Bài toán vốn cho ‘cây tỷ đô’ tại Việt Nam
Ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch LienVietPostBank cho rằng nút thắt về vốn đã khiến quá trình phát triển cây mắc ca tại Việt Nam chậm đi so với quốc gia khác.
Theo tính toán của Vụ nông nghiệp - nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương), nhu cầu mắc ca thế giới hiện gấp 4 lần tổng sản lượng, mỗi hécta trồng có thể cho 3 tấn hạt, với giá 3,5 USD một kg thì người trồng có thể thu được 200 triệu đồng một hécta. Trên thị trường, giá mắc ca đã qua chế biến lên tới 300.000 - 400.000 đồng một kg.Chiến lược phát triển 10 năm của cây mắc ca cũng nhận định Việt Nam có thể đạt kim ngạch tỷ đôla Mỹ từ loại cây này.
Do đó, chỉ sau 15 năm, tổng diện tích mắc ca trên cả nước đã đạt 1.600 hécta, đứng thứ 11 trên thế giới, trong đó các thử nghiệm đầu tiên ở vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên đang cho kết quả tốt, nhiều nông dân đã trồng thuần hoặc xen mắc ca với cây cà phê thành công.
Cây mắc ca đang đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho người dân Tây Nguyên. |
Ông Điểu Tới (Quảng Trực, Đắk Nông) cho hay nhiều năm trước gia đình chỉ trồng lúa, khoai mì nhưng khi thấy giá trị của cây mắc ca, ông đã vay vốn 20 triệu đồng trồng hơn 400 cây trên mảnh đất gần một hécta. “Sau khi huyện về tập huấn cho bà con, thấy cây này phù hợp với đất đai của vùng lại dễ chăm sóc hơn cà phê nên tôi đã vay vốn để mua giống, hứa hẹn mang lại kết quả cao”, ông Điểu Tới cho biết.
Gia đình ông Nguyễn Đức Ba ở thị trấn Thành Mỹ, Lâm Đồng cũng có một vườn mắc ca gần 80 sào, mỗi năm thu hoạch 4 tấn hạt, bán với giá 250.000 đồng một kg. “Lượng mắc ca thu hoạch không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước. Từ ngày trồng mắc ca cuộc sống giá đình sung túc lên hẳn. Cây mắc ca đã đổi đời cho gia đình”, ông Ba nói.
Chia sẻ tại Hội thảo Chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên tổ chức ngày 7/2, ông Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Kinh tế trung ương nhận định cây mắc ca sẽ mang lại đột phá lớn cho nền kinh tế. "Dư địa thị trường mắc ca thế giới còn vô cùng lớn, bởi lịch sử thị trường mắc ca mới chỉ hình thành khoảng 20 năm gần đây. Nếu Việt Nam gia nhập thị trường mắc ca thế giới sẽ không vấp phải cạnh tranh lớn do hiện chưa có nhiều quốc gia thật sự là cường quốc sừng sỏ trong ngành", Ban Kinh tế trung ương cho hay.
Tuy vậy, các chuyên gia cũng cho rằng diện tích trồng mắc ca ở Tây Nguyên vẫn chưa xứng với tiềm năng do những trở ngại về quy hoạch và vốn. “Chúng ta vẫn còn thiếu một tay chơi dẫn dắt thị trường để mắc ca thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, bên cạnh các loại cây công nghiệp khác”, ông Huỳnh Ngọc Huy - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Liên Việt nhận xét.
Ông Đoàn Lê Anh - Trưởng phòng dân tộc huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông phản ánh nông dân đang rất cần những tổ hợp để cung cấp giống, hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, xây dựng nhà máy chế biến, thu mua nhằm nhân rộng diện tích mắc ca trên toàn huyện. Đặc biệt, vốn hỗ trợ là điều nông dân rất khao khát.
