100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất đóng góp 25% GDP Việt Nam
VOV.VN - Hỗ trợ mô hình doanh nghiệp gia đình phát triển bền vững thì cần có Luật Doanh nghiệp gia đình hoặc bổ sung các điều khoản trong luật về doanh nghiệp.
Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất đóng góp 25% GDP. Tại TPHCM, trong số hơn 10.000 doanh nghiệp ở các hội, câu lạc bộ trực thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM có hơn 50% là doanh nghiệp gia đình được thành lập từ khi Luật Doanh nghiệp và Luật Công ty ra đời từ năm 1990.
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, doanh nghiệp gia đình ngày càng giữ vai trò quan trọng đối với kinh tế Việt Nam và thế giới. Trong 3 năm qua, khu vực kinh tế tư nhân luôn đóng góp trên 40% GDP và sẽ đạt 65% vào năm 2030. Ngoài ra, khu vực này góp phần giải quyết công ăn việc làm, thu hút trên 83% lực lượng lao động, tương đương 45 triệu người. Về đầu tư, khu vực kinh tế tư nhân chiếm hơn 43% tổng vốn đầu tư xã hội.
100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất đóng góp 25% GDP Việt Nam. |
Tuy nhiên, trên thế giới có đến 70% công ty theo mô hình doanh nghiệp gia đình khó duy trì đến thế hệ thứ hai và 90% không thể duy trì đến thế hệ thứ 3.
“Tôi nghĩ vấn đề quan trọng là phải chuẩn bị đầy đủ về mặt kiến thức, năng lực, đặc biệt là năng lực quản trị cho thế hệ sau. Thứ hai là sự đoàn kết, sự nhất trí giữa các thành viên trong gia đình cũng rất quan trọng. Thứ ba là việc thừa kế tài sản cũng phải đảm bảo hài hoà, phù hợp với lợi ích của tất cả các thành viên” - ông Thành nói.
Nhận định về điểm mạnh của doanh nghiệp gia đình, ông Phạm Phú Trường, Tổng Giám đốc GIBC liệt kê hàng loạt yếu tố như: tin cậy, tinh thần trách nhiệm, sự cam kết dựa trên huyết thống và truyền thống cao hơn những công ty bình thường khác. Các thành viên gia đình có thể làm việc không lương, cống hiến hết mình; Các quyết định trong kinh doanh sẽ linh hoạt hơn, tính truyền thống được tiếp nối dễ dàng hơn qua các thế hệ; Các doanh nghiệp gia đình có xu thế hoạt động bền vững hơn về mặt tài chính do có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích tài chính của các thành viên.
Ông Trường cũng chỉ ra những điểm mạnh nêu trên sẽ là điểm yếu khi các thành viên có giá trị sống quá khác biệt, không hoà thuận, không cùng chí hướng. Để đảm bảo thành công, các thành viên cần xây dựng vững chắc nền tảng quản trị gia đình. Ông Trường cũng đề xuất cần có thêm Luật Doanh nghiệp gia đình hoặc bổ sung thêm các điều khoản trong Luật Doanh nghiệp để hỗ trợ cho doanh nghiệp gia đình phát triển bền vững, góp phần bảo tồn bản sắc của dân tộc và xây dựng được những thương hiệu mang tầm quốc gia.
Nói về việc vận hành doanh nghiệp của gia đình mình, ông Lâm Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty Nệm Liên Á cho rằng trong quá trình hoạt động luôn có sự xung đột, đa số thuộc về khác biệt giữa định hướng phát triển giữa các thế hệ. Tuy nhiên những xung đột này là động lực thúc đẩy công ty phát triển tốt hơn. Để giải quyết những xung đột này, ông Minh cho rằng nền tảng quan trọng là phải xây dựng và duy trì văn hoá gia đình.
“Nhờ sống trong gia đình và có sự quan sát các thành viên đã giúp tôi có sự thừa hưởng những giá trị của gia đình từ những thế hệ trước để lại. Đó là một trong những yếu tố giúp công ty tôi xây dựng được văn hoá gia đình, từ đó giúp công ty phát triển bền vững” - ông Minh nói./.
Doanh nghiệp gia đình hoá giải mâu thuẫn để phát triển bền vững
100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất Việt Nam đóng góp lớn vào GDP