Khán giả đòi thay vai diễn của Huyền Lizzie trong "Chúng ta của 8 năm sau"
Vai diễn mới của Huyền Lizzie trong phim bộ phim “Chúng ta của 8 năm sau” không được đón nhận như kỳ vọng. Thậm chí, nhiều khán giả hụt hẫng và yêu cầu đổi diễn viên.
Cú bước hụt của Huyền Lizzie
Huyền Lizzie tên thật là Phan Minh Huyền, sinh năm 1990, từng là một trong những hot girl đời đầu ở Hà Nội. Cô vào top 5 cuộc thi Miss Teen năm 2009 và bắt đầu hoạt động trong showbiz với vai trò người mẫu ảnh, kinh doanh thời trang…
Bộ phim đầu tiên của Huyền Lizzie là "Bộ tứ 10A8". Sau đó, cô nhận vai chính trong "Lời thú nhận của Eva". Khả năng diễn xuất của Huyền Lizzie từng bước được củng cố và công nhận qua các phim truyền hình như "Cầu vồng tình yêu", "Chạy trốn thanh xuân", "Trái tim có nắng"…
Bẵng đi một thời gian, Huyền Lizzie tạm ngừng hoạt động nghệ thuật rồi trở lại vào năm 2022. Vai Vân Trang trong "Thương ngày nắng về" giúp cô hâm nóng tên tuổi và được khán giả đón nhận.
Đây cũng là vai diễn mang về cho Huyền Lizzie giải Nữ diễn viên ấn tượng tại VTV Awards 2022. Chia sẻ cảm xúc khi nhận giải, cô nói: "Điều này khẳng định diễn xuất của tôi đã tiến bộ và được ghi nhận".
Sau thành công của "Thương ngày nắng về", Huyền Lizzie đảm nhận vai Mai Dương trong phim "Chúng ta của 8 năm sau". Đây được xem là sự thận trọng của nữ diễn viên khi không nhận vai ồ ạt cũng như chiếm sóng nhiều dự án cùng lúc.
Tuy nhiên, vai diễn mới của Huyền Lizzie không được đón nhận như kỳ vọng. Thậm chí, nhiều khán giả hụt hẫng và cho rằng đây là cú bước hụt của cô.
Cả Huyền Lizzie và Mạnh Trường đều bị nhận xét quá già dặn so với độ tuổi của nhân vật. Nét diễn của Huyền Lizzie phá vỡ hình tượng ban đầu. Dù mặc định Mai Dương sẽ hoàn toàn trái ngược so với 8 năm trước do trải qua nhiều biến cố, khán giả lại không nhìn thấy ở cô sự đồng cảm. Mai Dương từ nhân vật được yêu mến trở nên ích kỷ, hẹp hòi và có những hành động thiếu thiện cảm.
"Sai lầm của đạo diễn là chọn diễn viên phần 1 đóng quá xuất sắc, tạo ấn tượng tốt với khán giả nên sang phần 2 gây hụt hẫng và thất vọng, luôn phải so sánh với phần trước", "Đang xem phần 1 hay và hấp dẫn, sang phần 2 thấy hụt hẫng, buồn. Cứ nghĩ như xem bộ phim mới cho đỡ chán vì 2 tuyến nhân vật này khác nhau hoàn toàn, cố bắt chước cũng không thể ăn nhập được”, "Mình vẫn mê cách diễn bạn Hoàng Hà hơn. Tự nhiên sang phần 2 như phim khác luôn. Không phải các bạn phần 2 đóng không hay mà nó bị đứt mạch cảm xúc của 2 diễn viên khác nhau nên chưa quen", "Không ai đòi Dương phải trẻ trung hồn nhiên như xưa, cũng có thể thay diễn viên nhưng cá nhân tôi thấy Minh Huyền diễn không ra tình cảm nhân vật. Thứ nhất, Dương là cô gái thông minh, giỏi giang, lý trí nên sau biến cố sẽ không mơ mộng, không tin tưởng, sống thực tế, có thể nhìn đời tiêu cực nhưng cô gái ấy nhất định không bao giờ để điều đó quá lộ liễu mà sẽ trở thành nhân vật nữ cường. Do đó Huyền Lizzie vẫn chọn phong cách ăn mặc như Dương phần 1 là dở. Thứ hai là mọi thứ để lộ ra không phù hợp với tính cách Dương. Thứ 3 là những điều Huyền Lizzie thể hiện cho thấy một Mai Dương có vẻ hơi bết bát, đi xuống. Nhìn chung nét diễn không tinh tế, kiểu như diễn kịch"... là một số ý kiến khán giả trên các diễn đàn phim.
