5 hiệp hội kiến nghị mức tăng lương cơ bản
Người lao động tại các hiệp hội này hiện đang được nhận mức lương cao gần gấp hai lần lương cơ bản.
5 hiệp hội gồm Dệt may, Da giày, Thủy sản, Gỗ mỹ nghệ và Bông vải sợi đang bày tỏ lo lắng về dự kiến mức tăng lương theo phương án Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến các địa phương.
Các hiệp hội này đã cùng đồng kiến nghị tại một văn bản vừa được gửi đến đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM với nội dung: Từ năm 2013, áp dụng mức tăng lương 15%/năm, thời gian áp dụng tăng lương tối thiểu và lương cơ bản là cuối quý 1 hoặc quý 2 hàng năm.
Hiện các hiệp hội đang đại diện cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong 5 ngành kinh tế mũi nhọn có kim ngạch xuất khẩu chiếm đến 35% tổng kim ngạch cả nước và sử dụng khoảng 5 triệu lao động.
Theo phân tích của đại diện các hiệp hội, với phương án tăng lương tối thiểu 36% (phương án 1), theo tính toán mà bản kiến nghị đưa ra, chi phí lao động của doanh nghiệp sẽ tăng lần lượt các năm từ 2013 – 2016 là 125%, 161%, 208% và 273%. Còn nếu tăng 25% ở phương án hai thì các con số tương ứng sẽ là 118%, 140%, 169% và 205%.
Ở mức 15% mà các hiệp hội kiến nghị thì chi phí lao động của doanh nghiệp từ 2013 - 2016 sẽ tăng 111%, 123%, 138% và 154%.
Bản kiến nghị cũng lưu ý các phương án trên dựa theo khảo sát của các doanh nghiệp đóng tại vùng 1 (vì có trên 60% doanh nghiệp trong các ngành đang hoạt động tại vùng này) đồng thời đã tính đến việc từ 2014 tỷ lệ đóng bảo hiểm sẽ tăng thêm 2% so với mức hiện tại.
Với dự báo đến 2016, mức chi phí lao động mà doanh nghiệp phải trả sẽ tăng hơn gấp đôi so với mức lương tối thiểu, bản kiến nghị cho đây là vấn đề cần cân nhắc.
Cùng ký tên tại một văn bản, lãnh đạo 5 hiệp hội khẳng định cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam luôn đồng thuận và ủng hộ quan điểm là phải ngày càng nâng cao thu nhập để cải thiện đời sống cho người lao động, tạo sự yên tâm và tích lũy cho cuộc sống.
Tuy nhiên, họ cũng “phản biện” rằng nhận định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là mức lương tối thiểu hiện nay chỉ đáp ứng được 50 -60% nhu cầu sống của người lao động chỉ đúng với điều kiện doanh nghiệp trả lương bằng mức lương tối thiểu. Còn các doanh nghiệp trong ngành hàng này đã trả theo cơ chế thị trường với mức cao gần gấp hai lần.
Cụ thể lương bình quân thực nhận của ngành dệt may, da giày, túi xách, sợi là 4 triệu đồng, thủy sản 3,8 triệu đồng và đồ gỗ là 3,9 triệu đồng. Còn chi phí lao động bình quân doanh nghiệp chi trả là 5.600.000 đồng cho ngành dệt may và sợi, 5.320.000 đồng cho các ngành da giày - túi xách, thủy sản, đồ gỗ.
Ở phần đề xuất giải pháp, bản kiến nghị cho rằng hiện nay phần lớn các mặt hàng xuất khẩu cũng như thị trường nhập khẩu của Việt Nam đều tương đồng với nước trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia, Philippine, Thái Lan… do vậy khi tăng lương tối thiểu cho người lao động cần cân nhắc những tác động đến năng lực cạnh tranh quốc gia so với các nước này.
Cùng với mức tăng 15%/năm áp dụng từ năm sau, 5 hiệp hội còn kiến nghị Việt Nam cần có một định hướng tăng lương tối thiểu trong thời gian trước 3 năm nhằm tạo sự chủ động cho việc đầu tư kinh doanh sản xuất của các tập đoàn nước ngoài và doanh nghiệp trong nước, cũng như tạo sự yên tâm cho người lao động./.