Vắng khách du lịch Trung Quốc, Đông Nam Á loay hoay tìm thị trường
VOV.VN - Vắng thị trường Trung Quốc vốn chiếm tới 21% lượng khách trong năm 2019, các điểm đến Đông Nam Á đang xoay sở để tìm kiếm nguồn khách mới trong quá trình mở cửa du lịch quốc tế.
Trước đại dịch Covid-19, Trung Quốc là thị trường outbound (đi du lịch nước ngoài) lớn nhất thế giới và rất nhiều điểm đến coi trọng nguồn khách này. Du khách Trung Quốc chi tiêu gần 255 tỷ USD vào năm 2019, chiếm khoảng 1/5 tổng chi tiêu du lịch toàn cầu. Riêng tại Đông Nam Á, năm 2019 lượng khách Trung Quốc chiếm 21% với 32 triệu lượt, so với chỉ 5,4 triệu lượt vào năm 2010.
Hồi tháng 5, tổ chức Economist Intelligence Unit dự báo Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách cách ly cho công dân trở về từ chuyến du lịch vào cuối năm 2022. Như vậy thị trường outbound Trung Quốc có thể phục hồi vào đầu năm 2024. Tuy nhiên mới đây tổ chức ForwardKeys ước tính phải đến năm 2025, hoạt động outbound của Trung Quốc mới có thể trở lại mức trước đại dịch.
Viễn cảnh thiếu vắng khách Trung Quốc trong vài năm tới đặt ra bài toán hóc búa cho các điểm đến Đông Nam Á. Giới phân tích cho rằng các chính phủ và ngành du lịch Đông Nam Á phải chú ý đến các thị trường khách trước đây vốn kém quan trọng hơn.
Bà Liz Ortiguera - Giám đốc điều hành Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA) nhận định: "Các điểm đến phải định vị thị trường nguồn mới; đồng thời học cách tiếp thị và phục vụ du khách từ các nền văn hóa khác nhau". Bà Liz Ortiguera cho rằng Đông Nam Á cần xem xét kinh nghiệm của Maldives, nơi đã thành công về xoay chuyển thị trường sau khi mất nguồn khách chủ chốt từ Trung Quốc. Theo đó, Maldives đã quảng bá rầm rộ tại các sự kiện xúc tiến du lịch và thu hút thêm rất nhiều du khách Nga và Ấn Độ. 9 tháng đầu năm 2021, khách Nga và Ấn Độ giúp lượng khách đến Maldives chỉ sụt giảm 12% so với cùng kỳ năm 2019.
Ở Thái Lan, Tập đoàn Laguna Phuket với 5 khu nghỉ dưỡng cho biết đã chuyển trọng tâm sang châu Âu, Mỹ và UAE để bù đắp lượng khách Trung Quốc vốn chiếm 25% - 30% trước đại dịch. "Năm nay chúng tôi không thực hiện các chương trình tiếp thị và quảng bá lớn tại Trung Quốc, vì cảm thấy không khả quan về thị trường này" – Giám đốc điều hành Ravi Chandran nói.
Bà Somsong Sachaphimukh - Phó chủ tịch Hội đồng Du lịch Thái Lan cho biết ngành du lịch nước này hy vọng thu hút số lượng lớn khách Ấn Độ trong dịp lễ hội Diwali vào tháng 11, kết hợp tham dự sự kiện hoặc tổ chức đám cưới. Theo bà Somsong, với sức chi tiêu cao và rất nhiều tiềm năng, thị trường Ấn Độ có thể hỗ trợ ngành du lịch Thái Lan trong thời gian này, dù khó so sánh với lượng khách và doanh thu từ khách Trung Quốc.
Nhìn chung, dù Singapore, Thái Lan và Bali của Indonesia dần mở cửa cho du khách quốc tế nhưng các hãng hàng không Thai Airways và Garuda Indonesia vẫn đang thu hẹp đội bay của họ trong bối cảnh vắng bóng khách du lịch Trung Quốc. Hiện nay, công suất hàng không quốc tế tại Trung Quốc chỉ ở mức 2% so với trước đại dịch. Singapore – nơi khách Trung Quốc chiếm khoảng 20% vào năm 2019 đã mở hành lang du lịch cho khách quốc tế đã tiêm vaccine với 13 quốc gia, trong đó chưa có Trung Quốc mà chủ yếu là các châu Âu và Bắc Mỹ như Đức, Pháp, Italy, Hà Lan, Canada, Mỹ...
Ông Steven Schipani - chuyên gia du lịch tại Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho rằng đại dịch Covid-19 chỉ ra tầm quan trọng của việc đa dạng hóa thị trường nguồn: “Các nước Đông Nam Á sẽ phải nỗ lực gấp đôi để thu hút du khách từ các nguồn đa dạng hơn, bao gồm cả thị trường châu Âu". Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) nhận định: "Đông Nam Á là điểm đến đường dài phổ biến với du khách châu Âu, vì vậy việc mở cửa biên giới với người châu Âu là rất quan trọng". Hơn nữa, thị trường châu Âu đang phục hồi nhanh hơn nhiều khu vực khác do tỷ lệ tiêm chủng cao và các hạn chế đi lại đã được nới lỏng.
Ngoài ra, các điểm đến Đông Nam Á cũng nên quan tâm đến nguồn khách từ Singapore và Hàn Quốc. Năm 2019, lượng khách từ hai quốc gia này lần lượt chiếm 10% và 7%, trong tổng số 143 triệu lượt khách quốc tế tại khu vực./.