Việt Nam- Trung Quốc hợp tác phát triển du lịch

Hai bên phấn đấu thực hiện tốt khẩu hiệu “Một điểm đến 2 quốc gia” để thu hút du khách tới địa danh biên giới Việt- Trung.  

Sáng 10/3, tại thành phố biên giới Lào Cai, lãnh đạo ngành du lịch của 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã họp bàn thống nhất triển khai một số giải pháp tăng cường hợp tác quản lý kinh doanh du lịch và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách liên quan tới phát triển du lịch của cả 2 bên, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang bị khủng hoảng .

Tiến sỹ Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao – Du lịch tỉnh Lào Cai, đồng chủ trì cuộc họp cho biết đây là cuộc họp theo chương trình hợp tác du lịch giữa 5 tỉnh, thành phố nêu trên ngày 19/11/2007 tại Hải Phòng. Theo đó, ngành du lịch tỉnh Vân Nam đã đồng thuận với những đề xuất của đại diện Tổng cục Du lịch và lãnh đạo ngành du lịch các tỉnh, thành phố của Việt Nam, vì đây là những địa phương nằm trên tuyến hành lang kinh tế  của tiểu vùng sông Mê Công gồm: Côn Minh (Vân Nam) – Lào Cai – Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam).

Du khách sẽ thuận lợi hơn khi đi du lịch từ Việt Nam sáng Trung Quốc và ngược lại

Hai bên phấn đấu thực hiện tốt khẩu hiệu “Một điểm đến 2 quốc gia” để thu hút du khách tới địa danh biên giới Việt- Trung. Ví dụ như khách du lịch đến thành phố Lào Cai hoặc Móng Cái  (Việt Nam) đều có thể sang thăm Trung Quốc (và ngược lại) một cách  thuận lợi, dễ dàng.

Trước mắt, các cơ quan báo chí của tỉnh Vân Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành du lịch tuyên truyền, quảng bá sâu rộng các điểm đến du lịch hấp dẫn của Việt Nam như thủ đô Hà Nội, vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), bãi biển Đồ Sơn (Hải Phòng), khu du lịch sinh thái Sa Pa (Lào Cai)…

Ngành du lịch Việt Nam và các tỉnh, thành phố:  Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai làm tốt hơn nữa công tác quảng bá các điểm du lịch  nổi tiếng của Vân Nam nói riêng và toàn Trung Quốc nói chung.

Tỉnh Vân Nam hợp tác với ngành du lịch của 4 tỉnh, thành phố kể trên của Việt Nam để bồi dưỡng ngắn hạn, đào tạo dài hạn cán bộ làm công tác du lịch, nhất là đội ngũ hướng dẫn viên và giám đốc các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch.

Cùng phối hợp biên tập, xuất bản, phát hành các ấn phẩm quảng bá du lịch bằng các thứ tiếng Việt – Hoa – Anh cho khách du lịch tới Trung Quốc và Việt Nam. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động du lịch, thống nhất 1 loại giá thu lệ phí du lịch của cả 2 bên, đấu tranh kiên quyết với hiện tượng cạnh tranh dịch vụ du lịch không lành mạnh…

Cùng đề nghị các cấp và cơ quan có thẩm quyền của 2 nước Việt Nam và Trung Quốc về đổi mới công tác quản lý hoạt động du lịch, nhất là du khách từ nước thứ 3 tới thăm nhưng vẫn đảm bảo tốt công tác an ninh trật tự theo quy định pháp luật của mỗi nước./.                                    

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên