92% người tiêu dùng Việt Nam quan tâm đến hàng Việt
VOV.VN - Đồng thời, trên 63% người tiêu dùng khẳng định lựa chọn hàng Việt Nam để mua sắm trong quá trình sử dụng, tiêu dùng.
Điều tra của Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) vào tháng 7/2014 cho thấy, có 92% người tiêu dùng đã quan tâm và hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong khi 5 năm trước đây, con số này chỉ trên 23%.
Đây là con số cho thấy, cuộc vận động đã tác động tích cực đến toàn xã hội, giúp người tiêu dùng, cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của người tiêu dùng đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước; từ đó thay đổi thái độ, hành vi ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng hoá đạt chất lượng mang thương hiệu Việt Nam.
Nhân hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện cuộc vận động " Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" vào ngày 11-10 tới, phóng viên VOV phỏng vấn ông Lê Bá Trình, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Ông Lê Bá Trình
PV: Thưa ông, xin ông cho biết những kết quả nổi bật sau 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”?
Ông Lê Bá Trình: Sau 5 năm triển khai Cuộc vận động, nhận thức của người tiêu dùng cũng như nhận thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của người sản xuất được nâng lên nhiều. Đặc biệt, qua điều tra xã hội học của Ban Tuyên giáo Trung ương, chúng ta có 92% người tiêu dùng trong cả nước quan tâm và quan tâm cao đến cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Hành động thiết thực của 92% này là hiểu biết đến cuộc vận động và quan tâm đến cuộc vận động. Còn hành vi, cũng theo kết quả điều tra, trên 63% người tiêu dùng khẳng định lựa chọn hàng Việt Nam để mua sắm trong quá trình sử dụng, tiêu dùng. Các doanh nghiệp xem đây là 1 cơ hội để thoát ra khỏi khó khăn trong giai đoạn kinh tế khó và để vươn lên nâng cao năng lực sản suất kinh doanh dịch vụ, bảo đảm hướng phát triển của mình.
Bên cạnh đó, các cơ chế chính sách ngày càng rõ hơn, đặc biệt Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển nhưng bảo đảm được quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới mà chúng ta là 1 trong 150 nước thành viên. Đấy là những điểm thành công trong 5 năm thực hiện cuộc vận động.
PV: 92% người tiêu dùng quan tâm đến hàng Việt rõ ràng là một con số ấn tượng ? Vậy theo ông, do đâu chúng ta có được kết quả quan trọng này?
Ông Lê Bá Trình: Chủ yếu là công tác truyền thông, tuyên truyền vận động để người tiêu dùng hiểu được quyền lợi, nghĩa vụ của mình khi sử dụng hàng hóa của Việt Nam có chất lượng; làm cho nhà sản suất, doanh nghiệp hiểu được quyền lợi và trách nhiệm của mình để sản xuất ra các hàng hóa, sản phẩm dịch vụ và xem đó là sống còn của doanh nghiệp, đơn vị mình. Hai cái đó gặp nhau thì tạo ra hiệu ứng đồng bộ.
Còn nếu cứ hô hào phát huy lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, kêu gọi sử dụng hàng Việt Nam nhưng hàng Việt Nam không đảm bảo chất lượng mà bắt sử dụng là không được. Đó là điểm nhấn truyền thông, trong đó vai trò Mặt trận, các đoàn thể trong công tác tuyên truyền vận động người dân đến từng khu dân cư thông qua tuyên truyền miệng và vai trò của các cơ quan truyền thông rất lớn. Sắp tới, cuộc vận động phải phát huy vai trò truyền thông cùng với những biện pháp của Nhà nước và nâng cao năng lực của doanh nghiệp.
PV: Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những địa phương, đơn vị triển khai Cuộc vận động còn mang tính hình thức. Theo ông cần có giải pháp nào để nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”?
Ông Lê Bá Trình: Nơi nào đầu tư cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo không rõ, làm theo chiếu lệ, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị nhưng không đầu tư vào thì nơi đó làm mang tính hình thức, gây xói mòn lòng tin của người tiêu dùng và làm cho doanh nghiệp không hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình.
Do đó, sắp tới phải tuyên truyền để nâng cao nhận thức, phía nhà nước phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại, từ đó tạo ra thị trường lành mạnh để tạo điều kiện cho hàng Việt Nam có chất lượng, tạo sức cạnh tranh.
Hiện nay, trên địa bàn một số nơi làm không rõ cho nên doanh nghiệp thiếu tin tưởng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, công tác truyền thông phải tạo ra hiệu ứng của xã hội, đó là tôn vinh, biểu dương những người thực hiện tốt các nội dung, yêu cầu cuộc vận động, thứ hai là lên án những hành vi trong sản xuất, tiêu dùng hàng Việt Nam không đảm bảo, thứ ba là truyền thông kết quả phải hỗ trợ cho các giải pháp quản lý nhà nước làm trong sạch thị trường./.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!/.