Thăm cù lao Thới Sơn
(VOV) - Đến vùng đất này, du khách được sống trong không khí trong lành miệt vườn sông nước Cửu Long, thưởng thức nhiều đặc sản phong phú
Anh hướng dẫn viên du lịch tên Võ Thành Tài rất vui tính, miệng luôn nở nụ cười thân thiện và cách nói chuyện rất duyên khiến du khách chỉ muốn sang ngay Thới Sơn để được tận mắt chứng kiến cảnh đẹp và thưởng thức các món ngon ở vùng đất này.
Đường sông từ TP Mỹ Tho sang cù lao Thới Sơn mất khoảng 15 phút. Quãng thời gian này đủ để anh hướng dẫn viên Thành Tài khoe chút tài lẻ của mình. Anh từng là sinh viên trường sân khấu điện ảnh TP HCM, từng làm cascadeux cho một số bộ phim… nhưng lại không có duyên với nghiệp diễn nên gắn bó với nghề hướng dẫn viên du lịch.
Theo lời giới thiệu của anh Tài, cù lao Thới Sơn (xã Thới Sơn, TP Mỹ Tho) hay còn gọi cồn Lân nằm trong hệ thống bốn cù lao trên sông Tiền, mang tên “Tứ Linh”: Long, Lân, Quy, Phụng; được ví như những viên ngọc quí của sông Tiền.
Đến Thới Sơn bằng tàu du lịch, bước lên một vùng đất màu mỡ, phì nhiêu giữa dòng sông Tiền, du khách được thưởng thức chén trà nóng pha với mật ong (được quảng bá là rất tốt cho làn da phụ nữ). Lảnh lót bên tai tiếng những cô gái Nam bộ mời chào du khách mua quà lưu niệm được làm từ những sản vật của vùng đất này.
Nghe đờn ca tài tử trên cù lao Thới Sơn |
Những năm gần đây, Công ty du lịch sinh thái Tiền Giang đã gia tăng các sản phẩm phục vụ du lịch sinh thái, không chỉ đa dạng hóa dịch vụ để nhằm thu hút khách mà còn tạo điều kiện cho người dân trong vùng cùng tham gia làm du lịch.
Ông Lê Văn Lập – Giám đốc Công ty du lịch sinh thái Tiền Giang cho biết: “Sản phẩm chủ yếu của công ty là các tour tham quan Sông Tiền, vườn cây trái, nhà dân, tham gia các hoạt động đời thường của người dân vùng quê sông nước: đánh bắt cá, trồng cây, làng nghề truyền thống, đi đò chèo…”
Công ty còn xây dựng mạng lưới các điểm du lịch vệ tinh trong dân theo phương thức “nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong đó đơn vị hỗ trợ một khoản kinh phí nhất định để chủ nhà sửa sang vườn tược, xây dựng nơi đón khách, làm hệ thống vệ sinh... Phần chủ nhà tổ chức kinh doanh du lịch theo hướng dẫn của Công ty lấy nhà – vườn làm tâm điểm. Bên cạnh đó, phát huy một số ngành nghề truyền thống địa phương: lò sản xuất kẹo dừa, nghề nuôi ong mật hoặc khôi phục sinh hoạt đờn ca tài tử để thu hút du khách. Dưới sông thì tổ chức các đội đò chèo phục vụ du lịch... Đây chính là nét riêng có của du lịch sông nước Nam Bộ.
Chị Út (áo xanh) là người chéo thuyền đưa khách tham quan quanh Thới Sơn |
Gia đình chị Út Chỉnh là một hộ nghèo trên cồn Thới Sơn. Chị được địa phương và Công ty du lịch sinh thái Tiền Giang cho vay vốn, đóng ghe chở khách du lịch. Chị vui vẻ đưa chúng tôi len lỏi theo những con rạch nhỏ chi chít như mạng nhện; giữa hai bên bờ là vườn cây ăn trái sum suê, những bờ dừa nước, những rặng “bần gie, con đóm đậu”. Chị Út tâm sự: “Gia đình tôi ở nơi khác đến đây, nhưng vì nghèo khó nên được chính quyền, địa phương tạo điều kiện chèo thuyền đưa khách du lịch. Thời gian này, du lịch Thới Sơn vắng khách nên mỗi ngày chỉ được 1-2 chuyến, có ngày không được chuyến nào!”.
Từ tháng 9 hàng năm, khách du lịch nước ngoài thường nhiều hơn.
Thăm gia đình ông Tư Đàng, chúng tôi được thưởng thức trà mật ong, nhâm nhi món kẹo dừa thơm ngậy. Người nhà của ông Tư vui vẻ đón khách và giới thiệu các sản vật vùng sinh thái. Điều đặc biệt là gia đình ông Tư Đàng nuôi một con trăn đã hơn chục năm nay. Con trăn này rất hiền lành, chơi cùng lũ trẻ trong nhà ông Tư. Du khách còn có thể chụp hình với chú trăn nặng hơn 20kg “hiền như đất” mà không phải lo lắng gì.
Con chăn hiền như đất của gia đình ông Tư Đàng |
Đến Thới Sơn mà không nghe đờn ca tài tử thì chắc mất vui một nửa. Một vài em bé, trong dịp nghỉ hè cũng tham gia đờn ca để có thêm thu nhập phụ giúp gia đình và mua sách vở cho năm học mới.
Cô bé Nguyễn Thị Thúy An – học sinh lớp 6, yêu thích đờn ca từ nhỏ. Cha của em cũng tham gia trong đội đờn ca tài tử hơn 100 người của Thới Sơn. Thúy An cho biết: “Con yêu đờn ca từ nhỏ nên cha đã dạy cho con ca. Con biết ca Lý cây bông, Lý chim xanh…và rất nhiều bài khác nữa”.
Hoạt động văn nghệ này khiến cho thôn xóm thêm vui và giữ gìn bản sắc văn hóa miệt vườn. Anh hướng dẫn viên Võ Thành Tài cho biết, những người trong đội đờn ca tài tử không có lương mà chỉ hưởng tiền "típ" của khách. Trên cồn Thới Sơn này có khoảng 5-6 nhóm nhạc tài tử như vậy.
Đến Thới Sơn, du khách được sống và sinh hoạt trong không khí ấm cúng đầy bản sắc văn hóa miệt vườn sông nước Cửu Long cùng bà con Nam Bộ cởi mở, dễ mến và hiếu khách./.