Bạc Liêu quyết tâm cùng cả nước gỡ “thẻ vàng”
VOV.VN - Kinh tế biển được xác định là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bạc Liêu. Để góp phần gỡ “thẻ vàng” IUU, thời gian qua, Bạc Liêu đã nỗ lực triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát triển nghề biển một cách an toàn, bền vững và ổn định sinh kế cho ngư dân.
Tỉnh Bạc Liêu có gần 900 tàu cá, với tổng công suất hơn 150.000 mã lực, tổng số lao động gần 6.000 người; trong đó, tàu có chiều dài từ 15 mét trở lên là 446 chiếc, chiếm hơn 50% tổng số tàu cá trong tỉnh.
Xác định đánh bắt hải sản là một trong những lĩnh vực quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh nên trong thời gian qua, Bạc Liêu đã chung tay cùng cả nước thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ để chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, quyết tâm sớm gỡ “thẻ vàng” IUU. Tỉnh liên tục tổ chức các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra và truyền thông, quy định pháp luật về khai thác thủy sản, chống khai thác trái phép trên biển.
“Bạc Liêu đã làm một cách quyết liệt, đã thành lập Ban chỉ đạo tuyên truyền vận động ngư dân ra khơi bám biển nhưng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế, nghiêm cấm tuyệt đối bà con ngư dân đi đánh bắt ở vùng biển các nước khác, nên thời gian qua, Bạc Liêu không có tàu nào vi phạm về đánh bắt ở vùng biển nước ngoài. Nhưng không vì thế mà chúng tôi chủ quan, Bạc Liêu đã quyết liệt giao cho các địa phương làm việc với các chủ tàu cá có đánh bắt xa bờ là phải nghiêm túc thực hiện cái này. Nếu chúng ta có vi phạm thì việc tháo gỡ thẻ vàng là rất khó khăn”, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết.
Bạc Liêu đã ban hành nhiều văn bản và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Các đơn vị chức năng thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu đã phối hợp chặt chẽ với các Đồn biên phòng, UBND các xã tiếp giáp biển tổ chức tuyên truyền về Luật Thủy sản cùng các văn bản thi hành luật và những quy định khác về khai thác thủy sản trên biển bằng nhiều hình thức như: phát tờ rơi, đối thoại trực tiếp với ngư dân, hướng dẫn ghi chép nhật ký khai thác...
Tại Cảng cá Gành Hào (huyện Đông Hải), nơi tập trung nhiều tàu cá của tỉnh, đã thành lập Văn phòng IUU, có nhiệm vụ kiểm tra, ghi nhận lịch trình đối với tàu trên 15m cập cảng và rời cảng, đảm bảo tính công bằng, khách quan giữa tàu trong tỉnh và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, lực lượng Thanh tra chuyên ngành Thủy sản cũng đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát đường thủy, địa phương tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển.
Đại úy Nguyễn Duy Thanh, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Gành Hào cho biết, đơn vị kiên quyết không cho ra khơi nếu các chủ tàu cá không thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về khai thác hải sản.
“Đơn vị đã phối hợp với các ngành, các lực lượng chức năng, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, tuyên truyền công tác chống khai thác IUU, sân khấu hóa các nội dung, đa dạng hóa các hình thức thức tuyên truyền. Nhờ đó thời gian qua bà con ngư dân nâng cao nhận thức và ý thức ngày càng được nâng lên”, Đại úy Nguyễn Duy Thanh cho biết thêm.
Ngư dân Lê Văn Thi ở ấp 4, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải cho biết, trước đây cũng có tình trạng một số tàu cá khai thác ở khu vực chồng lấn với nước ngoài. Nhưng mấy năm nay, được ngành chức năng tỉnh, Vùng Cảnh sát Biển 4 tuyên truyền về phòng, chống IUU nên bà con không còn đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài. Bà con ngư dân nơi đây luôn tuân thủ các quy định của Nhà nước về chống khai thác IUU, khi ra khơi đánh bắt luôn trang bị đầy đủ sổ đánh bắt, khai thác hải sản, máy định vị, máy tầm ngư…
“Trước khi ra biển mình phải tuân thủ, giấy tờ đăng kiểm mình cũng phải đầy đủ, không vi phạm, không thiếu một món nào hết. Ra ngoài kia mình cũng tuân thủ theo đúng Nhà nước quy định, có nghĩa là làn kéo của mình ngay chỗ nào, mình phải kéo ngay chỗ đó, mình không được xâm phạm sang làn kéo của nước khác”, ngư dân Lê Văn Thi chia sẻ.
Nhờ các giải pháp đồng bộ, đa dạng trong thời gian qua nên tình hình tàu cá ở tỉnh Bạc Liêu vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tính từ năm 2021 đến nay, Bạc Liêu không có trường hợp nào vi phạm khai thác IUU.
Tuy vậy, theo đánh giá của ngành chức năng trong tỉnh, dù tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài được ngăn chặn, song vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Đáng chú ý là nhóm tàu cá khai thác xa bờ, vùng giáp ranh các nước, còn xảy ra việc mất kết nối tín hiệu giám sát hành trình tàu cá trên biển.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác IUU, thời gian tới, Bạc Liêu sẽ triển khai thực hiện một cách bài bản, quyết liệt hơn bởi việc tháo gỡ “thẻ vàng” cảnh báo của Ủy ban châu Âu không chỉ góp phần tháo gỡ “điểm nghẽn” nhiều năm qua cho các mặt hàng thủy hải sản của cả nước, mà còn được xem là đợt lập lại trật tự trong công tác quản lý khai thác biển. Đây cũng là hướng đi quan trọng để Bạc Liêu thực hiện mục tiêu phát triển nghề khai thác thủy sản một cách an toàn, bền vững.