Kết nối Khu du lịch quốc gia Mộc Châu với những “địa chỉ đỏ”
VOV.VN - Hội thảo “Kết nối khu du lịch quốc gia Mộc Châu với các di tích lịch sử - văn hoá tỉnh Sơn La” bàn giải pháp để các di tích không bị bảo tồn “đóng khung”, mà bảo tồn để phát huy, phục vụ cho phát triển du lịch, tăng tính hấp dẫn và kết nối giữa các di tích với khu du lịch trung tâm, trọng điểm...
Khu du lịch quốc gia Mộc Châu có quy mô hơn 206.000 ha, cách thủ đô Hà Nội khoảng 150km. Đây là cửa ngõ kết nối Sơn La và các tỉnh vùng Tây Bắc với Hà Nội và vùng đồng bằng Sông Hồng; có cửa khẩu quốc tế đầu tiên của Sơn La và được đánh giá là một trong những khu du lịch quốc gia quan trọng trên hành lang du lịch “qua miền Tây Bắc”.
Tại hội thảo do Hội Khoa học lịch sử tỉnh Sơn La và Trường Đại học Tây Bắc phối hợp tổ chức, bà Nguyễn Thị Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu cho biết khu du lịch quốc gia Mộc Châu quan tâm việc khai thác, phát huy giá trị của những “địa chỉ đỏ” như di tích Trung đoàn 52 Tây Tiến, đồn Mộc Lỵ, nơi Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với đồng bào các dân tộc Mộc Châu...
"Chúng tôi xác định đây là các “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng; song trong việc đầu tư, tôn tạo di tích, cũng tính đến các yếu tố làm sao để khai thác tối đa giá trị của di tích cho phát triển du lịch. Chúng tôi nghĩ rằng để kết nối các điểm du lịch, các di tích, và để khách du lịch đến với các di tích lịch sử trên địa bàn huyện, phải có sự đầu tư đồng bộ các di tích, làm thế nào để đảm bảo đó vừa là di tích lịch sử những cũng là sản phẩm du lịch, đảm bảo được các yếu tố về không gian, thuyết minh, các yếu tố phụ trợ khác... để khách đến cảm thấy thực sự có giá trị", bà Nguyễn Thị Hoa cho biết.
Sơn La được biết đến là miền đất lịch sử anh hùng, giàu truyền thống, với 96 di tích lịch sử văn hoá – danh lam; trong đó có 66 di tích đã được xếp hạng, với 2 di tích quốc gia đặc biệt, 16 di tích quốc gia, 48 di tích cấp tỉnh... Nhiều nguồn lực đã được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm cho việc bảo tồn, nâng cấp, phát huy giá trị di tích.
Tuy nhiên theo đánh giá, việc thu hút du khách tới tìm hiểu, trải nghiệm di tích lịch sử văn hoá, tâm linh ở Sơn La còn khá khiêm tốn so với tiềm năng. Các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều ý kiến, giải pháp, trong đó, việc biên dựng những câu chuyện, lời dẫn mang tính biểu trưng để “thổi hồn” cho các sản phẩm du lịch tại di tích lịch sử cần được quan tâm.
TS Tống Thanh Bình (Trường Đại học Tây Bắc) cho rằng: "Phải chú trọng vào nội dung của các điểm đến, có những nghiên cứu cụ thể để làm rõ giá trị lịch sử và văn hoá của điểm đến; từ đó chúng ta viết những câu chuyện của điểm đến, để du khách có thể hiểu được giá trị và bề dày truyền thống lịch sử của vùng đất này. Cùng với đó là chú trọng về truyền thông và đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên là những người am hiểu về lịch sử văn hoá của vùng đất... từ đó lan toả những giá trị tốt đẹp của điểm đến tới cộng đồng".
Để kết nối các di sản, di tích lịch sử - văn hoá với các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh Sơn La như khu du lịch quốc gia Mộc Châu, nhiều ý kiến cho rằng trước hết cần có sự đầu tư, nâng cấp một cách đồng bộ các điểm đến, về cả cơ sở hạ tầng, câu chuyện lịch sử, các dịch vụ; kết nối bằng những tour du lịch có chuyên đề giữa các địa phương; nghiên cứu, đổi mới cơ chế chính sách để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào phát triển sản phẩm du lịch tại các di tích.