Thổ cẩm Chăm “loay hoay” tìm chỗ đứng

Việc sản xuất ồ ạt và thiếu định hướng đã khiến thổ cẩm Chăm dần mất vị thế trong mắt du khách. Đã đến lúc cần tìm ra các giải pháp để cho thổ cẩm Chăm ngày càng được nhiều khách hàng tìm đến hơn.

Thổ cẩm Chăm đã tồn tại từ bao đời nay với làng nghề nổi tiếng Mỹ Nghiệp ở Ninh Thuận. Sản phẩm thổ cẩm truyền thống ở làng Chăm Mỹ Nghiệp có sức hấp dẫn đặc biệt không chỉ bởi hoa văn sắc sảo, độc đáo, mà còn là sự phong phú về màu sắc và chủng loại. Tuy nhiên sản phẩm làm ra chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu của người dân trong vùng. Theo chân những người yêu văn hóa dân tộc, thổ cẩm Chăm dần dần được cải tiến trong cách sản xuất và trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo đối với du khách khi đến Việt Nam.

Bà Thuận Thị Trụ, một trong những người tiên phong trong việc cải tiến cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ thổ chẩm Chăm, nhận xét: “Hoa văn thổ cẩm Chăm rất đẹp, nhưng phần lớn còn sản xuất thủ công nên sản phẩm gặp nước dễ bị phai màu, điều này ít nhiều làm mất đi giá trị thổ cẩm Chăm. Bản thân tôi luôn trăn trở tìm hướng phát triển thổ cẩm Chăm, mong muốn thổ cẩm Chăm vươn xa hơn, có chỗ đứng trên thị trường chứ không chỉ phục vụ cho giới chức sắc, hay chỉ dùng trong phong tục tập quán của người Chăm.”

Thổ cẩm Chăm đang mất dần vị trí trong lòng di khách (Ảnh: KT)

Trước đây, thổ cẩm Chăm không tìm được đầu ra, nên nghề dệt truyền thống của người Chăm chỉ hoạt động cầm chừng, sản phẩm làm ra chỉ bán cho bà con dân tộc ở vùng cao và phục vụ giới chức sắc theo phong tục tập quán của người Chăm. Thế nhưng hôm nay, thổ cẩm Chăm đã có mặt ở khắp mọi miền đất nước và trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo đối với mỗi du khách khi đến Việt Nam. Các sản phẩm thổ cẩm Chăm được dư khách ưa chuộng như:: túi xách, ba lô, các loại ví, cà vạt, khăn trải bàn, ga trải giường, váy, áo… Các cơ sở sản xuất và kinh doanh thổ cẩm Chăm với những tên hiệu quen thuộc như Inrahani hay Cô Bi ở TP HCM, hoặc Lưu Quý Đôn hay Bá Thị Minh Khoa ở Ninh Thuận… ngày càng được mở rộng, có mạng lưới tiêu thụ khắp đất nước, thậm chí còn xuất sang nước ngoài. Tuy nhiên, để nâng cao năng suất và sản lượng, nhiều cơ sở dệt đã hiện đại hoá bằng dệt máy, sử dụng loại sợi tổng hợp. Và điều này cũng ít nhiều làm mất đi giá trị truyền thống của thổ cẩm Chăm trong mắt những khách hàng khó tính.

Lý giải vấn đề này, bà Nguyễn Thị Bi – chủ cơ sở sản xuất và kinh doanh thổ cẩm Cô Bi (TP HCM) cho biết: “Chúng tôi vẫn luôn cố gắng sản xuất các mặt hàng chất lượng, tuy nhiên rất khó để cạnh tranh. Đa số nguồn nguyên liệu do đồng bào ở quê thường sản xuất là các mặt hàng kém chất lượng, giá thành thấp...”

Do sản xuất ồ ạt và không có định hướng, cộng thêm sự khắc nghiệt của cơ chế thị trường đã làm giảm sức tiêu thụ một số mặt hàng từ thổ cẩm Chăm, hàng tồn đọng rất nhiều, các cơ sở phải đua nhau bán hạ giá. Sản phẩm dệt từ thổ cẩm Chăm đang đứng trước sự canh tranh rất khốc liệt về giá thành với các sản phẩm của các dân tộc khác.

Giải thích vấn đề này, Tiến sĩ Thành Phần, chuyên nghiên cứu văn hóa dân tộc Chăm, cho biết: “Thổ cẩm Chăm đang bị mất giá trị là do bà con Chăm sản xuất hàng không đạt chất lượng, đem hàng bán không đúng chỗ, như bán hàng chợ. Người mua nhìn vào chỉ thấy đây là hàng giá rẻ mà không thấy hết giá trị của nó, vì vậy rất khó để ký các hợp đồng. Trong khi đó, sản phẩm truyền thống của các dân tộc khác thì vẫn giữ giá cao, vì vậy mà bán chạy.”

Thực tế cho thấy, khách hàng tìm đến thổ cẩm thường là khách hàng khó tính, họ rất quan tâm đến chất lượng sản phẩm và cái “hồn” của dân tộc được thể hiện trên từng sản phẩm. Nắm được yếu tố này, người sản xuất sẽ định hướng được đầu ra cho từng loại sản phẩm. Như vậy, hướng tới những nhà sản xuất cũng như kinh doanh thổ cẩm Chăm cần có những bước đột phá về mẫu mã, chủng loại cũng như chất lượng sản phẩm. Để nâng cao chất lượng thổ cẩm Chăm trong thời gian tới cần thay đổi chất liệu, tìm ra mẫu mã mới, nâng cao chất lượng dệt. Bên cạnh đó phải xúc tiến quảng bá, tiếp thị và giới thiệu sản phẩm của mình, cần phải xây dựng thương hiệu cho thổ cẩm Chăm.

Như vậy, để thổ cẩm Chăm có được chỗ đứng bền vững trên thị trường thời gian tới, phải xác định được đối tượng khách hàng cho từng loại sản phẩm, từ đó các làng nghề cần tập trung đầu tư để phát triển các sản phẩm hàng hóa đặc trưng có chất lượng tốt, đáp ứng thị hiếu  khách hàng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên