800 triệu USD cho phân phối điện hiệu quả ở Việt Nam
(VOV) - Theo Ngân hàng Thế giới (WB), trong số 800 triệu USD cho dự án này vừa được phê duyệt, riêng WB đóng góp 449 triệu USD.
Như vậy, tổng kinh phí đã được phê duyệt cho Dự án phân phối điện hiệu quả của Việt Nam lên tới 800 triệu USD.
Khoản tín dụng WB cho Việt Nam vay này thông qua Hiệp Hội Phát triển Quốc tế (IDA), đơn vị cho vay ưu đãi cho các nước IDA hỗn hợp, với lãi suất 1,25%, phí dịch vụ là 0,75% và thời hạn trả nợ 25 năm, thời gian ân hạn 5 năm.
Còn khoản vay từ Quỹ Công nghệ sạch (CTF) có phí dịch vụ 0,75%/năm, thời gian đáo hạn là 20 năm và 10 năm ân hạn.
Mục tiêu của dự án phân phối điện hiệu quả của Việt Nam bao gồm xây dựng, củng cố lưới điện phân phối, giới thiệu những công nghệ lưới điện thông minh trong phân phối và hỗ trợ kỹ thuật và phương tiện để xây dựng năng lực cho Cục Điều tiết Điện lực Việt Nam (ERAV) và 5 Công ty điện lực (NPC, CPC, SPC, HCMPC và HHNPC) để phát triển các loại mức giá hợp lý cho ngành điện và thiết kế chương trình quản lý tải điện hiệu quả… nhằm đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của Việt Nam.
Trước đó, hồi tháng 3 năm nay, WB phê duyệt 3 khoản tín dụng trị giá 522 triệu USD cho Việt Nam cho phát triển đô thị, năng lượng và lâm nghiệp của Việt Nam.
3 khoản vay được được phê duyệt bao gồm Dự án Nâng cấp Đô thị Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Khoản vay chính sách Cải cách Ngành Năng lượng II, và khoản tài chính bổ sung cho Dự án Phát triển Khu vực Lâm nghiệp. Cả 3 dự án này đều hỗ trợ Chiến lược Đối tác Quốc gia mới của Ngân hàng Thế giới (2011-2016) cho Việt Nam.
Riêng khoản vay chính sách Cải cách ngành năng lượng II nằm trong một chuỗi 3 khoản vay chính sách nhằm hỗ trợ Chính phủ thực hiện cải cách trong lĩnh vực năng lượng để tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy cạnh tranh hiệu quả trong sản xuất điện, tính minh bạch và khả năng dự báo giá điện; khuyến khích đầu tư sản xuất điện; tiến hành các chương trình và sáng kiến sử dụng điện hiệu quả.
Chương trình được xây dựng quanh 4 lĩnh vực chính sách quan trọng là: phát triển thị trường điện cạnh tranh, tái cấu trúc ngành điện, cải cách giá điện và tăng cường quản lý nhu cầu năng lượng hiệu quả./.