Người nổi tiếng lên mạng xã hội: Đẳng cấp không ở nhiều like, nhiều share!
VOV.VN - Nhiều văn nghệ sỹ, người mẫu miệt mài làm thiện nguyện để chăm sóc hình ảnh, để ghi điểm với xã hội, ghi điểm vào sự tử tế cho bản thân thì hà cớ gì vì một phút bực tức, thiếu kiểm soát mà "đổ sông đổ biển" bao công lao ấy?
Có lần tôi khuyên một ông anh, một nhà thơ, thần tượng của nhiều thế hệ, rằng mấy thứ thuốc men anh dùng có thể chỉ hiệu quả với anh, anh hồn nhiên ca tụng trên mạng như thần dược thì nên cân nhắc vì anh là người của công chúng.
Người của công chúng đương nhiên được nhiều người thần tượng. Khi đã là thần tượng thì nói gì người hâm mộ chả nghe, đôi khi coi như chân lý tuyệt đối. Cũng chính vì gánh nặng ấy mà người của công chúng phải hết sức giữ gìn hình ảnh.
Không phải đến bây người ta mới “khai thác” người nổi tiếng. Thuở bình minh của nền công nghiệp quảng cáo, các minh tinh màn bạc đã được các nhãn hàng mời chào ra giới thiệu sản phẩm trước ống kính truyền hình.
Đến hôm nay, phần lớn người của công chúng, người nổi tiếng…nhận rõ trách nhiệm của mình với cộng đồng, nhưng đây đó, lúc này lúc kia, vô tình hay hữu ý, người nổi tiếng vẫn bị/được khai thác triệt để để phục vụ cho mục đích được toan tính từ trước.
Nói như vậy để thấy sức ảnh hưởng của người nổi tiếng - nhất là giới văn nghệ sỹ - rất lớn. Sức ảnh hưởng ấy có lúc điên rồ và mù quáng đến nỗi người hâm mộ sẵn sàng lao tới say sưa hôn hít chiếc ghế thần tượng vừa ngồi.
Trên mạng, mỗi người nổi tiếng đều có một lượng người yêu (fan) và kẻ ghét nhất định (antifan). Khi họ buồn bực hay không hài lòng một điều gì đó mà họ thể hiện trên mạng, có thể gây ra những cơn bão tấn công lẫn nhau dẫn đến hành động cực đoan, mù quáng ngoài đời thật, có thể gây ra những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Lúc đó, có thể không cố ý, họ đã vô tình đẩy những “fan” cuồng của mình vào vòng lao lý.
Không thể trách các nghệ sỹ khi cuộc mưu sinh đẫm mồ hôi, đôi khi cả nước mắt, khiến họ buộc phải vào vòng xoáy cơm - áo - gạo - tiền. Họ hoàn toàn có quyền làm những gì pháp luật không cấm. Và thực tế họ cũng đã bỏ sức lao động trong việc này. Ở đây chỉ có thể nói tới trách nhiệm xã hội. Tuy nhiên cụm từ này trừu tượng, mơ hồ, khó định danh định lượng; chi phối và ràng buộc hành vi mỗi người bằng sự tự nguyện, dựa vào sự hiểu biết và phông văn hóa của chính người đó.
Dù xuất hiện trên mạng hay ngoài đời các văn nghệ sỹ luôn thu hút một lượng công chúng đông đảo. Mọi hành động của người nổi tiếng luôn có tính định hướng và dẫn dắt. Người hâm mộ sẽ khắc cốt ghi tâm “lời vàng ý ngọc” thần tượng nói, ngoan ngoãn bắt chước những hành động thần tượng làm, từ cái búng tay điệu nghệ cho đến kiểu nháy mắt làm duyên.
Người hâm mộ có thể coi là một phiên bản của nghệ sỹ - thần tượng. Mọi hành vi, thái độ của người nghệ sỹ trong đời thực cũng như trên mạng ảo được ánh xạ lên người hâm mộ. Phiên bản đấy bị coi là “phiên bản lỗi” khi người nghệ sỹ phổ biến những suy nghĩ và hành động không đúng mực.
Internet là thành tựu vĩ đại của nhân loại trong thế kỷ 20 nhưng cũng phải thừa nhận nó đang tiếp tay tạo ra sự vô cảm, làm xói mòn trách nhiệm đạo đức cá nhân.
Chúng ta thấy ít trách nhiệm với hành động của mình hơn khi giao tiếp trên mạng vì nơi đó con người có thể nặc danh, cảm giác như tàng hình nên thiếu trách nhiệm về cách hành xử.
Vì thế, một hoạt động trên mạng xã hội nhiều người theo dõi, nhiều LIKE, nhiều SHARE chưa hẳn đồng nghĩa với sự đúng đắn và chuẩn mực, và càng không phải là cách xã hội đánh giá đẳng cấp của người nổi tiếng.
Không thể chỉ vì mâu thuẫn cá nhân, bức bối điều gì đó trong xã hội rồi lên mạng chửi bới om sòm mà không thèm đếm xỉa đến hai chữ “thanh danh”- điều cần có ở những người nổi tiếng.
Những người nổi tiếng, văn nghệ sỹ, diễn viên, người mẫu…khác nhau về xuất thân, khác nhau về sự nghiệp, gia thế, thân phận…, nhưng khi đã là người của công chúng thì buộc phải có một điểm chung, đấy là sự tử tế và lịch duyệt.
Sự tử tế và lịch duyệt toát ra từ hình ảnh của mỗi người. Giàu có không phải lúc nào cũng song hành cùng sự tử tế và lịch duyệt. Nhiều văn nghệ sỹ, người mẫu miệt mài làm thiện nguyện để chăm sóc hình ảnh, để ghi điểm với xã hội, ghi điểm vào sự tử tế cho bản thân thì hà cớ gì vì một phút bực tức, thiếu kiểm soát mà "đổ sông đổ biển" bao công lao ấy?
Các nhà lập pháp đang phải vật lộn để cập nhật những thay đổi nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là những vấn đề trên mạng xã hội hiện nay. Để hiệu quả và triệt để có lẽ cần tới một phản ứng toàn cầu chứ không chỉ trong phạm vi quốc gia. Những lúc như thế này, người của công chúng càng nên chứng tỏ trách nhiệm xã hội của bản thân.
Hình ảnh của người nổi tiếng là một thứ tài sản có giá trị nhưng tài sản ấy cũng chỉ thực sự có ý nghĩa nếu nó phụng sự và có đầy đủ trách nhiệm với cộng đồng./.