Theo tính toán của các chuyên gia, vốn ban đầu cho mắc ca khá tốn kém, chu kỳ dài. Đầu tư lũy kế cho một hécta trong 6 năm hết khoảng gần 3.500 USD nên phải có sự ưu đãi vay dài hạn. Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên dự báo để phát triển mắc ca cần khoảng 1.000 tỷ đồng để phát triển rừng giống, vườn ươm và nhà máy phục vụ tập trung sản phẩm đầu vào và chế biến xuất khẩu.
"Nhu cầu vốn tín dụng cho toàn bộ chuỗi mắc ca trong giai đoạn chưa thu hoạch và một vài năm đầu khoảng 5.000 tỷ đồng, do đó, tín dụng ngân hàng sẽ đóng vai trò quan trọng trong cung cấp nguồn lực tài chính cho phát triển mắc ca khu vực Tây Nguyên, bên cạnh nguồn ngân sách trung ương, địa phương cũng như thu hút đầu tư nước ngoài", chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết thêm.
Song, trên thực tế ông Trần Đình Mạnh - Bí thư huyện ủy Tuy Đức cho biết hiện nay mới có rất ít ngân hàng tham gia cho người nông dân vay vốn trồng mắc ca và lượng vốn mới chỉ cho vay theo mùa vụ, điều này sẽ là không ổn vì vòng đời của cây mắc ca dài. Bởi vậy, người dân rất mong chờ có thêm các ngân hàng tham gia vào cuộc chơi để biến Việt Nam thành thủ phủ của Đông Nam Á trồng về mắc ca.
“Đầu ra của thị trường hiện nay rất lớn, một số nước như Nhật Bản muốn đặt hàng song chúng ta cũng không cung cấp đủ. Tuy nhiên, cái mà nông dân thiếu vẫn là chính sách hỗ trợ tín dụng. Nếu cá ngân hàng triển khai được sớm thì nông dân được nhờ vì nông nghiệp tính theo năm, mùa vụ, nếu có tiền mà ko đúng mùa thì cũng không trồng được”, ông Đoàn Lê Anh kiến nghị.
Trước vấn đề này, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Him Lam đề xuất để cây mắc ca mang lại thu nhập tỷ đô cho Việt Nam, chỉ có công nghệ mới là chìa khóa. Hiện nay, Trung Quốc đã có khoảng 20 chuyên gia về mắc ca, trong khi Australia, Nam Phi, Mỹ… đã có hàng trăm chuyên gia về cây và sản phẩm mắc ca. “Việt Nam phải trong thời gian nhanh nhất hình thành đội ngũ chuyên gia mắc ca hoặc thuê các chuyên gia nước ngoài để phát triển cây mắc ca”, ông nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần xây dựng chính sách cụ thể để kích thích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn trong nông nghiệp, nông thôn như chính sách ưu đãi thuế, vốn. Đồng thời, tăng cường thu hút đầu tư trong nước, khuyến khích các mô hình liên doanh nước ngoài bởi đây là yếu tố sẽ mạng đến công nghệ mới, phương thức canh tác mới.
Về vốn, bên cạnh khoản hỗ trợ của Nhà nước, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và Him Lam đã đưa ra lời giải khi lên kế hoạch dành 20.000 tỷ đồng để phát triển cây mắc ca tại 5 tỉnh Tây Nguyên, bắt đầu triển khai cụ thể từ 2015. Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị LienVietPostBank khẳng định sẽ cho người nông dân vay tín chấp với vườn mắc ca thời hạn từ 7 - 10 năm, lãi suất dưới 10%.
“Với điều kiện của Tây Nguyên thì suất đầu tư cho cây mắc ca cũng rẻ hơn. Trong 5 năm tới, LienVietPostBank sẽ mua bảo hiểm cho người nông dân vay vốn của ngân hàng, theo hướng nếu có rủi ro thì người nông dân cũng không bị mất đất”, ông Hưởng nhấn mạnh.