Rủi ro tiềm ẩn trong các tour du lịch trải nghiệm giá rẻ
VOV.VN - Các tour du lịch giá rẻ do dân địa phương tổ chức hiện nay đang được nhiều người ưa chuộng bởi "đánh trúng" nhu cầu người trẻ, đó là giá cả phải chăng, được trải nghiệm trực tiếp cảnh sắc hoang sơ và văn hóa bản địa. Việc này tưởng chừng là một hướng phát triển du lịch nên được ủng hộ, song thực chất vẫn tồn tại nhiều rủi ro.
Khoảng 2 năm trở lại đây, trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện hàng loạt bài quảng cáo về những tour du lịch ngắn ngày đến các địa điểm như đảo Bình Hưng (Khánh Hòa), Cù Lao Câu (Bình Thuận) hay Vĩnh Hy (Ninh Thuận)... Hầu hết các tour du lịch này có chung một “thiết kế”: được trải nghiệm cảnh sắc tự nhiên, ẩm thực, văn hóa của địa phương do chính người bản địa dẫn tour với mức giá phải chăng, chỉ từ vài trăm ngàn đến dưới 2 triệu đồng/người tùy dịch vụ.
Theo đó, khách du lịch được bao trọn gói từ chi phí ăn ở, thuê xe máy, lặn, tàu thuyền... Mức giá này được cho là khá “mềm” so với các công ty chuyên tổ chức tour du lịch khác. Một ví dụ so sánh khi cùng 1 tour Cù Lao Câu 2 ngày 2 đêm của các công ty tổ chức có thể dao động từ 1,7 triệu đến 2,7 triệu đồng (chưa phát sinh chi phí), trong khi đó các đơn vị nhỏ lẻ ở địa phương giới thiệu giá tour chỉ khoảng dưới 1,4 triệu/người trọn gói.
Các tour du lịch mang tính địa phương này có nhiều ưu điểm để thu hút du khách. Chị Nguyễn Thị Thanh Ngân (TP.HCM) chia sẻ, bản thân cảm thấy hài lòng sau khi thử trải nghiệm một vài tour du lịch do dân địa phương tổ chức. Chị cho biết, ngoài mức giá phải chăng, các tour du lịch trên đã thành công trong việc giúp du khách khám phá những nét đặc trưng nhất ở chính địa phương đó. Chị cũng đánh giá cao những người hướng dẫn tour của loại hình dịch vụ này. Dù chuyên môn của họ có thể không bằng các hướng dẫn viên chuyên nghiệp, song chị Ngân cho rằng vì họ là người bản địa, có khả năng dẫn du khách đến những ngóc ngách đặc trưng nhất, hay vào mùa nào, khu vực nào có thời tiết, cảnh quan đẹp nhất - điều mà chỉ người sống ở địa phương đó mới biết.
Đa phần thời gian, du khách sẽ theo chân người dẫn tour là người dân bản địa khám phá từng ngóc ngách của địa phương, trải nghiệm đủ các hoạt động như lướt sóng, lặn, đi rừng, leo núi... Đến giờ ăn uống và nghỉ ngơi, đoàn sẽ tổ chức các bữa ăn ngoài trời ngay tại nơi cắm trại (nếu có) hoặc ăn uống tại nhà dân, thưởng thức các đặc sản của địa phương. Sau cùng, du khách có thể nghỉ ngơi trong lều trại trên bãi biển, homestay hoặc nhà nghỉ tùy theo tour thiết kế.
Tuy nhiên, anh Bùi Minh Trung (TP. Đà Nẵng) đưa ra các góc nhìn khác liên quan đến cơ sở vật chất và các vấn đề an toàn cho các tour du lịch này. Xét về cơ sở hạ tầng, anh Trung cho biết các tour bản địa anh trải nghiệm đều có mức độ hoàn thiện kém, chỉ đáp ứng nhu cầu cơ bản như vệ sinh cá nhân, chỗ ngủ. Một số nơi có thể thiếu nước ngọt hoặc sóng viễn thông yếu. Các tour có hoạt động đòi hỏi thể lực như leo núi, vượt sông, anh Trung cho rằng chính các du khách phải tự nhận thức được những rủi ro tiềm ẩn như chấn thương, lạc đường hay tai nạn. Nếu có sự cố xảy ra, vì ở xa trung tâm, dù các đơn vị tổ chức có các phương án xử lý kịp thời song cũng không thể nhanh chóng giải quyết.
“Những tour này đa phần người dân họ làm. Các khâu nhà vệ sinh, lưu trú có nơi còn tạm bợ. Đôi lúc tôi vẫn thấy không an toàn với những tour trải nghiệm dạng vượt núi hay là vượt sông, suối. Tôi gần như không thấy được sự bảo hộ rõ ràng, nếu một sự cố xảy ra thì đội ngũ y tế ở đâu, cứu trợ hoặc hỗ trợ có kịp thời hay không?” - anh Bùi Minh Trung cho biết.
Nhìn nhận về mô hình du lịch giá rẻ này, theo Thạc sĩ Nguyễn Quang Vũ, giảng viên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM, nhiều đơn vị kinh doanh đang không tuân thủ Luật Du lịch 2017.
Ông Vũ cho biết, một số cơ sở lưu trú và khu du lịch đang kinh doanh loại hình du lịch trải nghiệm giá rẻ trên được xây dựng tách biệt trên đất nông nghiệp bằng các công trình bán cố định, không đủ điều kiện phục vụ khách. Chi phí vận hành thấp dẫn đến doanh nghiệp phải cắt giảm nhiều khâu, nhất là việc trùng tu định kỳ. Các đơn vị vận hành mô hình trekking, hiking, biking (leo núi, đi bộ, đạp xe đường dài) tại những cung đường nằm trong rừng núi - có tính nguy hiểm cao, thường là đơn vị vừa và nhỏ. Khi đó, đoàn lữ hành không đủ sức đảm bảo những vấn đề về an toàn cho du khách trong các trường hợp mất tích, cháy nổ, tai nạn...
Hơn hết, ông Vũ cho rằng việc tồn tại các tour du lịch tự phát này có thể phá vỡ bức tranh cảnh quan chung của hoạt động du lịch địa phương, nhất là ở các khu bảo tồn thiên nhiên, di tích lịch sử quốc gia: “Việc khai thác du lịch phải dựa trên quy hoạch chung của địa phương. Ví dụ khu bảo tồn thiên nhiên, khu vực di tích quốc gia... là những khu vực đã có những quy định rất chặt chẽ về quy hoạch và phát triển. Những sản phẩm du lịch tự phát sẽ làm phá vỡ bức tranh cảnh quan chung của hoạt động du lịch của địa phương”.
Để đảm bảo tính pháp lý, quy hoạch cũng như phát triển du lịch bền vững, theo chuyên gia, các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ hơn các mô hình du lịch tự phát. Đồng thời ngành du lịch và các đơn vị liên quan cần sớm thống nhất đánh giá về hoạt động du lịch mới, từ đó có hướng dẫn phù hợp cho cơ sở để tiếp tục rà soát, tăng cường quản lý, ràng buộc các cá nhân, đơn vị thực hiện đúng quy định.