Bà Rịa - Vũng Tàu vượt khó để đón làn sóng đầu tư mới
VOV.VN - Bằng sự năng động, nhạy bén chuyển đổi linh hoạt, tận dụng tối đa tính năng hữu ích của mạng xã hội để giới thiệu dự án, những chính sách ưu đãi đầu tư, nhiều hợp đồng ghi nhớ, cam kết, thỏa ước và đặt cọc giữ đất giữa các KCN ở Bà Rịa – Vũng Tàu với các nhà đầu tư thứ cấp đã được thực hiện.
Nỗ lực vượt khó
Khu công nghiệp (KCN) Đất Đỏ 1, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chính thức hoạt động từ cuối 2009 với quy mô 500 ha, đến thời điểm cuối năm 2019 KCN này thu hút gần 20 nhà đầu tư thứ cấp, với 80% diện tích đất cho thuê.
Ông Nguyễn Khắc Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Khu công nghiệp Tín Nghĩa - Phương Đông, chủ đầu tư KCN Đất Đỏ 1 cho hay, từ cuối năm 2019, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhiều nhà đầu tư nước ngoài không thể đến Việt Nam để tìm cơ hội đầu tư. Để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, KCN Đất Đỏ 1 đã thay đổi cách tiếp cận khách hàng, sử dụng Zalo, Skype… để quảng bá hình ảnh, quy mô hạ tầng KCN. Sau khi tìm được nhà đầu tư, qua thư điện tử (email), việc trao đổi thông tin giữa nhà đầu tư thứ cấp và KCN được diễn ra thường xuyên và qua cuộc gọi video (Video call), khách hàng nước ngoài được tư vấn trước khi quyết định đầu tư.
Ông Thanh cho biết thêm, thông qua các hiệp hội doanh nghiệp các nước ở Việt Nam, nhiều nhà đầu tư mới đã gửi email tìm hiểu. Được tư vấn nhiệt tình, giới thiệu cặn kẽ về hạ tầng KCN, nhiều khách hàng đã tin tưởng ký giao ước, đặt cọc giữ đất… Đến nay, KCN Đất Đỏ 1 đã ký biên bản ghi nhớ, đặt cọc giữ đất với 11 doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước, trong đó có doanh nghiệp đến từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc...
“Hiện nay, chúng tôi ký khá nhiều các biên bản thỏa thuận đầu tư, đa số là nhà đầu tư nước ngoài. Người ta vẫn đang để ngỏ khả năng sẽ quay lại, chưa quyết định bởi vì sau khi ký biên bản thỏa thuận thì tình hình dịch bệnh bùng phát lại. Hiện các nhà đầu tư đang cân nhắc lại thời gian và kế hoạch đầu tư”, ông Thanh cho hay.
Cũng lâm vào tình cảnh tương tự, hơn 1 năm sau khi dịch bệnh xảy ra, Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 không có nhà đầu tư nước ngoài nào đến tìm hiểu. Bằng nhiều hình thức tiếp cận khác như hội thảo online, quảng bá trên các trang web của tổ chức thương mại như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đến thời điểm này khu công nghiệp Phú Mỹ 3 đã được 10 khách hàng từ Nhật Bản, Hàn Quốc ký thỏa thuận, giao ước giữ chỗ trong thời hạn 1 năm.
Ông Kazama Toshio, Phó Tổng Giám đốc Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 chia sẻ, ngoài hình thức ký thỏa thuận giao ước, nhiều nhà đầu tư từ Hàn Quốc còn ủy thác cho đối tác ở Việt Nam đến tìm hiểu, nghiên cứu, lập dự án và chuẩn bị đầu tư. Riêng các doanh nghiệp đã đầu tư vào khu công nghiệp, tuy không thể trực tiếp đến Việt Nam nhưng họ vẫn làm việc từ xa, triển khai xây dựng các hạng mục của dự án, đây là tín hiệu đáng mừng cho Phú Mỹ 3.
“Có một tín hiệu khá tích cực từ các nhà đầu tư đã quyết định đầu tư, đang trong giai đoạn xây dựng và chuẩn bị đưa dự án vào vận hành, do họ có những nhà tổng thầu, đơn vị cung cấp dịch vụ ở Việt Nam nên triển khai đẩy nhanh tiến độ. Ngoài ra, những dự án đã hoạt động rồi thì lượng hàng hóa sản xuất ra liên tục tăng”, ông Kazama Toshio cho biết.
Sẽ đón làn sóng đầu tư mới
Theo dự báo các chuyên gia kinh tế, sau khi dịch bệnh qua đi, làn sóng đầu tư của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Bà Rịa - Vũng Tàu trong những năm tới sẽ tiếp tục tăng. Hiện nhiều KCN đã lấp đầy hoặc gần đây xin phép mở rộng, tăng thêm diện tích để đáp ứng nhu cầu thuê đất làm nhà xưởng sản xuất của các doanh nghiệp FDI.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho hay, sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, huyện đang chuẩn bị quỹ đất sạch, vận động người dân thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư thứ cấp đến tìm hiểu, tìm kiếm cơ hội đầu tư.
“Về quản lý địa phương chúng tôi sẽ tiến hành đào tạo nghề để chuyển dịch lao động, giải quyết việc làm để cung cấp nguồn lao động cho các KCN, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư yên tâm sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ tối đa công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để nhà đầu tư hạ tầng thu hút, lựa chọn các dự án đầu tư theo định hướng của tỉnh BRVT”, ông Lê Thanh Liêm khẳng định.
Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, thời gian qua, tỉnh đã tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch các KCN theo hướng thu hút đầu tư có chọn lọc gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng có hiệu quả quỹ đất và hình thành các cụm công nghiệp liên kết với nhau, tạo nguồn hàng cho hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải, thực hiện điều chỉnh ngành, nghề nhằm thu hút đầu tư vào các KCN.
Ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh BRVT cho biết, đến thời điểm này, tại các KCN trên địa bàn đã có gần 50 nhà đầu tư tiềm năng đang theo dõi, ký ghi nhớ và giữ đất với diện tích hơn 1.000ha. Để đón làn sóng dịch chuyển đầu tư FDI đến Việt Nam, từ nay tới năm 2030, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ mở rộng thêm 8 KCN, bổ sung quỹ đất hơn 8.000 ha để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư: “Số lượng nhà đầu tư tiềm năng đã giữ đất khoảng 630 ha. KCN Đất Đỏ 1 đã có 11 nhà đầu tư ký ghi nhớ, Đại Dương có 1 nhà đầu tư Hàn Quốc; Phú Mỹ có 1 nhà đầu tư, Cái Mép có 2 nhà đầu tư. Như vậy thì sau dịch bệnh, tổng số các nhà đầu tư sẽ lấp đầy khoảng 1.000 ha”.
Với phương châm "Tất cả vì sự hài lòng của nhà đầu tư", tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đặc biệt chú trọng công tác cải cách hành chính theo hướng giải quyết thủ tục nhanh chóng, nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định pháp luật nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư hoạt động, an tâm sản xuất./.