An toàn lao động trong sản xuất nông nghiệp còn bỏ ngỏ
VOV.VN - Trung bình mỗi năm cả nước có 160.000 – 170.000 người bị tai nạn lao động.
Hiện nay người lao động đang phải làm việc trong môi trường nguy hiểm, độc hại, có nguy cơ mất an toàn cao. Trong đó, cháy nổ, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có xu hướng tăng về số lượng và mức độ nghiêm trọng. Trung bình mỗi năm cả nước có 160.000 – 170.000 người bị tai nạn lao động. Tình trạng cháy nổ tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vẫn để xảy ra nhiều. Tuy nhiên, công tác thanh tra kiểm tra mới chỉ tập trung ở khu đô thị, các khu công nghiệp còn trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong các làng nghề, khu vực nông thôn, miền núi còn hạn chế…
PV VOV đã có cuộc trao đổi với ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng cục An toàn lao động, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về vấn đề này.
PV: Thưa ông, đến nay 16 lần Tuần lễ Quốc gia an toàn vệ sinh lao động phòng chống cháy nổ đã được tổ chức, nhưng giường như chúng ta mới chỉ tập trung ở lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, còn lĩnh vực nông nghiệp và làng nghề vẫn còn bỏ ngỏ?
Ông Hà Tất Thắng: Những năm qua, Chính phủ cũng rất quan tâm đến vấn đề phòng chống cháy nổ. Trong chương trình Quốc gia giai đoạn 2006- 2011 và tiếp theo là gia đoạn 2011-2015 cũng đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, khu vực phi kết cấu. Hiện nay, quan điểm chỉ đạo từ Ban bí thư Trung ương Đảng trong xây dựng Luật an toàn vệ sinh lao động cũng đã và đang xây dựng theo hướng mở rộng đối tượng không có quan hệ lao động. Đây là đối tượng chiếm khoảng 60% lực lượng trong độ tuổi lao động. Hiện nay, việc mở rộng quan tâm đối tượng này là cần thiết, nhưng có những quy định về pháp luật cần có lộ trình. Ví dụ, quy định giới hạn một số trách nhiệm của họ trong sử dụng trang thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt thì họ phải được huấn luyện, được kiểm định các máy đo hay được quyền tham gia các lớp tập huấn an toàn vệ sinh lao động.
Hiện nay, chúng tôi cũng đang khuyến khích họ tự giác tham gia. Ví dụ mang bảo hộ lao đông khi thực hiện những công việc có nhiều rủi ro. Còn việc thanh tra, xử phạt đối với đối tượng này thì chúng tôi nghĩ rằng là phải có lộ trình thời gian nữa. Một là hiện nay chưa đủ lực lượng thanh tra để làm vấn đề này. Hai là hiện nay người lao động còn đang gặp rất nhiều khó khăn, cho nên họ vẫn được khuyến khích tự bảo vệ mình, và phía Nhà nước sẽ hướng dẫn.
PV: Với vai trò, trách nhiệm của mình, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội làm gì để bảo đảm an toàn lao động cho đối tượng này, thưa ông?
Ông Hà Tất Thắng: Trong thời gian gần đây, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng đã ký rất nhiều chương trình hợp tác với tổ chức quốc tế của Nhật Bản, Đan Mạch và một số nước khác. Theo đó các tổ chức này đã có những chương trình huấn luyện cho người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, huấn luyện trong khu vực làng nghề.
Hiện nay, Nhà nước đã huy động các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này, triển khai cải thiện điều kiện làm việc trong nông nghiệp; hướng dẫn họ sử dụng thuốc trừ sâu như thế nào, bảo quản ra sao, sử dụng như thế nào cho an toàn; hướng dẫn họ sử dụng các thiết bị điện làm sao cho an toàn nhưng với phương án rẻ nhất, đơn giản nhất. Các bộ, ngành, hội như Hội Nông dân, Liên minh hợp tác xã cùng các đoàn thể khác cùng tham gia chung tay để chăm lo bảo vệ người lao động trong khu vực này.
Theo đó, từng bước xóa bỏ sự phân biệt trong khu vực có quan hệ lao động hay không có quan hệ lao động. Tuy nhiên, đối với người có quan hệ lao động thì có doanh nghiệp đứng ra có trách nhiệm mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm hưu trí và các bảo hiểm khác…, còn với người nông dân, người lao động tự do thì chúng tôi cũng đang đề suất để Nhà nước có thể hỗ trợ một phần và người lao động cũng phải tham gia mua bảo hiểm tự nguyện để có những điều kiện để bảo hiểm tốt hơn.
PV: Hiện nay, Dự thảo Luật an toàn lao động đang được xây dựng, theo ông nó sẽ tác động như thế nào đến công tác đảm bảo an toàn lao động ở nước ta?
Ông Hà Tất Thắng: Dự thảo Luật cũng đã mở rộng đối tượng, cả người có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động và quy định rất rõ quyền, trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động. Đồng thời, Luật hướng dẫn về những quy định về vệ sinh an toàn lao động, các chế độ về bảo vệ người lao động và những chế tài, những quy định rất rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương theo hướng sẽ tăng cường trách nhiệm của người sử dụng lao động. Luật cũng quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước với công tác này và từng bước sẽ mở rộng công tác tuyên truyền, huấn luyện để mọi người lao động khi tham gia lao động đều biết được các biện pháp, quy trình làm việc an toàn để bảo vệ chính mình. Ngoài ra, các chế độ chính sách Nhà nước cũng sẽ điều chỉnh theo hướng bảo vệ người lao động, có lợi cho người lao động hơn.
Trong điều kiện của Việt Nam, chúng ta phải có lộ trình để thực hiện việc này, nhưng cái quan trọng nhất là chúng ta phải huy động được lực lượng xã hội hóa, huy động được các nguồn lực để chung tay để công tác vệ sinh an toàn lao động chóng đạt được những kết quả tốt và có thể ngăn ngừa được các vụ tai nạn thương tâm xảy ra, ngăn ngừa được số người chết vì tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp sẽ giảm đi. Theo tôi, bộ Luật này sẽ có tác động rất lớn đến cơ quan thực thi, cơ quan quản lý nhà nước, đến các doanh nghiệp và người lao động.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông./.