Tân Nhàn tiết lộ ca khúc khiến mẹ khóc trên sân khấu “Con đường âm nhạc”

VOV.VN - “Con đường âm nhạc” số đầu tiên của năm 2023 tôn vinh sự nghiệp âm nhạc của nữ ca sĩ, Tiến sĩ âm nhạc Tân Nhàn đã diễn ra tại Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô.

Trong 90 phút chương trình, Tân Nhàn đã “chiêu đãi” người nghe một bữa tiệc âm nhạc thịnh soạn với nhiều màu sắc từ dòng nhạc âm hưởng dân gian, đến chèo, hát văn, quan họ…

Điều khá bất ngờ ở chỗ đưa tác phẩm hát văn “Cô đôi Thượng ngàn” mở màn cho đêm diễn thay vì thường để kết chương trình theo cách quen thuộc. Việc chọn bài hát văn mở đầu đêm nhạc không chỉ là cách làm “nóng” đêm diễn ngay từ điểm khởi đầu mà còn như một sự ngầm khẳng định của Tân Nhàn về một lối đi mà cô trân trọng, nỗ lực, kiên trì trong sự nghiệp âm nhạc của mình: tôn vinh và góp phần chấn hưng âm nhạc truyền thống.

Đó là Tân Nhàn của hiện tại và tương lai, dù biết con đường mình đi khó khăn, cần nhiều nỗ lực hơn nữa nhưng vẫn đam mê không ngừng nghỉ để thỏa tâm nguyện của mình. Như Tân Nhàn chia sẻ trên sân khấu rằng, điều cô khát vọng là không chỉ dạy cho sinh viên giỏi về thanh nhạc mà còn phải biết yêu, hiểu và hát được âm nhạc truyền thống. Bởi trong quan niệm của Tân Nhàn âm nhạc truyền thống chính là hồn cốt, là tinh hoa văn hóa của dân tộc, đã là người Việt thì phải yêu và giữ gìn, phát triển nó.

Từ một Tân Nhàn của hiện tại và tương lai, “Con đường âm nhạc” của cô ngược trở về những ngày đầu tiên đi hát cách đây gần 20 năm qua những bài hát gắn với tên tuổi cô và giúp cô nổi danh.

Tân Nhàn đã xuất sắc giành giải Nhất Sao mai 2005, phong cách nhạc dân gian. Ngày ấy, Tân Nhàn đặc biệt nổi tiếng với “Trăng khuyết”. Ca khúc cũng là tiêu đề cho album đầu tay của Tân Nhàn trong sự nghiệp nghệ thuật chuyên nghiệp. Tân Nhàn hát lại “Trăng khuyết” trong "Con đường âm nhạc" với một tinh thần mới, một bản phối mới khiến khán giả trong khán phòng thấy… gai người. Giọng hát vừa nồng nàn vừa xót xa thương cảm cho kiếp con tằm giăng tơ, giăng cả nỗi lòng mình vào sự đồng cảm của khán giả. Những tràng pháo tay đã vang lên không dứt để cổ vũ cho một “Trăng khuyết” mới mẻ, day dứt của Tân Nhàn. 

Tân Nhàn tiết lộ, qua đại dịch COVID -19, chỉ trong vòng 8 tháng, cô nhiễm dịch 2 lần, cho đến giờ sức khỏe vẫn chưa hồi phục. Thêm vào đó, trong thời gian chuẩn bị cho đêm nhạc, Tân Nhàn gặp vấn đề về cổ họng, đau họng và thi thoảng bị hụt hơi, nên cô rất căng thẳng trước đêm diễn. Lời trần tình nhẹ nhàng của Tân Nhàn cũng là lời cô mong được lượng thứ nếu có gì đó chưa trọn vẹn. Nhưng, Tân Nhàn đã hoàn thành tốt vai trò của mình, nhẹ nhàng và tình cảm kể cho khán giả nghe về con đường âm nhạc của mình. 

Là một người bạn thân thiết, gắn bó với Tân Nhàn từ thủa mới bắt đầu vào học chuyên nghiệp, Thu Hà đã mang đến màn song ca ăn ý, ngọt ngào với ca khúc “Hai quê”. Sự gắn bó thân thiết và hiểu nhau đến tận cùng của họ đã mang đến một phần trình diễn hoàn hảo khi giọng ca người nọ nương tựa vào người kia, nâng đỡ và chan hòa vào nhau, tình cảm sâu nặng. Tân Nhàn và Thu Hà được bạn bè gọi là “đôi bạn cùng tiến” vì cả hai cùng nhau học và trở thành tiến sĩ âm nhạc, hiện Tân Nhàn là Phó khoa thanh nhạc Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Thu Hà là Phó khoa nghệ thuật Đại học sư phạm Hà Nội 1.

Cuối phần một của chương trình, Tân Nhàn lần đầu tiên trình diễn một ca khúc mới “Tiếng khèn mùa ban nở” (sáng tác Lê Minh). Ca khúc có chất liệu âm nhạc Tây Bắc với tiếng khèn, tiếng đàn môi, hoa ban và chiếc váy cách điệu trang phục dân tộc rực rỡ.  Theo tiết lộ ngoài lề của Tân Nhàn khi khán giả nán lại hỏi cô về ca khúc sau kết thúc chương trình, sắp tới cô sẽ ra mắt MV bài hát này. 

