4 năm tái cơ cấu kinh tế: Vẫn chưa chạm đến vấn đề cốt lõi!
VOV.VN -Thông điệp này được nêu trong báo cáo kết quả thực hiện tái cơ cấu kinh tế Việt Nam 2011-2015 do Viện CIEM vừa công bố.
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa có báo cáo kết quả thực hiện tái cơ cấu kinh tế Việt Nam 2011-2015 hướng đến xây dựng Đề án tái cơ cấu 2016-2020. Kết quả cho thấy, quá trình tái cơ cấu này còn ngổn ngang những hạn chế và tương lai nền kinh tế đối mặt nhiều thách thức nhãn tiền.
Chưa chạm đến vấn đề cốt lõi của thể chế
Nước ta đã trải qua 4 năm thực hiện tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế trên 3 lĩnh vực là đầu tư (trọng tâm là đầu tư công), doanh nghiệp (trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước) và hệ thống tài chính (trọng tâm là ngân hàng thương mại). Nhìn lại chặng đường này, TS. Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Ban Kinh tế vĩ mô (Viện CIEM) cho biết, mặc dù có một số mặt chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn rất nhiều hạn chế.
Nhu cầu đầu tư hạ tầng ở Việt Nam rất cao (Ảnh minh họa: KT) |
Trong đó, tái cơ cấu đầu tư công mới chỉ dừng lại ở siết kỷ luật đầu tư công chứ chưa tập trung vào các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí đầu tư.
Tốc độ cổ phần hóa vẫn còn chậm, những ưu đãi cho DNNN vẫn đang là yếu tố làm méo mó thị trường. Những vấn đề cốt lõi của tái cơ cấu DNNN chưa được chạm đến.
Bên cạnh đó, quy trình xử lý nợ xấu kéo dài và chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay vẫn còn đang cao là rào cản tiếp cận lãi suất của doanh nghiệp. Cơ chế xử lý nợ xấu của VAMC thiếu minh bạch sẽ không thể hình thành thị trường. Và tái cơ cấu vùng, ngành chưa đi vào thực chất. Nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn đặc biệt là từ sự gia tăng nhanh chóng của nợ công.
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Tú Anh, “những vấn đề cốt lõi của thể chế kinh tế chưa được chạm đến, như: tình trạng phân tán quyền lực tại các cơ quan nhà nước, thiếu sự phối hợp và thiếu người chịu trách nhiệm. Tư duy ưu đãi DNNN vẫn là chủ đạo, phân bổ nguồn lực đầu tư công vẫn chủ yếu do Nhà nước mà chưa sử dụng cơ chế thị trường. Hệ thống ngân hàng thương mại bộc lộ nhiều lỗ hổng lớn nhưng thể chế để ngăn ngừa các lỗ hổng này chưa có thay đổi đáng kể”.
Đầu tư hạ tầng không khéo cũng lại phản tác dụng
Thực tế này đặt nền kinh tế Việt Nam đối mặt nhiều thách thức nhãn tiền. Bởi theo ông Nguyễn Tú Anh, do nguồn lực hạn chế, nhu cầu đầu tư lớn đặc biệt là hạ tầng; cạnh tranh quốc tế ngày càng lớn nên mô hình sản xuất nhỏ lẻ thiếu liên kết không còn phù hợp. Nhưng khi thay đổi lại nảy sinh thách thức mới.
“Trong quá trình tái cơ cấu, nhiều người cứ đổ cho nguồn lực quốc gia chúng ta thiếu và yếu. Tôi thấy nước ta có rất nhiều nguồn lực mà không sử dụng được hoặc sử dụng không hiệu quả. Hơn nữa, nói tái cơ cấu cần phải chỉ rõ cần tái cơ cấu gì rất cụ thể. Tôi cho rằng, nó ra cần làm gì không khó, vấn đề ở chỗ nói ra rồi thì ai sẽ làm và làm như thế nào?”- TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM.
Chẳng hạn, theo phân tích của chuyên gia này, muốn phát triển hạ tầng, nhưng đầu tư mà tạo ra kết cấu hạ tầng chất lượng thấp trong khi vốn đầu tư khan hiếm, huy động khó khăn, nhưng tính toán giá chi phí đầu tư hạ tầng vọt cao vượt quá lợi ích hạ tầng đó mang lại thì có thể có kéo lùi tăng trưởng sau đầu tư. Đơn cử, nếu cao tốc Hà Nội – Hải Phòng mới làm xong mà thu phí quá cao, phương tiện không dám đi đường cao tốc mà cứ đi đường cũ, khi đó hiệu quả đầu tư chưa chắc cao.
Hay như thay đổi quy mô sản xuất nông nghiệp sang làm quy mô lớn, công nghệ cao vào, nhưng theo ông Tú Anh, khi đó không xử lý tốt thì lao động nông nghiệp hiện tại sẽ bị đẩy ra ngoài thành thất nghiệp tăng.
Từ thực tế này, theo đề xuất của Viện CIEM, mục tiêu tái cơ cấu năm 2016 – 2020, cần phải chú ý tạo việc làm và nâng cao chất lượng việc làm cho người dân là ưu tiên hàng đầu, trong đó DN tư nhân và DN nhỏ và siêu nhỏ là công cụ then chốt; khuyến khích DN vừa và lớn, tạo liên kết vùng, cụm.
Đồng thời, cần nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực đầu tư, đổi mới thể chế quản lý kinh tế. Trong đó, cần tạo điều kiện tối đa cho DN tư nhân và DN nước ngoài phát triển; đổi mới quản lý đầu tư công; cải cách chức năng chủ sở hữu, quản lý của Nhà nước và DN; dịch vụ công và ngân sách cứng./.
Phải nâng cao mức sống, tạo việc làm
“Tái cơ cấu không phải là một mục tiêu. Các mục tiêu của tái cơ cấu phải là: công bằng, ổn định, nâng cao mức sống, tạo việc làm… Tái cơ cấu kinh tế chỉ là một phần của quá trình thay đổi dẫn tới các mục tiêu này. Quá trình tái cơ cấu là kế hoạch và đường đi để đạt được mục tiêu cụ thể hơn. Do đó, để thực hiện tái cơ cấu cần phải đưa ra những mục tiêu rất rõ ràng, cụ thể để thực hiện; tái cơ cấu có trọng tâm. Đặc biệt, cần hình thành liên minh cải cách để tạo sức ép thay đổi, vì quá trình này có thể có những chủ thể không muốn cải cách, thậm chí chống phá cải cách.
Đề án tái cơ cấu 2016-2020 cần phải hết sức cụ thể, như lĩnh vực DNNN thì phải có các cơ chế cụ thể đảm bảo đến 2020 phải đạt được kết quả gì. Nói tăng hiệu quả đầu tư công nhưng cụ thể là gì ở từng lĩnh vực một. Chú trọng đến phát triển đồng đều, phải đảm bảo hệ thống theo dõi đánh giá và đánh giá tác động tái cơ cấu với bình đẳng trong xã hội.”-Ông Raymond Mallon, cố vân cấp cao Dự án RCV.