Tương lai "cúi đầu"

VOV.VN - Cứ chiều tà hoặc đầu giờ sáng, hàng xóm nhà tôi lại ầm ĩ. Tiếng quát tháo không đến từ việc phụ huynh la mắng con không học bài, mà lý do rất đơn giản: Bọn trẻ không chịu nói chuyện!

Bố hỏi, đáp một câu thủng thẳng. Mẹ than phiền, chúng cũng thờ ơ. Chúng mải trò chuyện với chiếc điện thoại nhỏ nhắn mà quyền lực.

Từ lâu, chúng chẳng cần giao tiếp. Nhà nuôi chú chó nhỏ, dạo trước thấy hai cô cậu còn dắt chó đi dạo, thi thoảng nghe tiếng đùa qua trêu lại. Giờ im như thóc. Bố mẹ cứ như thể hai chiếc máy hát cho nhau nghe. Chúng mặc kệ.

Nhưng khổ nỗi, điện thoại đã trao tay đâu dễ để bố mẹ thu hồi. Cô chị có đầy đủ lý do để không buông điện thoại ra nổi. Đứa em trai thì nghiện game, từ chỗ mỗi ngày xin bố mẹ chơi vài chục phút, giờ thành vài tiếng.

Mẹ chúng rầu rĩ nói, xưa đưa điện thoại nghĩ đơn giản lúc mình bận rộn không để mắt đến chúng được thì có điện thoại để “trông” hộ. Giờ lấy lại, chúng khó chịu, làm mình làm mẩy, thậm chí sẵn sàng “đối đầu” với bố mẹ chỉ vì tước đi người “bạn” bất ly thân.

Bao lời trách cứ, đổ lỗi cũng dồn lên bố mẹ khi chính những đứa trẻ nhận thức được đã có quãng thời gian bố mẹ “bỏ rơi” chúng loay hoay với chiếc điện thoại, vừa ăn vừa dán mắt vào màn hình.

Chú bảo vệ chung cư, ngày nào cũng ngồi nghiêm ngắn ở chiếc bàn ngay cửa ra thang máy. Cửa thang máy mở, câu cửa miệng của chú là: “Ngẩng cái mặt lên. Cắm mặt vào điện thoại thế kia thì chết, con ạ”.

Chú bảo tụi trẻ giờ hay thật. Đi ngang nhìn mình như người vô hình. Chỉ thấy mấy đứa 3,4 tuổi vòng tay chào. Còn cả phụ huynh lẫn mấy đứa nhỏ “teen teen” đều chung một tư thế cúi gập cả cổ. Chú cười khà khà, có đứa còn đi vấp cả vào bàn chú đang ngồi.

Sân tập thể thao sau 5h chiều và cuối tuần, lúc nào cũng kín chỗ. Một cuộc chạy đua học ngoại khoá của bố mẹ dành cho con cái.

Thể thao thật tốt, nhưng giá như cả phụ huynh và tụi trẻ được “thoát ly” hẳn chiếc điện thoại trong những giờ tập. Buông chiếc vợt cầu lông, cô bé chừng 7 tuổi đeo cặp kính dày lướt tiktok điệu nghệ mải miết cho đến khi có tiếng thày huấn luyện viên gọi “Đến lượt con rồi!”.

Phụ huynh có mặt trên hàng ghế chờ con cũng “mê” điện thoại không kém. Nếu không trượt trượt, lướt lướt thì cũng selfie đăng hình khoe khoảnh khắc đồng hành cùng con. Tôi đã từng nghe một đứa trẻ hét lên như sắp khóc với mẹ của cô bé ngay tại sân tập: “Mẹ! Mẹ nhìn con chơi đi!”

Bữa cơm tối là thời gian gặp gỡ đầy đủ hiếm hoi của mọi thành viên trong gia đình. Đó cũng là lúc lũ trẻ chờ đợi để có cơ hội được “tám” chuyện với ông bà, bố mẹ, từ chuyện có em ở trường mới lớp một đã nhuộm tóc, sơn móng tay; hay chuyện nay cô giáo chủ nhiệm thay vì buộc tóc thì thả tóc; chuyện bạn nam này để ý bạn nữ kia; rồi kiểm tra giữa kỳ có bạn chép bài...

Nhưng sự háo hức của lũ trẻ tụt dần theo năm tháng khi những câu chuyện chúng cho là nghiêm túc, cần được lắng nghe và chia sẻ trở thành bông phèng bởi những cái gật đầu, à, ờ qua loa của bố mẹ.

