Cấm sóng nghệ sĩ Việt vi phạm: Có giơ cao đánh khẽ?
Xoay quanh câu chuyện xây dựng quy trình xử lý (hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo) đối với nghệ sĩ, người có tầm ảnh hưởng (KOLs) có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục, các chuyên gia nhà sản xuất mong muốn những quy định này nghiêm minh, cụ thể vừa đủ sức răn đe vừa thể hiện tính nhân văn.
Không để nghệ sĩ tự tung tự tác
Nghệ sĩ, người có tầm ảnh hưởng (KOLs) luôn là những tấm gương để giới trẻ soi vào. Vì thế, sự lệch chuẩn của giới văn nghệ sĩ, người nổi tiếng kéo theo sự suy thoái về mặt đạo đức, thuần phong mỹ tục, tác động tiêu cực tới giới trẻ. Chỉ cần “luớt” mạng xã hội, không thiếu những câu chuyện, bài đăng về những nghệ sĩ có lời nói, ứng xử kém văn minh trên không gian mạng.
Giới trẻ cũng không đứng ngoài “làn sóng” ứng xử kém văn minh khi dễ dàng buông lời bậy tục, nhục mạ nhau trên không gian mạng.
Trước tình trạng đó, công chúng quan tâm tới đề nghị xây dựng các hình phạt đối với các nghệ sĩ, KOLs vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục. Nắm bắt thực tiễn, Bộ Thông tin và Truyền thông lên kế hoạch cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch soạn thảo Chương trình hợp tác quản lý một số vấn đề trên không gian mạng như điện ảnh, biểu diễn nghệ thuật, trong đó có quy trình xử lý (hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo) đối với nghệ sĩ, người có tầm ảnh hưởng (KOLs) có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định quy định xử phạt rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt thời gian vừa qua, nhiều hành vi lệch chuẩn, không phù hợp gây ra phản ứng tiêu cực đối với xã hội.
Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - NSƯT Trần Ly Ly cho biết quy trình xử lý (hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo) với nghệ sĩ, người có tầm ảnh hưởng (KOLs) vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục được xây dựng theo hướng đảm bảo sự công khai, minh bạch, khách quan. Quy trình xử lý là sự phối hợp nhiều cơ quan liên quan, liên bộ để thẩm định về nội dung, tư tưởng… xác định sai phạm. Tổ chuyên trách quyết định thời gian hạn chế xuất hiện trên truyền thông hay hạn chế tham gia các hoạt động biểu diễn theo mức độ vi phạm, mức độ ảnh hưởng với cộng đồng. Thời gian hạn chế có thể kéo dài 3 tháng, 6 tháng, 8 tháng, 10 tháng, 24 tháng…
“Việc áp dụng các quy định xử phạt và hạn chế hoạt động của nghệ sĩ và KOLs khi họ vi phạm đạo đức, quảng cáo sai sự thật là cần thiết để bảo vệ giá trị văn hóa và truyền thống của dân tộc, hình thành môi trường lành mạnh cho sự phát triển nhân cách của mỗi người và toàn xã hội”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu.
Nhiều chuyên gia đồng quan điểm, nghệ sĩ và KOLs có tầm ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng và đặc biệt là giới trẻ. Vì vậy, họ phải có trách nhiệm đối với việc phát sóng, biểu diễn, quảng cáo một cách có đạo đức và đúng đắn. Thời gian qua, hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng hồn nhiên quảng cáo thổi phồng cho các loại thuốc, thực phẩm chức năng. Không có chuyên môn y tế nhưng với sức ảnh hưởng với cộng đồng, họ bỗng trở thành “chuyên gia y tế”, gây ra những hiểu lầm đối với người tin tưởng mua sản phẩm. Tuy nhiên các hành vi này gần như vẫn chưa được xử lý rốt ráo.
Cần nghiêm khắc với người vi phạm
Đưa ra các biện pháp cấm sóng, hạn chế quyền biểu diễn hay quảng cáo của nghệ sĩ sẽ được thực hiện theo quy trình được cân nhắc kỹ lưỡng. PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật T.Ư nhận định, những hình thức xử phạt không thể quá thô bạo, nhưng cũng không làm theo kiểu đãi bôi.
“Việc xử phạt, hạn chế xuất hiện trên sóng truyền hình, phát thanh, hạn chế biểu diễn chỉ nhằm mục đích để nghệ sĩ nhận ra lỗi sai của mình, bảo vệ hình ảnh nghệ sĩ, người hâm mộ, công chúng và những giá trị thẩm mỹ”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nêu.
Ông cho rằng việc quy định hạn chế biểu diễn, xuất hiện trên sóng phát thanh, truyền hình cũng tạo cơ hội để nghệ sĩ sửa chữa lỗi lầm, xuất hiện trở lại, cống hiến cho xã hội. Đây cũng là tính nhân văn được các chuyên gia, nhà quản lý nhấn mạnh khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, để xuất hiện trở lại, nghệ sĩ không thể thực hiện theo kiểu “đối phó” mà cần hành vi nhận thức sâu sắc, tự giác, thấy được sai phạm của mình và phải có mong muốn, quyết tâm để khắc phục, sửa chữa.
“Giảm ảnh hưởng của nghệ sĩ để họ thấy được xã hội bên cạnh sự bao dung cũng những quy ước, quy định nghiêm khắc”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho biết.
Chuyên gia truyền thông - marketing Trần Nhật Pháp nói rằng nên quy định cụ thể về các mức xử phạt tùy theo mức độ vi phạm. “Nghệ sĩ có thể bị hạn chế hoạt động 1 năm, 5 năm hay thậm chí vĩnh viễn. Quy định cụ thể về danh xưng nghệ sĩ cũng rất quan trọng. Không thể để tình trạng lạm dụng danh xưng như hiện nay, một hotgirl tỏ thái độ coi thường khán giả đến mức phát ngôn cứ cầm mic hát thì gọi là ca sĩ”, anh nói. Nền nghệ thuật nước nhà “lạm phát” ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên tự xưng, tạo ra sản phẩm kém chất lượng. Vì vậy, việc hạn chế xuất hiện và sức ảnh hưởng của nghệ sĩ có hành vi lệch chuẩn là điều cần thiết.
Bên cạnh những chế tài quy định từ cơ quan chức năng và sự điều chỉnh từ chính các nghệ sĩ, công chúng cũng đóng vai trò rất quan trọng góp phần tạo ra môi trường văn minh. Nếu khán giả dễ tha thứ, nhiều nghệ sĩ lợi dụng điểm này để sống buông thả, coi thường khán giả. Họ bất chấp tạo lùm xùm, sau đó chỉ cần lên sân khấu khóc lóc, xin lỗi là được tha thứ.
Nghệ sĩ Phạm Ngọc Dương (Nhà hát Chèo Hà Nội) khẳng định khoảng cách giữa nghệ sĩ và công chúng rất nhỏ. Nghệ sĩ là nghề làm dâu trăm họ, nên cách ứng xử sao cho văn hóa là việc đáng bàn. “Những hành vi chuẩn mực của nghệ sĩ không chỉ ảnh hưởng đến bản thân họ, nói rộng hơn là ảnh hưởng đến cả nền nghệ thuật nước nhà. Thay vì những lùm xùm, nghệ sĩ nên trau dồi nghề nghiệp, dùng lương tâm và tài năng để chinh phục khán giả”, nghệ sĩ Ngọc Dương bày tỏ. Anh nhấn mạnh nghệ sĩ phải tự rèn mình và chuẩn bị hành trang văn hóa khi đối diện với công chúng./.