Bà Rịa – Vũng Tàu: Phát huy thế mạnh hệ thống cảng Thị Vải - Cái Mép
VOV.VN - Cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu đang phát triển nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển cảng biển và dịch vụ nâng tầm vóc trên bản đồ hàng hải quốc tế.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa qua đề ra mục tiêu từ nay đến năm 2020 phát triển thành tỉnh mạnh về cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng. Vậy, làm thế nào để khai thác các tiềm năng thế mạnh nói trên? Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú tại Thành phố Hồ Chí Minh phỏng vấn ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu về vấn đề này.
PV: Thưa ông, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề ra mục tiêu trong nhiệm kỳ từ nay đến năm 2020, phấn đấu vươn lên trở thành tỉnh mạnh về cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng. Xin ông cho biết cơ sở của việc đặt ra mục tiêu quan trọng này?
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh: Một trong 4 mũi nhọn về kinh tế của tỉnh trong nhiệm kỳ tới là phát triển cảng biển và logictics. Bà Rịa – Vũng Tàu đang sở hữu một tài sản lớn của quốc gia là sông Cái Mép – Thị Vải.
Chính vị thế của Bà Rịa – Vũng Tàu là vị trí án ngữ ngay Biển Đông. Từ Vũng Tàu ra tuyến hàng hải quốc tế chỉ mất có 20 hải lý. Đây là cửa ngõ quan trọng để từ Vũng Tàu đi ra các nước trên thế giới và là cửa ngõ xuất nhập khẩu hàng hóa cho cả nước, cho khu vực. Do vậy, chúng tôi xác định một trong những mũi nhọn kinh tế của Bà Rịa – Vũng Tàu trong 5 năm tới là phát triển cảng biển và dịch vụ logictics là một hướng đi hoàn toàn đúng đắn và đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế của các tỉnh phía Nam trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu |
PV: Để trở thành tỉnh công nghiệp của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đảm nhiệm các dịch vụ về cảng biển, logictics không chỉ của khu vực, của cả nước mà còn tham gia vào chuỗi dịch vụ vận tải quốc tế, trong thời gian tới, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề ra nhiệm vụ và giải pháp thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh: Tiềm năng thì lớn, nhưng để trở thành một trong những cảng trung chuyển quốc tế hiện đại và đáp ứng yêu cầu phát triển thì Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn còn phải nỗ lực nhiều nữa. Ví dụ như, tuyến luồng phải nâng cấp để đảm bảo có độ sâu từ 14 đến 16 m âm, để có thể đón tàu lớn, tàu mẹ. Thứ hai là dịch vụ hậu cần cảng - logictics, kho bãi phải đầu tư trở thành một hoạt động dịch vụ có chất lượng, đáp ứng yêu cầu xuất nhập khẩu của cảng Thị Vải – Cái Mép trong thời gian tới. Thứ ba là cải cách hành chính, thủ tục hải quan, giá thành làm sao thật sự phải cạnh tranh được với các cảng của Singapore, với các cảng trong khu vực, để có thể đáp ứng được yêu cầu của các loại khách hàng đến với cảng Cái Mép – Thị Vải. Thứ tư là phải tăng cường đầu tư phát triển kết nối các hạ tầng các khu công nghiệp bằng đường bộ.
Nối các cảng biển với các tỉnh Tây Nam bộ, với Campuchia, với Thái Lan bằng đường thủy nội địa thì cũng phải nâng cấp hiện đại hơn và chất lượng hơn, đáp ứng yêu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa lớn cho các tỉnh phía Nam.
Tàu trọng tải lớn nước ngoài cập Cảng Thị Vải - Cái Mép tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu |
PV: Mới đây, cảng biển Cái Mép – Thị Vải của tỉnh đã đón được tàu 160.000 tấn đi thẳng các nước châu Âu, châu Mỹ và chính thức tham gia chuỗi cảng trung chuyển quốc tế. Tuy nhiên, để đảm nhiệm vai trò mắt xích trong chuỗi vận tải toàn cầu, theo ông, cần phải hoàn thiện và nâng cao chất lượng các dịch vụ hậu cần cảng như thế nào?
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh: Mục tiêu trở thành nột cảng trung chuyển quốc tế là rõ ràng. Cảng Thị Vải – Cái Mép phải cạnh tranh được với cảng của Singapore, cảng của Hồng Kông là các cảng trung chuyển quốc tế hiện nay. Vậy vấn đề là phải khai thác cảng này như thế nào để mang lại lợi ích cho quốc gia, mang lại những lợi thế cho khu vực, khai thác hàng đến và hàng đi một cách hiệu quả.
Ngoài ra, đầu tư tại đây cho được một trung tâm logictics tầm cỡ nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho việc làm dịch vụ hàng hóa cho khách hàng thuận tiện và tốt nhất. Vấn đề là làm sao chúng ta phát triển được đội ngũ nguồn nhân lực để đáp ứng được yêu cầu phát triển cảng biển và logictics cho địa phương để phát triển mạnh mẽ tầm vóc của cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu trên bản đồ hàng hải quốc tế. Như vậy sẽ được đáp ứng yêu cầu không phải chỉ của Bà Rịa – Vũng Tàu mà yêu cầu của quốc gia và khu vực.
PV: Xin cảm ơn ông!