Kịch bản theo lối mòn, nhàm chán
Việc đánh giá diễn xuất của diễn viên chỉ thông qua một vài tập phim mới lên sóng có thể chưa thực sự khách quan, công bằng.
Giống như cách Huyền Lizzie chia sẻ về việc vai diễn của mình sẽ nhận phản ứng trái chiều, so sánh, khen chê. “Tôi tin là sẽ có những khán giả yêu mến mình ngay khi gặp gỡ nhưng cũng có nhiều khán giả cần thời gian để quen và chấp nhận Dương của sau này. Và cho dù khán giả yêu thương đón nhận hay chưa quen thì tôi cũng xin tiếp thu tất cả”, Huyền Lizzie nói.
Bên cạnh diễn xuất của diễn viên, nhiều khán giả nhận định những tranh cãi xoay quanh bộ phim còn đến từ yếu tố kịch bản, ý đồ đạo diễn…
Không khó để nhận ra "Chúng ta của 8 năm sau" có những tình tiết lặp lại trong "Thương ngày nắng về". Cụ thể, bi kịch mất cả gia đình trong cơn mưa được cho na ná với biến cố mà nhân vật Vân Trang gặp phải. Hay việc để nữ chính tuyệt vọng đi dưới cơn mưa, ngất xỉu đúng lúc nam chính xuất hiện cũng không có gì mới lạ.
Ngoài ra, drama ngoại tình, chuyện người thứ ba xuất hiện chia rẽ tình cảm đã quen thuộc đến mức nhàm chán.
Trao đổi với Tiền Phong, đạo diễn Ngô Hương Giang nhận định bộ phim "Chúng ta của 8 năm sau" đi vào lối mòn kịch bản cũ, không hấp dẫn vì mô tuýp quen thuộc.
“'Chúng ta của 8 năm sau' không phải là câu chuyện mới. Nó đơn thuần là kịch bản cũ với mô tuýp đã xuất hiện nhan nhản trước đó. Các cặp đôi vô tình gặp gỡ rồi yêu đương, trải qua biến cố chia tay sau đó gặp lại. Kết cấu này na ná như các bộ phim từng lên sóng như '11 tháng 5 ngày', 'Tình yêu và tham vọng'… Biên kịch không đưa phạm trù thẩm mỹ vào phim. Vì vậy, nó thiếu sự hấp dẫn, không đi vào chiều sâu cảm xúc khán giả”, đạo diễn Ngô Hương Giang chia sẻ.
Mở rộng vấn đề với phim truyền hình hiện nay, nam đạo diễn cho rằng có ba nguyên khiến các dự án thiếu sức hút.
Trước hết, tổng mức đầu tư cho phim truyền hình hạn hẹp. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng của một bộ phim. Bên cạnh đó, vốn đầu tư ảnh hưởng tới kế hoạch truyền thông. Trong khi truyền thông có thể quyết định tới 40% thành công của một bộ phim.
Thứ hai, xu hướng cạn ý tưởng hay còn gọi “chảy máu” ý tưởng. Theo đạo diễn Ngô Hương Giang, phim Việt có thời gian bứt phá, bùng nổ vào khoảng từ 2015 đến 2020. Đây là thời kỳ nở rộ việc chuyển thể kịch nước ngoài và một số dự án thành công như "Người phán xử", "Sống chung với mẹ chồng", "Hương vị tình thân", "Gạo nếp gạo tẻ"…
Bên cạnh đó, một số dự án nội địa với kịch bản thuần Việt được đón nhận như "Lối về miền hoa", "Mẹ rơm", "Ga-ra hạnh phúc", "Đừng làm mẹ cáu"…
Tuy nhiên, càng về sau các bộ phim dần đi vào lối mòn, lạm dụng khai thác đề tài gia đình, tình yêu với mô tuýp gần giống nhau.
Một nguyên nhân nữa được đạo diễn Ngô Hương Giang đề cập là sự lệ thuộc vào phương thức phát hành phim truyền thống. Đa phần, phim truyền hình được phát trên các kênh chính thống và sự độc quyền sóng. Trong khi đó, nhu cầu của khán giả đã thay đổi. Họ tiếp cận chủ yếu thông qua mạng xã hội, các app trực tuyến… thay vì ngồi trước màn hình tivi.
“Phương thức phát hành phim không theo kịp xu hướng của khán giả cũng là nguyên nhân phim truyền hình kém hấp dẫn, không được nhiều người đón nhận. Không kể thực tế các dự án ra đời ồ ạt, phim cũ chưa phát sóng được bao lâu đã truyền thông phim mới. Đây cũng là hạn chế cần nhìn nhận để có những sản phẩm thực sự chất lượng chứ không phải ra phim theo chỉ tiêu”, đạo diễn Ngô Hương Giang nhấn mạnh.