Ta dạy lũ trẻ phải biết lắng nghe, nhưng chính chúng ta chẳng thể rời điện thoại để kiên nhẫn nhìn vào ánh mắt chứa chan hy vọng của chúng, dù chỉ vài giây.

Áp lực cuộc sống khiến người lớn chúng ta cũng cần cả thời gian và không gian riêng để thư giãn. Nhưng ta tự tạo ra thật nhiều mối quan tâm. Còn tụi nhỏ chỉ hướng đến sự quan tâm gần như duy nhất – đó chính là bố mẹ. Tình cảm và sự hiện diện của bố mẹ - chứ không phải là chiếc điện thoại mang lại cảm giác được kết nối.

Nên khi ngay cả khi ngồi trước mặt những đứa con, mà bố mẹ vẫn chỉ làm xiếc với những ngón tay thì tụi trẻ sẽ ngay lập tức có cảm giác bị cô lập. “Bệnh” phổ biến của hai ngón tay cái bấm phím không tồi tệ bằng những “khuyết tật” tâm hồn mà lũ trẻ phải nhận lấy.

Cuộc cạnh tranh từ điện thoại âm ỉ thật. Nó có thể lấy mất tiếng cười, những khoảnh khắc đáng nhớ, những thanh âm bản năng và trải nghiệm để chạm đến tâm hồn của nhau.

Một sự âm ỉ mang đến nhiều mất mát.

Trên lý thuyết và cả thực tế, tương lai của những đứa trẻ không thể hoàn toàn lại bỏ công nghệ. Cũng không hẳn tất cả đều mất mát nếu biết tận dụng để khơi gợi những cơ hội học tập mới mẻ và truyền cảm hứng để khám phá thế giới một cách cân nhắc và có trách nhiệm.

Nhưng chân ta cũng không thể bước đến tương lai, với một tư thế chỉ biết cúi đầu...

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Sự nổi tiếng cần đi đôi với trách nhiệm
Sự nổi tiếng cần đi đôi với trách nhiệm

VOV.VN - Một lần nữa khái niệm “ngáo quyền lực” được nhắc lại như một chỉ dấu về tình trạng nở rộ các KOL, KOC (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) nhưng lại thiếu các quy định, hướng dẫn cần thiết cho hoạt động nội dung trên môi trường mạng.

Sự nổi tiếng cần đi đôi với trách nhiệm

Sự nổi tiếng cần đi đôi với trách nhiệm

VOV.VN - Một lần nữa khái niệm “ngáo quyền lực” được nhắc lại như một chỉ dấu về tình trạng nở rộ các KOL, KOC (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) nhưng lại thiếu các quy định, hướng dẫn cần thiết cho hoạt động nội dung trên môi trường mạng.

Giáo sư bán bài nghiên cứu: Có vi phạm liêm chính học thuật?
Giáo sư bán bài nghiên cứu: Có vi phạm liêm chính học thuật?

VOV.VN - Các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội bàn tán về vấn đề một GS ở trường đại học A, xuất bản bài báo nghiên cứu khoa học nhưng để tên tổ chức trên bài báo là đại học B hay đại học C. Như vậy có vi phạm liêm chính học thuật không?

Giáo sư bán bài nghiên cứu: Có vi phạm liêm chính học thuật?

Giáo sư bán bài nghiên cứu: Có vi phạm liêm chính học thuật?

VOV.VN - Các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội bàn tán về vấn đề một GS ở trường đại học A, xuất bản bài báo nghiên cứu khoa học nhưng để tên tổ chức trên bài báo là đại học B hay đại học C. Như vậy có vi phạm liêm chính học thuật không?

Khát nước và “ăn mặn”
Khát nước và “ăn mặn”

VOV.VN - Cấp nước sinh hoạt cho người dân là nhu cầu thiết yếu của cư dân đô thị. Tuy nhiên, một số địa phương vì chú trọng phát triển các dự án BĐS, hình thành các khu dân cư mới nhưng thiếu chuẩn bị kỹ về hạ tầng; trong đó có cấp nước, dẫn đến nhiều nơi bị thiếu nước hoặc sử dụng nước không “sạch”.

Khát nước và “ăn mặn”

Khát nước và “ăn mặn”

VOV.VN - Cấp nước sinh hoạt cho người dân là nhu cầu thiết yếu của cư dân đô thị. Tuy nhiên, một số địa phương vì chú trọng phát triển các dự án BĐS, hình thành các khu dân cư mới nhưng thiếu chuẩn bị kỹ về hạ tầng; trong đó có cấp nước, dẫn đến nhiều nơi bị thiếu nước hoặc sử dụng nước không “sạch”.