Thúc đẩy hợp tác văn hóa, du lịch, sản vật địa phương Việt Nam - Trung Quốc
VOV.VN - Diễn đàn quảng bá và phát triển văn hóa, du lịch, sản vật địa phương Việt Nam – Trung Quốc diễn ra trong hai ngày 25 và 26/11 tại Học viện Chính trị khu vực III, do Hội Triết học Việt Nam và đơn vị truyền thông Halotimes phối hợp tổ chức, với sự tham gia của đông đảo nhà nghiên cứu, nhà khoa học và các doanh nghiệp đến từ Việt Nam và Trung Quốc.
Đại diện Hội Triết học Việt Nam, PGS.TS Trần Đăng Sinh (Nguyên Trưởng khoa Triết học, Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội) cho biết Diễn đàn và các hoạt động bên lề là sự tiếp nối những thành tựu hợp tác mà hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được trong thời gian qua. Diễn đàn góp phần cụ thể hóa, đa dạng hóa hợp tác quảng bá và phát triển văn hóa, du lịch và sản vật địa phương giữa hai nước.
"Sau diễn đàn, người dân hai nước có thể kỳ vọng nhiều về một sự khởi sắc trong lĩnh vực văn hóa, du lịch và xuất khẩu sản phẩm địa phương. Người dân Việt Nam có thể đi tham quan, du lịch nhiều hơn tới các thành phố vừa cổ kính, vừa hiện đại ở Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Nam Ninh, Quế Châu,…
Du khách Trung Quốc ngoài việc đến Việt Nam tham quan các danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử, các sản phẩm văn hóa phi vật thể như dân ca Quan họ Bắc Ninh, Hát văn, hò Huế… còn có thể được thưởng thức các mặt hàng nông sản có giá trị của Việt Nam như: cà phê, vải thiều, sầu riêng, các hàng thủ công mỹ nghệ như gốm Bát Tràng, tranh sơn dầu”, PGS.TS Trần Đăng Sinh cho biết.
Với chủ đề chính là chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình hiện đại hóa đất nước, diễn đàn giới thiệu các bài phát biểu, tham luận khoa học, thảo luận doanh nghiệp đến từ các diễn giả uy tín và chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, trong đó có thúc đẩy hợp tác văn hóa du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết: “Đà Nẵng đã có những phát triển vượt bậc về mặt du lịch trong những năm qua. Giai đoạn trước dịch Covid-19, địa phương đón hàng trăm chuyến bay mỗi ngày, trong đó rất đông khách quốc tế, đặc biệt là khách Trung Quốc. Nếu như trước kia, Đà Nẵng chỉ là trạm trung chuyển để khách đi Huế, Quảng Nam thì bây giờ, với hạ tầng hiện đại, dịch vụ cao cấp, Đà Nẵng đã vươn lên trở thành nơi phân phối khách du lịch cho cả khu vực miền Trung. Những diễn đàn như thế này rất cần thiết để chúng tôi học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè quốc tế và áp dụng cho Đà Nẵng”.
Dịp này, các doanh nghiệp Việt Nam đã giới thiệu sản phẩm và tiềm năng của mình tại Diễn đàn, mở rộng cơ hội giao lưu văn hóa, giao thương, hợp tác phát triển du lịch với các đối tác Trung Quốc. Trong đó, phía Halotimes đề xuất ý tưởng “Giúp người nông dân làm giàu trên đất quê hương” với những giải pháp phát triển bền vững cho người nông dân. Thông qua việc tôn vinh và bảo tồn văn hóa sản vật địa phương, các giá trị văn hóa sản vật địa phương được giới thiệu tới khách du lịch trong nước và quốc tế, qua đó mang lại nguồn doanh thu cho người dân.
Ngoài tham dự diễn đàn, các đại biểu từ Trung Quốc còn dành thời gian để tham quan những điểm đến du lịch trong tuyến du lịch di sản miền Trung như bán đảo Sơn Trà, chùa Linh Ứng, phố cổ Hội An, chùa Thiên Mụ, Đại Nội Huế... Việc thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa các địa phương, đơn vị của Việt Nam và Trung Quốc được kỳ vọng mang lại lợi ích lâu dài cho cả hai bên trong các lĩnh vực văn hóa, du lịch và xuất khẩu sản phẩm địa phương.