Chống giặc Covid-19: “Sức khỏe người dân là trên hết”
VOV.VN - Tiếp tục mục tiêu “sức khỏe người dân là trên hết”, nhiều hành động quyết liệt trong phòng chống dịch đã được Chính phủ thực hiện, tạo niềm tin trong nhân dân từ việc phân công, phân cấp rõ ràng, quy rõ trách nhiệm của “người đứng đầu" đến việc tiếp cận, mua vaccine nhiều nhất, nhanh nhất.
Kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (27/4) đến nay, cả nước đã có 251.753 ca mắc. Số ca tử vong kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam là 5.088 người. Dịch Covid-19 không chỉ diễn biến phức tạp ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng đang chịu nhiều hậu quả nặng nề do dịch gây ra.
Đợt dịch này bùng phát mạnh với sự xuất hiện liên tiếp của chủng virus mới, ngày càng phức tạp, khó lường. Dịch bắt đầu bùng phát vào thời điểm Chính phủ bắt đầu nhiệm kỳ mới cũng là một khó khăn, thách thức lớn.
Ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ, người đứng đầu Chính phủ đã liên tiếp có nhiều chỉ đạo sát sao, quyết liệt trong công tác phòng chống dịch. Những chỉ đạo này là kim chỉ nam cho các địa phương thực hiện công tác phòng chống dịch một cách hiệu quả.
Trước hết, có thể thấy, ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ, hành động quyết liệt của Chính phủ được các tỉnh, thành phố và nhân dân cả nước đồng tình, ủng hộ là nêu cao tính gương mẫu, tiên phong của người đứng đầu các ngành, các cấp từ Trung ương xuống phường, xã, thôn, xóm...
Trong các chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ, của các cơ quan chức năng, vai trò của người đứng đầu trong phòng chống dịch luôn được nhấn mạnh. Cuối tháng 4, ngay khi xảy ra đợt dịch, trong một cuộc họp về phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, vừa qua có nơi, có lúc, người đứng đầu cũng chưa thực sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nên tình hình có những sơ hở. Do đó, phải xem xét xử lý nghiêm minh trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra dịch theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước với tinh thần hết sức khách quan, công bằng, hợp lý.
Kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng lại một lần nữa nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu các cấp ở địa phương trong việc chỉ đạo chủ động phối hợp, cập nhật tình hình trong nước và thế giới, rà soát để không ngừng hoàn thiện và tổ chức thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch trong phạm vi quản lý cho phù hợp với tình hình dịch bệnh và yêu cầu thực tế… Trường hợp để xảy ra lây nhiễm dịch trong cộng đồng trên địa bàn thì tuỳ mức độ sẽ bị xem xét, xử lý trách nhiệm theo quy định.
Nói đi đôi với làm. Trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu được trỏ rõ tới từng cá nhân, đơn vị từ Trung ương đến cơ sở. Nhiều địa phương đã thể hiện rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phòng chống dịch. Nhiều nơi, người đứng đầu đã tiên phong trực tiếp xuống kiểm tra và chỉ đạo việc thiết lập vùng cách ly, truy vết, xét nghiệm các đối tượng liên quan; gương mẫu không ra khỏi vùng dịch; người đứng đầu bị xử lý nghiêm khi để xảy ra lây chéo dịch bệnh…
Cùng với đó, việc khen thưởng tổ chức, cá nhân, người đứng đầu có cách làm tốt, hiệu quả cũng được thực hiện kịp thời và ngược lại, những tổ chức, cá nhân, người đứng đầu lơ là, vi phạm trong phòng chống dịch đã bị xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.
Có thể nói, việc quy trách nhiệm đối với người đứng đầu không chỉ làm rõ được trách nhiệm của từng cá nhân mà tiếp tục tạo niềm tin, động lực trong nhân dân vào một Chính phủ liêm chính, của dân và vì dân.
Trách nhiệm của cá nhân được trỏ rõ không chỉ ở các địa phương mà ngay trong bộ máy Chính phủ cũng có sự phân công rõ ràng. Các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng được giao cụ thể các lĩnh vực phụ trách, nhằm chỉ đạo xử lý ngay các vấn đề phát sinh, bảo đảm kịp thời yêu cầu phòng chống dịch, ổn định đời sống nhân dân và sản xuất kinh doanh…
Cùng với đó, hành động quyết liệt thể hiện chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ trong các đợt dịch trước và lần này được nhân dân đồng tình, ủng hộ là “đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, chấp nhận hy sinh về kinh tế”.
Trong Nghị quyết 86, Thủ tướng lại một lần nữa nhấn mạnh việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân là trên hết, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu yếu phẩm trong cuộc sống, tập trung cứu chữa các ca bệnh, hạn chế thấp nhất các ca tử vong.
Dịch bệnh Covid-19 với biến chủng Delta diễn biến phức tạp, nhanh, khó lường, công tác phòng, chống dịch chưa có tiền lệ, Thủ tướng đặc biệt quan tâm đến việc tiêm phòng vaccine Covid-19 cho toàn dân. Cùng với việc tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19, việc mua trang thiết bị, vật tư y tế, phân bổ vaccine, tổ chức thực hiện chiến dịch tiêm vaccine kịp thời, an toàn cũng được đặt là nhiệm vụ trọng tâm.
Trong bối cảnh khan hiếm vaccine Covid-19 trên toàn cầu nhưng với sự quan tâm, nỗ lực của Chính phủ, đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã vận động chính phủ các nước và các hãng sản xuất bán vaccine và đẩy sớm thời gian chuyển giao vaccine cho nước ta. Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, số lượng vaccine mà chúng ta tiếp nhận đã tăng lên đáng kể.
Theo số liệu từ Tiểu ban tiêm chủng, tính đến thời điểm này, đã có khoảng 18 triệu liều từ các nguồn khác nhau về đến Việt Nam, trong đó để tiêm cho đối tượng ưu tiên là các lực lượng tuyến đầu và địa bàn dịch bùng phát như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM, TP Hà Nội… Theo Bộ Y tế, từ nay đến cuối năm lượng vaccine sẽ về dồn dập, chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch tiêm chủng toàn dân. Và cũng tính đến thời điểm này, đã có hơn 12 triệu liều vaccine đã được tiêm cho người dân.
Cùng với việc quan tâm “ngoại giao vaccine” nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng cho người dân, Thủ tướng cũng yêu cầu tất cả mọi cơ quan, mọi cá nhân có trách nhiệm phải quyết tâm, nỗ lực cao hơn nữa vì mục tiêu có vaccine Covid-19 sản xuất trong nước sớm nhất, có thể là ngay trong tháng 9 tới, nến mọi việc suôn sẻ.
Có thể nói, đến thời điểm này, dịch bệnh ở nước ta vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường. Nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị, của người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chính phủ cùng với sự chung sức, đồng lòng của cả xã hội, có thể tin tưởng dịch Covid-19 sẽ sớm bị đẩy lùi./.