Venice nguy cấp vì du lịch phát triển nóng
VOV.VN - Những tác động tiêu cực từ du thuyền, phát triển nóng và quản lý kém là lý do UNESCO xem xét đưa Di sản thế giới Venice (Italy) vào danh sách “đang bị đe dọa”.
Báo cáo của UNESCO cho rằng, thành phố Venice đang phải đối mặt với sự nguy cấp hiện hữu và tiềm tàng, do những mối đe dọa đơn lẻ và các tác động đã tích lũy lâu nay. Một trong những mối đe dọa đó các du thuyền lớn tiếp tục đi sâu vào "thành phố kênh đào", dù Chính phủ Italy cũng không chấp nhận việc này.
UNESCO lý giải, những vấn đề cốt yếu vẫn chưa được giải quyết tại Venice. Những tác động phức tạp của du lịch đại trà, sự sụt giảm dân số cùng những khiếm khuyết trong quản trị và hợp tác đã dẫn đến mất mát đáng kể tính xác thực của Venice. Những tác động tiêu cực từ can thiệp của con người, kết hợp với biến đổi khí hậu có nguy cơ dẫn đến những thay đổi không thể đảo ngược. Ngoài ra, việc thiếu tầm nhìn tổng thể và hiệu quả quản lý thấp của Venice cũng bị UNESCO cảnh báo.
Việc du thuyền cỡ lớn đi vào Venice là vấn đề nan giải với chính quyền tại đây. Báo cáo của UNESCO cho biết: “Các lệnh cấm du thuyền trên 40.000 tấn vào các đầm phá tại Venice không có tác dụng thực tế, vì không có biện pháp thay thế nào để những con tàu cỡ lớn có thể neo đậu… Cần cấm hoàn toàn những con tàu cỡ lớn, bằng việc chuyển hướng tới những cảng phù hợp hơn”.
Phản ứng về thông tin này, Bộ trưởng Văn hóa Italy Dario Franceschini thừa nhận, “việc Venice bị đưa vào danh sách đang bị đe dọa đòi hỏi chúng ta phải có những bước tiến xa hơn, cần ngay lập tức cấm các du thuyền đi vào kênh Giudecca”.
Mặc dù Chính phủ Italy đã có kế hoạch cấm những con tàu lớn vào sâu trong Venice, cùng với việc đẩy nhanh xây dựng cảng tàu Marghera vào cuối hè 2021, tuy nhiên trong lúc chờ đợi, các con tàu vẫn tiếp tục xuất hiện trên con kênh Giudecca nổi tiếng. Các con tàu không những bị chỉ trích vì phá vỡ cảnh quan mà còn bởi những tác động khó lường tới hệ sinh thái và môi trường. Tháng 6/2019, một con tàu lớn đã cào nát vỉa hè và đâm hỏng một con tàu khác đang neo tại bến.
Ở góc độ kinh tế, những du thuyền cỡ lớn cũng mang đến nguồn lợi lớn và tạo ra gần 7.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp cho Venice. Năm 2018, ước tính 1,8 triệu khách từ du thuyền đã chi tiêu khoảng 55 triệu EUR tại Venice. “Khách tàu biển chi tiêu nhiều và ở lại Venice lâu hơn. Du lịch tàu biển chiếm 3,2% tổng sản phẩm của thành phố, rất nhiều người phụ thuộc vào lĩnh vực này. Những du thuyền vô cùng quan trọng với chúng tôi” – Phó thị trưởng Andrea Tomaello cho biết.
Ngoài Venice, 6 di sản thế giới khác cũng sẽ được UNESCO xem xét để đưa vào danh sách đang bị đe dọa, bao gồm rạn san hô Great Barrier (Australia), Budapest (Hungary), thung lũng Kathmandu (Nepal), núi lửa Kamchatka (Nga), vùng Ohrid (Albania và North Macedonia), và khu phức hợp W-Arly-Pendjari (Benin, Burkina Faso và Niger)./.