Bao giờ người Việt Nam được dùng điện “sạch”?
VOV.VN -Giá thành sản xuất cao lại chưa có cơ chế để khuyến khích phát triển nên phải một thời gian dài nữa, người Việt mới được dùng điện “sạch”.
Mới đây tại một hội thảo bàn về năng lượng tái tạo, thúc đẩy tăng trưởng xanh do trung tâm sáng kiến cộng đồng và môi trường ( C&E)- thành viên của Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam( VSEA) tổ chức, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó viện trưởng viện Năng lượng Việt Nam nói về thách thức của Việt Nam trong vấn đề năng lượng tái tạo.
Hội thảo hội thảo bàn về năng lượng tái tạo, thúc đẩy tăng trưởng xanh. |
Một trong những vấn đề lớn hiện nay là các chính sách ưu tiên doanh nghiệp khi tham gia phát triển năng lượng tái tạo. Ông Tuấn đặt ra câu hỏi tăng công suất dự phòng hệ thống( tăng giá điện bình quân): Ai trả cho chi phí tăng thêm này- Khách hàng hay ngân sách nhà nước?
Theo phân tích của ông Tuấn, nguồn điện từ năng lượng tái tạo có nhiều ưu việt, đặc biết là thân thiện với môi trường, phù hợp với phát triển bền vững, nhưng những hạn chế về giá thành cao, có đặc tính thiếu ổn định, phụ thuộc vào thời tiết, mùa vụ vẫn còn là 1 thách thức lớn với Việt Nam. Việc dùng điện sạch với người Việt có lẽ vẫn còn là 1 điều xa xỉ.
Nếu muốn phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam cần có những cơ chế thích hợp, đủ mạnh ( biểu giá, thuế...) để thực sự khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.
Điện “sạch” ở Việt Nam còn là “của hiếm”
Theo 1 báo cáo đưa ra trong hội nghị của tổ chức Green ID về công suất và điện lượng theo nguồn đến năm 2030, theo quy hoạch điện 7 thì nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ lệ cao với 55,7% tổng công suất, trong khi đó điện từ thủy điện khiêm tốn với con số 16,4 %, điện hạt nhân chiếm 7,8% tổng công suất ngành điện, đặc biệt điện từ năng lượng tái tạo chỉ chiếm 3,6%.
Từ các số liệu trên có thể thấy tỷ trọng điện từ năng lượng tái tạo còn thấp, chủ yếu là nhiệt điện than. Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới đều nhận ra những ảnh hưởng xấu của nhiệt điện than tới môi trường, có thể gây ra các căn bệnh nguy hại như ung thư, đột quỵ, tim mạch, và các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Việt Nam hiện đang nỗ lực trong vấn đề tăng trưởng xanh, chuyển sang sản xuất điện từ những nguồn năng lượng sạch song vẫn còn không ít những rào cản khó vượt qua.
Nguyên nhân do đâu?
Trả lời câu hỏi đâu là vướng mắc khiến việc nâng cao tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu ngành điện hiện nay trở nên khó khăn đến vậy?
Ông Nguyễn Đức Chung- Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết hiện nay Việt Nam còn gặp nhiều thách thức như phải duy trì tăng trưởng GDP ở mức cao, GDP tăng khoảng 7%/ năm. Hiện nay Việt Nam còn thiếu những chính sách thu hút đầu tư đủ hấp dẫn, đầu tư ngoài nhà nước còn khiêm tốn, quán tính trong quyết định chính sách, khởi nghiệp trong ngành năng lượng rất hạn chế. Không có công nghệ cốt lõi trong ngành năng lượng và các ngành khác. Quan trọng hơn đầu tư cho tăng trưởng xanh đòi hỏi nguồn tài chính hớn hơn 30 tỷ USD, chính sách hướng đến tư nhân 70%, nhà nước 30%.
Tuy nhiên nhiều người lo ngại mục tiêu tư nhân chiếm 70% trong đầu tư năng lượng tái tạo là không khả quan, do hầu hết các đơn vị tư nhân không mấy hứng thú với vấn đề này.
Trong báo cáo của tổ chức GreenID – tổ chức phi lợi nhuận trực thuộc Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, đưa ra trong hội thảo thì vấn đề giá thành điện từ năng lượng tái tạo đang là cản trở lớn cho sự phát triển của năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Theo báo cáo này, bên mua điện gió có trách nhiệm mua toàn bộ điện gió sản xuất ra ở mức 7,8 UScentss/1KWh. Chủ đầu tư được ưu đãi về vay vốn, giảm hoặc miễn một số kinh phí hoặc thuế. Tuy nhiên theo 1 số chuyên gia, với mức ưu đãi như hiện nay, nhà đầu tư vẫn lỗ nặng. Với cơ chế như vậy điện gió không phát triển được .
Đối với điện sinh khối, quyết định 24/2014/QĐ-TTg quy định về điện sinh khối được mua với giá 5,8 UScentss/1KWh. Chủ đầu tư cũng đã được ưu đãi về vốn, miễn giảm thuế tương tựu như điện gió. Hiện nay mới chỉ có 41 nhà máy đường tại Việt Nam đã sử dụng bã mía để tự phục vụ sản xuất với ông suất khoảng 150 MW. Theo các nhà đầu tư, điện sinh khối từ bã mía, mức giá điện cần đạt thấp nhất 8 UScentss/1KWh để có lãi do chi phí đầu tư một nhà máy điện bã mía cần đến 750.000- 1 triệu USD.
Không chỉ vướng mắc trong vấn đề kinh phí sản xuất cao dẫn đến giá thành điện từ nguồn năng lượng tái tạo chưa mang tính cạnh tranh mà sự thiếu và yếu trong kỹ thuật cũng là một rào cản không hề nhỏ với điện lực Việt Nam hiện nay. Cụ thể với trường hợp của các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 hiện nay của Việt Nam hoàn toàn sử dụng các thiết bị máy móc của Nga và Nhật.
Cũng trong báo cáo này thì hiện nay đối với điện mặt trời nhà nước vẫn chưa có bất cứ cơ chế nào khuyến khích phát triển./.