Phú Quốc phục hồi du lịch sau đại dịch
VOV.VN - Đại dịch trong 2 năm qua đã khiến ngành du lịch Kiên Giang bị tê liệt, nguồn thu giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội, phát triển kinh tế của địa phương. Hiện nay, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, Kiên Giang, Phú Quốc đang nỗ lực để khôi phục lại ngành du lịch.
Với lợi thế về vị trí và tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng, trong giai đoạn 2016-2019, lượng khách du lịch đến Kiên Giang tăng bình quân trên 19%/năm, trong đó khách quốc tế tăng bình quân trên 30%/năm, tổng thu từ du lịch tăng bình quân hơn 26%/năm, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.
Tuy nhiên, gần 2 năm kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện đã tác động đến hầu hết các mặt của đời sống xã hội, hoạt động du lịch bị ảnh hưởng rất nặng nề; một số doanh nghiệp lữ hành đã giải thể, cơ sở lưu trú chuyển đổi chủ hoặc cho thuê; lao động du lịch không tìm được việc làm do các cơ sở kinh doanh du lịch ngừng hoạt động trong thời gian dài; các chỉ tiêu du lịch giảm mạnh; công suất phòng đạt thấp, thị trường khách du lịch cả quốc tế và nội địa giảm mạnh, tổng thu từ du lịch bị sụt giảm ước tính hơn 21.000 tỷ đồng.
Trước tình hình đó, việc Phú Quốc được chọn là một trong 05 địa phương thí điểm đón khách quốc tế bằng hộ chiếu vaccine là một trong những giải pháp quan trọng mà Chính phủ đề ra, được kỳ vọng sẽ góp phần phá băng thị trường du lịch, từng bước đạt được các mục tiêu đề ra của Chính phủ về kích cầu, khôi phục các hoạt động kinh tế. Những chuyến bay quốc tế được kết nối lại là những tín hiệu lạc quan ban đầu để Phú Quốc có niềm tin tiếp tục nỗ lực khôi phục và phát triển du lịch trong bối cảnh bình thường mới.
Ông Huỳnh Quang Hưng - Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc cho rằng Phú Quốc đã được đầu tư khá bài bản về các cơ sở du lịch dịch vụ, kể cả vui chơi giải trí cao cấp. Nhiều nhà đầu tư đã bỏ ra số tiền rất lớn vào Phú Quốc, kể cả du lịch dịch vụ, những khu đô thị và khu vui chơi giải trí. "Năm 2020, 2021 là những năm khó khăn chưa từng có trong lịch sử ngành du lịch dịch vụ. Tôi nghĩ rằng năm 2022 có nhiều chuyển biến tích cực hơn, hiệu quả hơn. Phú Quốc sẵn sàng đón khách quốc tế và nội địa" - ông Huỳnh Quang Hưng nói.
Kế hoạch năm 2022 tỉnh Kiên Giang dự kiến đón 5,6 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 200.000 lượt. Đầu năm 2022 dự kiến có từ 10 - 12 chuyến từ Singapore, Malaysia, Hàn Quốc và Dubai đến Phú Quốc, bình quân mỗi chuyến từ 170 - 200 khách.
Mục tiêu của Phú Quốc không chỉ là đón khách quốc tế có "hộ chiếu vaccine", mà còn thúc đẩy thị trường nội địa vốn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì “nguồn oxy” cho ngành du lịch. Thực tế năm 2020, thị trường nội địa đã trở thành "phao cứu sinh" cho ngành du lịch, khi thị trường quốc tế bị đóng băng hoàn toàn và Phú Quốc luôn là điểm đến thu hút đông đảo du khách trong nước mỗi khi dịch bệnh được kiểm soát.
Ông Bùi Quốc Thái - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết: "Chúng tôi đã đúc kết được những kinh nghiệm rất quý báu trong phòng chống dịch, rất tự tin để đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh đón khách quốc tế và nội địa. Đặc biệt Tết cổ truyền năm nay, dự kiến đến mùng 6 Tết thì công suất phòng tại các cơ sở lưu trú đã đạt khoảng 80%".
Đặc biệt, với sự vào cuộc của các nhà đầu tư chiến lược, trong đó có các tập đoàn lớn như Sun Group, Vingroup, BIM Group, CEO Group…, hạ tầng du lịch Phú Quốc không chỉ tăng nhanh về lượng, mà còn tăng mạnh về chất. Từ chỗ “trắng khách sạn” tiêu chuẩn từ 3 sao, hiện TP.Phú Quốc đã có hơn 22.000 phòng lưu trú, trong đó hơn một nửa đạt tiêu chuẩn từ 3 - 5 sao. Nhiều khách sạn, resort đẳng cấp được vận hành bởi các tập đoàn danh tiếng đã ghi dấu ấn trên trường quốc tế.
Về kế hoạch khôi phục lại du lịch, ông Phạm Quốc Quân - Giám đốc Vùng miền nam Tập đoàn Sungroup cho biết: "Trong đại dịch, chúng tôi đã biến nguy thành cơ. Trong 2 năm qua có nhiều thời gian cho tất cả sản phẩm, cơ sở vật chất được làm mới để đón khách khi đại dịch được kiểm soát, khi khách đến mọi sản phẩm được chỉn chu. Hai là chúng tôi tiếp tục sản xuất các sản phẩm mới để phù hợp với những xu hướng mới, thời cuộc mới khi khách hàng có nhu cầu đến ở, trải nghiệm và làm việc tại chỗ, đảm bảo vấn đề sức khoẻ. Ba là chúng tôi nâng cao công nghệ thông tin để kết nối với khách hàng, kết nối với đối tác một cách thuận tiện nhất. Thứ tư là cùng nhau hợp tác để quảng bá hình ảnh, con người của Kiên Giang, đặc biệt là Phú Quốc".
5 năm qua, Phú Quốc đã có những dấu ấn tăng trưởng vô cùng ấn tượng. Tốc độ phát triển kinh tế luôn vượt mục tiêu kế hoạch đề ra và duy trì ở mức cao. Thu ngân sách giai đoạn 2015 - 2020 đạt hơn 20.600 tỷ đồng, đứng đầu toàn tỉnh Kiên Giang. Thu nhập bình quân đầu người đạt 113 triệu/người/năm tương đương 5.000 USD, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm chỉ còn 0,38% thấp nhất so với các huyện, thành phố trong tỉnh Kiên Giang và cả nước.
Với sự đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành; Kiên Giang, Phú Quốc đang nỗ lực rất lớn để nắm bắt thời cơ, xây dựng chiến lược mới sau đại dịch và vực lại ngành du lịch./.