Tái hiện lại bè rớ-nét đặc trưng sông nước trên dòng Kinh Giang phục vụ du khách
HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mỹ Khê, xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) vừa tổ chức chấm điểm và trao giải Cuộc thi thiết kế mô hình bè rớ. Đây là một trong những dụng cụ mưu sinh của người dân vùng sông nước Tịnh Khê.
Cuộc thi diễn ra từ ngày 14/11 – 14/12/2023, đã thu hút sự quan tâm của nhiều cá nhân, tập thể. Qua đó, HTX NN&DLCĐ Mỹ Khê đã chọn ra 2 mô hình phù hợp với cuộc thi để trao giải. Mỗi mô hình có kích thước tối đa 1m, rộng 0,5m, cao 0,5m.
Anh Phạm Văn An ở thôn Trường Định, xã Tịnh Khê có mô hình tham gia chia sẻ: “Tôi tìm hiểu cách làm bè rớ từ những người lớn tuổi, mô hình của tôi tái hiện ngôi nhà trên bè rớ đây là nơi sinh hoạt chỉ tạm đủ cho một gia đình vợ chồng và con cái ăn ở. Phía trước ngoài đầu mũi bè là đặt một giàn rớ”.
Theo ông Phạm Trọn, thành viên Ban giám khảo cho biết, 2 mô hình được tái hiện đạt yêu cầu khoảng 70%. Bè rớ gồm bè và rớ. Bè được làm bằng tre tươi dài nguyên cây, thường là tre nang già. Mỗi bè được xếp từ bốn đến năm lớp tre, rộng độ 4m, dài 12m.
Người ta dùng tre cây đã trảy sạch mắt, xếp sát nhau thành lớp, chia khoảng đều và đặt bốn đến năm đà ngang rồi buộc chặt tre vào đà bằng dây rừng, lạt cật hay cước sợi lớn.
Giàn rớ gồm hai cần tre dài, to bằng cổ chân người lớn, nhưng chắc chắn, liên kết cố định hình chữ V một bên dài, một bên ngắn.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc HTX NN&DLCĐ Mỹ Khê chia sẻ, thời gian qua, HTX đã khai thác tiềm năng du lịch khu di tích Rừng dừa nước phục vụ khách tham quan. HTX đã quảng bá truyền thông về khu di tích dừa nước để thu hút du khách.
Hiện nay, ngoài đưa đón khách du lịch bằng ghe trên sông đi tham quan di tích Rừng dừa nước, HTX muốn khôi phục lại các làng nghề truyền thống cũng như các phương tiện đánh bắt trên sông thời cha ông đã mai một và không còn được duy trì trong thời điểm hiện tại.
“Cuộc thi thiết kế mô hình bè rớ nhằm mục đích phục dựng lại mô hình bè rớ, một trong những dụng cụ mưu sinh của người dân vùng sông nước Tịnh Khê, vừa phục vụ cho du lịch trải nghiệm của du khách, vừa bảo tồn các ngành nghề truyền thống của người dân ven sông Kinh Giang, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp”.
Sông Kinh Giang dài hơn 7km chảy qua địa phận các xã Tịnh Khê, Tịnh Hòa và Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi), nối liền với cửa biển Cổ Lũy. Nơi đầu dòng sông Kinh thuộc xã Tịnh Khê có một rừng dừa nước được hình thành từ lâu, được người dân nơi đây ví von là “lá phổi xanh” của khu đông TP Quảng Ngãi, thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái.