Vẻ đẹp hùng vĩ và nên thơ của cao nguyên đá Hà Giang
VOV.VN - Hà Giang đôi khi là một bản hùng ca của mây núi đại ngàn nhưng lắm lúc lại là một áng thơ trữ tình tuyệt đẹp của thiên nhiên.
Hà Giang không chỉ lôi cuốn bởi núi non trập trùng hùng vĩ mà còn làm say đắm lòng người bởi những bản làng ấm áp, tươi vui – nơi mà mỗi địa danh đều gắn với câu chuyện dân gian được kể từ bao đời về tình yêu và sự hy sinh. |
Trong số đó có Núi đôi Quản Bạ gắn với câu chuyện tình đầy xúc động giữa chàng trai người Mông và một nàng tiên trên trời. Truyền thuyết kể rằng vùng đất ấy là bầu sữa ngọt ngào của nàng để lại trần gian vì nỗi thương chồng thương con khi phải trở về Tiên giới. |
Giữa những con đường dài quanh co bất tận và trập trùng núi non xanh ngút mắt là những sắc áo em thơ rực rỡ tươi vui, hồn nhiên như nỗi niềm tuổi nhỏ. |
Những con đường dài men theo sườn núi của Hà Giang khiến người ta nghĩ về những cuộc hành trình nhiều trải nghiệm, đẫm mồ hôi mỏi mệt nhưng cũng hân hoan niềm sảng khoái khi tận hưởng cảm giác thư thái giữa thiên nhiên. |
Hà Giang nơi bản làng còn là phút giây lưu luyến một vạt nắng trước hiên nhà giản dị và bình yên quá đỗi. |
Hà Giang nhìn từ trên cao xuống là những nếp nhà ấm áp, thấp thoáng ruộng đồng xanh tươi và bóng dáng em thơ cắp sách tới trường. |
Đỉnh Mã Pí Lèng thuộc ba xã Pải Lủng, Pả Vi và Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang) là một “tượng đài Địa chất” được tạo nên bởi một loạt trầm tích gồm đá vôi, đá phiến, đá vôi silic chứa các hóa thạch cách đây khoảng 426 triệu năm. |
Khung cảnh “tứ đại đỉnh đèo” Mã Pí Lèng vừa hùng vĩ mà cùng thật nên thơ với dòng sông Nho Quế uốn quanh trập trùng dãy núi. Nguồn gốc tên gọi “Mã Pí Lèng” là sống mũi con ngựa hoặc con mèo, ẩn dụ cho sự hiểm trở bậc nhất của đỉnh núi này. |
Trước khi có đường đi, người dân nơi đây vượt Mã Pí Lèng bằng cách đóng cọc treo dây trên vách đá để bò qua chín khoanh đèo hun hút, lởm chởm đá tai mèo dựng đứng. Dốc Chín Khoanh leo tới đỉnh Mã Pí Lèng còn gọi là con dốc của Giàng (Trời). |
Từ năm 1959 – 1965, một con đường dài khoảng 20 km đã được xây dựng mang tên đường Hạnh Phúc – cái tên hoàn toàn đối lập với sự hy sinh của những người làm ra nó. |
Khi mùa xuân về, cao nguyên đá Hà Giang thay màu áo mới, hoa nở khắp sườn đồi, hoa ngập tràn thung lũng, hoa lan vào cả những bản làng nhỏ bé, khoe sắc bên những căn nhà tường trình dưới chân núi hùng vĩ hay dưới những quả đồi hoang vu. |
Hoa xen cùng đá trong một khung cảnh cổ tích khiến ta ngỡ như vừa lạc vào chốn bồng lai nơi hạ giới. |
Giữa đại ngàn núi đá, hoa đào, hoa mận nở ở Hà Giang như những đường cọ vẽ thêm hương sắc cho một mùa xuân thật đẹp, ngai ngái ở đó mùi hoa cải bay lên hòa quyện cùng khí trời trong lành. |
Ngắm những bản làng và những đường cua uốn lượn dưới chân, ngắm những dãy núi đá trùng điệp xa xa, những vệt nắng cuối ngày kỳ ảo, bạn sẽ thấy mình như đang ở nơi có thể chạm đến bầu trời. |
Và cũng chính tại nơi ấy, người lữ khách chợt nhận ra hạnh phúc đơn giản chỉ là những phút giây cảm giác của mình không phải là nhận định của bất kỳ ai... |
Đồng Văn đâu chỉ có đào hay mận mà còn có những cây sa mộc được trồng bao bọc các bản làng hay mọc tự nhiên nơi lưng chừng mỏm núi chênh vênh. Loài cây giản dị ấy cũng như con người nơi cao nguyên đá này: khô cằn sỏi đá chẳng thắng nổi ý chí và sức người bền bỉ qua phong ba. |
Đến Hà Giang, dừng chân nơi cột cờ Lũng Cú, bất cứ ai đều cảm nhận được niềm tự hào và tình yêu Tổ quốc thiêng liêng. |
Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn.” Dù ta có đi đến vùng đất nào thì chỉ cần có tình yêu và sự gắn bó thì dù là nơi “đất lạ” rồi cũng sẽ hóa “quê hương”. |