứu đảm bảo cơ sở pháp lý, tính khả thi của quy hoạch, tác động của thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên của khu vực này; đặc biệt là sự biến động về vị trí rừng ngập mặn, bãi bồi, động lực dòng chảy để xác định hướng đi trong quy hoạch đảm bảo phù hợp với tiềm lực kinh tế địa phương cũng như thu hút các nhà đầu tư.
UBND huyện Kim Sơn phải quan tâm tới phòng chống thiên tai, dịch chuyển vùng nuôi tôm thâm canh công nghệ cao về phía cửa Càn, ưu tiên trồng rừng và sản xuất hàu giống; nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ đất liền ra đảo Cồn Nổi lên 4 làn xe gắn với kè chỉnh trị bờ sông Đáy và cửa Đáy; đảm bảo liên kết vùng với Thanh Hóa, Nam Định và Thái Bình, gắn nuôi trồng thủy sản với bảo vệ môi trường ở khu dự trữ sinh quyển…
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình lưu ý, quy hoạch phải được xây dựng thuận theo tự nhiên; trong đó ưu tiên phần lớn diện tích cho phát triển nông nghiệp nuôi trồng thủy sản, đề xuất một số dự án thành phần để hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi, đồng thời xác định rõ lộ trình để đảm bảo thực hiện có hiệu quả./.