Biên đạo Viết Thành: Những clip nhảy múa trên TikTok không đem lại giá trị thực
VOV.VN - Biên đạo Nguyễn Viết Thành, trưởng nhóm Big Toe cho rằng những clip bắt trend nhảy múa trên TikTok đem lại những khoảnh khắc vui vẻ cho cả người xem lẫn người nhảy. Nhưng giá trị của những clip ấy chỉ dừng lại ở mức độ xem và nhảy cho vui trên phạm vi ở màn hình điện thoại mà thôi.
Thời gian gần đây, sự bùng nổ mạnh mẽ của TikTok đã góp phần giúp nhiều ca khúc, vũ đạo được lan toả rộng rãi. Rất nhiều TikToker có thể nổi tiếng sau 1 đêm chỉ với vài clip nhảy múa. Chính vì thế, nhiều người có suy nghĩ ngộ nhận các giá trị ảo, chạy theo những trào lưu mang tính nhất thời với chất lượng các sản phẩm.
Chia sẻ với VOV.VN, biên đạo Nguyễn Viết Thành, trưởng nhóm Big Toe, nêu quan điểm: "Tôi biết có rất nhiều người biết cách dùng công nghệ để hỗ trợ cho mình. Đôi khi các bạn ấy chỉ cần lắc lư cái đầu, làm vài động tác tay rồi nhờ công nghệ chỉnh sửa là thành 1 clip nhảy múa trông rất đẹp mắt và dễ dàng thu hút được nhiều lượt like, nhiều bình luận.
Thế nhưng tôi cũng chứng kiến rất nhiều người nổi tiếng trên mạng xã hội nhưng bước ra sân khấu lại không biết nhảy ra sao, vung tay như thế nào. Với xã hội 4.0 hiện nay, sử dụng công nghệ là điều thiết yếu nhưng nếu không có hiểu biết và kỹ năng cơ bản thì những hiệu ứng và sự nổi tiếng mà công nghệ đem lại sẽ không thể tồn tại lâu bền được".
Trưởng nhóm Big Toe nói thêm: "Tôi đồng ý rằng những clip bắt trend nhảy múa trên TikTok đem lại những khoảnh khắc vui vẻ cho cả người xem lẫn người nhảy. Nhưng giá trị của những clip ấy chỉ dừng lại ở mức độ xem và nhảy cho vui trên phạm vi ở màn hình điện thoại mà thôi.
Thử đem những động tác đó biểu diễn trên sân khấu trong 1 bản nhạc kéo dài từ 3-5 phút xem, liệu cả người xem lẫn người nhảy còn còn thấy nó “vui” và hấp dẫn nữa hay không? Đó sẽ là lúc mọi người thấy được giá trị của những năm tháng các dancer tập luyện miệt mài, có căn bản, có kỹ năng thực sự.
Bất cứ ngành nghề nào cũng vậy thôi, chúng ta cần có những giá trị thực đem lại cho xã hội thì mới có thể đi đường dài được".
Cũng có ý kiến cho rằng, vũ công không thể sống bằng nghề vì tuổi thọ nghề rất ngắn. Nói về quan điểm này, biên đạo Viết Thành cho rằng: "Tôi nghĩ khi tập trung phát triển công việc mà mình yêu thích và thực sự dành tâm huyết cho nó thì chúng ta hoàn toàn có thể phá vỡ nhiều giới hạn, cho dù đó là về thu nhập hay về thời gian cống hiến.
Người ta cho rằng dancer chỉ có thể biểu diễn đến năm 30 tuổi sau đó sẽ phải giải nghệ và đi làm 1 công việc gì đó mà họ không có chuyên môn. Điều này sẽ khiến các dancer cứ nghèo mãi.
Nhưng bản thân tôi và nhiều anh em khác trong nghề đang chứng minh rằng quan điểm đó là không đúng. Sau nhiều năm tháng tập luyện, biểu diễn, chúng tôi tích lũy được kha khá kinh nghiệm, kỹ năng, hiểu biết và khi không phù hợp để biểu diễn nữa chúng tôi có thể tiếp tục sống với đam mê bằng cách chuyển sang dạy nhảy, truyền đạt lại cho các thế hệ sau".
Với mong muốn truyền dạy cho thế hệ sau, Viết Thành đã miệt mài đứng lớp, tham gia công tác giảng dạy. Mới đây, biên đạo Nguyễn Viết Thành đã có hành trình đầy cảm xúc khi tự mình lái xe đến từng huyện ở tỉnh Lâm Đông để hỗ trợ các thí sinh tham gia cuộc thi nhảy tại Đà Lạt: “Khi nhận lời làm giám khảo của cuộc thi Dalat Best Dance Crew, tôi xúc động khi thấy những thí sinh vùng xa như Đạ Huoai, Đạ Tẻh say mê nhảy múa. Mặc dù họ không có nền tảng về vũ đạo nhưng tình yêu và nhiệt huyết mà họ thể hiện trong từng bước nhảy khiến tôi bị ấn tượng mạnh”.
Trưởng nhóm Big Toe cho biết những thí sinh này có điểm chung là đều “mò mẫm” trên Youtube rồi lựa chọn những gì họ thấy ấn tượng đưa vào phần nhảy của mình: "Điều này khiến tôi nhớ lại tình hình của HipHop Hà Nội những năm đầu tiên, chúng tôi cũng góp nhặt như thế. Tôi đã cùng trò chuyện, chia sẻ với các thí sinh và giúp họ có định hướng hợp lý cho mình.
Tất nhiên chỉ ngày một ngày hai hoặc chỉ vài ba buổi chia sẻ thì không thể thay đổi hoàn toàn tư duy hay định hướng của mọi người. Nhưng tôi tin rằng những dự án như này rất nhân văn và hữu ích đối với những người yêu mến nghệ thuật vũ đạo”./.