Phần sau của đêm nhạc, Tân Nhàn mang đến không gian âm nhạc đa dạng cùng các chất liệu âm nhạc truyền thống. Đây là thành tựu âm nhạc mà Tân Nhàn đã có được bằng cách chăm chỉ học hỏi nhiều tiền bối trong làng âm nhạc dân gian như nghệ nhân Hà Thị Cầu, NSND Xuân Hoạch, NSƯT Đình Cương… Bên cạnh đó là quá trình Tân Nhàn tự tìm tòi qua băng đĩa nhạc. Bằng tài năng âm nhạc của mình, có thể thấy, ở bất kỳ loại hình âm nhạc dân gian nào mà Tân Nhàn dấn thân đều mang đến cho cô những dấu ấn. Trong đêm nhạc, Tân Nhàn đã trình diễn hai bài chèo cổ là “Đào liễu” và “Duyên phận phải chiều” với chất giọng tròn, căng nẩy, mẩy. Khó có thể nhận ra, cô không phải là một kép chèo chuyên nghiệp. Có chăng, chỉ là tinh thần mới mẻ được Tân Nhàn phả vào thứ âm nhạc đặc sắc miền Bắc Bộ này...

Và một lần nữa, trên sân khấu “Con đường âm nhạc”, Tân Nhàn đã khiến khán giả rưng rưng xúc động khi cùng  NSUT Đình Cương hát “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa”. Tân Nhàn tiết lộ, đây là bài hát văn đã từng khiến chính mẹ cô rơi nước mắt khi cô thể hiện. Trong làng nhạc Việt, không có nhiều những nghệ sĩ đam mê đeo đuổi âm nhạc truyền thống theo cách của Tân Nhàn. Bù đắp lại, con đường này cũng đã tạo cho cô một lối đi riêng có, giúp hình ảnh của cô đa sắc, đa tài.

Không màu mè, chiêu trò, có thể thấy, “Con đường âm nhạc” của ca sĩ, Tiến sĩ âm nhạc Tân Nhàn chú trọng vào viên ngọc sáng là giọng hát và nỗ lực cống hiến của cô cho những điều lớn hơn cả một sự nghiệp ca hát của một người nghệ sĩ. Đó là sứ mệnh nối dài tình yêu dành cho nghệ thuật dân gian trong dòng chảy đương đại. Thế nên Tân Nhàn tâm sự với MC Anh Tuấn, rằng cô tham vọng xây dựng giáo trình âm nhạc dân gian để giảng dạy cho thế hệ kế cận tại Học viện âm nhạc Quốc gia. 

Cô còn cho biết thêm, nếu được lựa chọn hai danh vị NSND và nhà giáo nhân dân, cô vẫn thích trở thành nhà giáo được truyền tình yêu âm nhạc đến thế hệ sau hơn. Chính vì vậy, cô không giấu diếm rằng trên sân khấu là một Tân Nhàn dịu dàng thế thôi, nhưng trên bục giảng, cô là một nhà giáo khó tính. Cô khẳng định, chính nhờ sự khó tính này mới có hy vọng có những học trò xuất sắc. Điều này minh chứng bằng việc Tân Nhàn đã nhiều học trò thành công trong việc chinh phục những đỉnh cao nghệ thuật trong thời gian qua.

“Con đường âm nhạc” của Tân Nhàn rõ ràng có nhiều lối đi, ngả rẽ, nhưng cuối cùng có thể thấy đều hướng đến lý tưởng cuối cùng mà cô luôn đau đáu chính là được cống hiến tất cả những gì có thể cho âm nhạc. Cô hát hay, cô chinh phục và lan tỏa âm nhạc truyền thống, cô đào tạo tài năng mới cho nhạc Việt… làm gì cũng đều mong mỏi được góp sức nhỏ bé vào sự phát triển của âm nhạc Việt Nam, mà sự phát triển ấy theo quan điểm của Tân Nhàn, là phải bắt nguồn từ gốc rễ- chính là âm nhạc truyền thống. Nhờ vậy, Tân Nhàn có một chỗ đứng khó thay thế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tân Nhàn muốn trở thành Nhà giáo Nhân dân hơn là Nghệ sĩ Nhân dân
Tân Nhàn muốn trở thành Nhà giáo Nhân dân hơn là Nghệ sĩ Nhân dân

VOV.VN - Với Tân Nhàn, danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân là vinh dự của người nghệ sĩ, nhưng Nhà giáo Nhân dân mới thực sự là khát vọng, là đích đến cho sự nghiệp của cô.

Tân Nhàn muốn trở thành Nhà giáo Nhân dân hơn là Nghệ sĩ Nhân dân

Tân Nhàn muốn trở thành Nhà giáo Nhân dân hơn là Nghệ sĩ Nhân dân

VOV.VN - Với Tân Nhàn, danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân là vinh dự của người nghệ sĩ, nhưng Nhà giáo Nhân dân mới thực sự là khát vọng, là đích đến cho sự nghiệp của cô.