7 lý do khiến các thương vụ M&A thất bại
VOV.VN -Đánh giá không đầy đủ mục tiêu, khó khăn khi tích hợp, quá nhiều sự đa dạng... là những lý do khiến một thương vụ M&A thất bại
“Biết mình, biết người, trăm trận trăm thắng”
Một thông tin bất ngờ được GS.Nigel Denscombe Chủ tịch, TGĐ Tập đoàn Denscombe đưa ra tại Hội thảo “Chiến lược M&A để tăng trưởng đột phá” diễn ra tại Hà Nội ngày 12/8 là, theo nghiên cứu, có tới 80% doanh nghiệp (DN) cảm thấy không hài lòng sau khi tiến hành các thương vụ M&A. Điều ngạc nhiên là dù vậy, nhưng số lượng và giá trị các thương vụ M&A đang gia tăng với tốc độ chóng mặt. Riêng tại Việt Nam, giá trị M&A tăng 70% trong năm 2012.
Sở dĩ xảy ra tình trạng này là bởi, các DN đã không làm tốt “bài tập ở nhà”. Cụ thể, DN không phân tích tình trạng của DN mình và của DN sắp mua; không xác định rõ chiến lược dài hạn và những khó khăn, thách thức; chưa trả lời được câu hỏi vì sao M&A là cách tốt nhất để thực hiện mục tiêu đó…
“Nếu không xác định mục tiêu rõ ràng, cụ thể thì xác suất thất bại rất cao. Có rất nhiều vấn đề DN cần tính toán trước khi tiến hành M&A như mục tiêu chiến lược, làm sao giữ được nhân tài, làm sao tạo sức mạnh tổng hợp… Ngoài ra, DN cũng không nên thanh toán chi phí M&A tốn kém quá. Đừng nghĩ chi nhiều tiền sẽ thành công”, GS. Nigel khuyến cáo.
Theo GS. Nigel, có 7 lý do khiến các thương vụ M&A thất bại.
Thứ nhất là DN đã không đánh giá đầy đủ mục tiêu của mình, dẫn tới việc trả giá quá cao cho Cty mục tiêu.
Thứ hai, DN khó khăn khi tích hợp hai hệ thống của hai DN với nhau, nhất là hòa quyện về văn hóa DN, hòa hợp hệ thống tài chính, kiểm soát các mối quan hệ công việc… Theo đó, hai Cty dù có “sức khỏe” tốt nhưng nếu tích hợp không tốt thì thương vụ M&A vẫn có thể thất bại.
Thứ ba, không đạt được các giá trị cộng hưởng, tức lợi nhuận thu về từ khối tài sản của hai Cty nhập lại không tăng lên.
Thứ tư, đa dạng hóa quá nhiều. Nói cách khác, Cty hậu M&A quá tham vọng, quá đa dạng mục tiêu dẫn đến giảm hiệu suất, nhà quản lý không thể kiểm soát được hoạt động của mình.
Thứ năm, các nhà quản lý quá tập trung vào M&A, lơ là các hoạt động chính của mình.
Thứ sáu, quy mô quá lớn với người mua, tức “cá bé nhưng lại nuốt cá lớn”.
Thứ bảy, Cty được mua lại có quá nhiều nợ xấu, khiến Cty hậu M&A có khả năng bị nợ xấu đe dọa, tăng khả năng phá sản, hạ bậc xếp hạng tín nhiệm…
Theo khảo sát của Cty kiểm toán KPMG, có tới 82% thương vụ M&A thành công ở Việt Nam là người mua tìm hiểu nhiều hơn 1 DN mục tiêu.
Chỉ có 27% thương vụ thành công với các trường hợp tìm hiểu nhiều hơn 10 DN mục tiêu trước khi chốt thương vụ đó.
Các thương vụ M&A thường mất ít nhất 6 tháng để hoàn thành.
Do đó, DN muốn thu hút được nhà đầu tư, cần được tối ưu hóa cơ hội, bằng việc nhờ đến các ngân hàng đầu tư.
ASEAN sẽ đón “bão” M&A
Dù M&A không phải lúc nào cũng có quả ngọt, song điều đáng ngạc nhiên là số lượng và giá trị các thương vụ M&A đang tăng lên với tốc độ chóng mặt. Trong đó, khu vực ASEAN được dự báo sẽ là tâm điểm M&A thời gian tới.
Ông Marc Djandji, Phó Giám đốc Cty CP chứng khoán Dầu khí (PSI) khẳng định, ASEAN đang là nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới với tốc độ tăng trưởng GDP ấn tượng so với nhiều khu vực khác.
Do đó, trên thế giới đang hình thành xu hướng các nhà đầu tư dần chuyển vốn khỏi Ấn Độ, Trung Quốc, tiến hành các hoạt động M&A tại ASEAN. “Với số lượng người tiêu dùng trung lưu ngày càng tăng, ASEAN đang trở thành điểm nóng hấp dẫn M&A. Vốn FDI vào khu vực này sẽ tiếp tục gia tăng.
Giá trị M&A tại ASEAN năm 2012 đạt 90 tỷ USD, chiếm 4% tổng giá trị M&A của thế giới, và 20% các thương vụ tại châu Á. Riêng tại Việt Nam, giá trị các thương vụ M&A năm 2012 đã tăng 70% so với năm 2011” - ông Marc Djandji khẳng định.
Dù giá trị gia tăng từ các thương vụ M&A là rất lớn, song ông Marc Djandji cho rằng, các DN khi tiến hành M&A nên lựa chọn các ngân hàng đầu tư thay vì lựa chọn các môi giới khác.
“Trước khi bên mua giao tiền, họ mong muốn rằng DN được mua đúng như thông tin họ đã biết, tránh những hiểu lầm đáng tiếc, bất đồng trong tương lai. Ngân hàng đầu tư là vùng đệm làm cho thuận lợi hơn quá trình thảo luận giữa hai bên, vừa là trung gian để giúp 2 bên đạt được sự đồng thuận, chốt thương vụ một cách thành công và đạt giá trị cao nhất”, ông Marc Djandji nói./.