Bảo quản hoa quả tươi tới 9 tháng bằng hóa chất là bất khả thi
VOV.VN - Theo TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, không có loại hóa chất nào có thể làm được điều đó.
Như VOV đã đưa tin, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Xuân Hồng cho rằng “chất bảo quản có thể giữ hoa quả tươi đến 9 tháng”, đã khiến cho người tiêu dùng lo ngại. Phóng viên VOV phỏng vấn TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội về ý kiến này.
PV: Thưa ông, nhà quản lý của ngành nông nghiệp cho rằng hoa quả nhập khẩu có chất bảo quản giữ tươi từ 6 đến 9 tháng vẫn ở mức an toàn. Ý kiến của như thế nào về việc này?
TS Nguyễn Duy Thịnh: Nói hoa quả có thể bảo quản được từ 6 đến 9 tháng bằng hóa chất, theo tôi, là bất khả thi. Không có loại hóa chất nào có thể làm được điều đó. Người ta chỉ có thể kéo dài được đến một chừng mực nhất định thôi. Ví dụ phương pháp phun hóa chất trên màng kết hợp với bảo quản lạnh thì có thể bảo quản được hơn 1 tháng.
TS Thịnh cho rằng, không có hóa chất bảo quản được hoa quả tươi tới 9 tháng (Ảnh minh họa: KT)
Còn muốn bảo quản được từ 6 đến 9 tháng, người ta phải dùng phương pháp đặc biệt. Đó là bảo quản bằng phương pháp lạnh sâu hoặc phương pháp dùng dòng điện tần số để phân tán nước và bảo quản lạnh đến -60 độ C. Cụ thể vừa rồi Nhật Bản và Việt Nam làm bảo quản vải mới thử nghiệm được gần 20 tấn bằng phương pháp lạnh sâu thì có thể bảo quản được thời gian rất dài. Hiện nay, hoa quả bán trên thị trường không thể đáp ứng được điều kiện bảo quản đó.
PV: Tuy nhiên, thực tế nhiều người dân lo ngại đã mua những quả táo nhập khẩu để hơn 5 tháng vẫn không hỏng. Vậy, sử dụng hoa quả này có gây hại như thế nào đến sức khỏe, thưa ông?
TS Nguyễn Duy Thịnh: Hướng thứ nhất, hoa quả có thể bảo quản được lâu như vậy bằng phương pháp lạnh sâu như tôi nói lúc trước thì không có khả năng. Hướng thứ hai tôi nghi ngờ hoa quả đó có dùng phương pháp chiếu xạ. Phương pháp chiếu xạ cho hiệu quả cực kỳ cao nên có thể bảo quản thời gian rất dài. Trong trường hợp này, nhiều khả năng họ dùng cách bảo quản bằng chiếu xạ cường độ cao.
Tuy nhiên, khi chiếu xạ cường độ cao thì sẽ có nguy cơ từ chiếu xạ thành nhiễm xạ. Mà đã bị nhiễm xạ thì ăn vào rất nguy hiểm. Bởi vì, muốn có thể bảo quản được tốt phải đạt được 3 điều kiện. Đó là tiêu diệt sự sống trong quả (quả ngừng phát triển), tiêu diệt vi sinh vật và tiêu diệt côn trùng muốn xâm nhập. Mà tất cả các loại hóa chất đều không thể làm được cả 3 điều đó. Chiếu xạ cường độ thấp thì không có vấn đề gì.
Việt Nam chưa quen dùng sản phẩm chiếu xạ nhưng ở các nước, đặc biệt là Mỹ họ dùng rất nhiều. Quả thanh long của Việt Nam muốn xuất sang Mỹ cũng phải bảo quản bằng chiếu xạ mới được chấp nhận. Nhưng đấy là chiếu xạ cường độ thấp còn với cường độ cao thì rất nguy hiểm. Ngoài ra, lâu nay người ta cứ nghi ngờ dùng hóa chất bảo vệ thực vật để bảo quản gây nhiễm độc nhưng không phải. Hóa chất bảo vệ thực vật chỉ dùng để bảo vệ thực vật chứ không thể dùng để bảo quản.
PV: Theo ông, năng lực phòng thí nghiệm hiện nay của Việt Nam có thể phát hiện được bao nhiêu chất bảo quản?
TS Nguyễn Duy Thịnh: Chúng ta không đủ kinh phí để xây dựng phòng thí nghiệm đáp ứng được hết yêu cầu. Một phòng thí nghiệm để phân tích là cực kỳ tốn kém. Cả Việt Nam hiện nay chỉ có Viện Kiểm nghiệm của Bộ Y tế chi phí đã rất tốn kém rồi. Ví dụ như phân tích chất có trên một quả táo khi không biết chất thì phải kiểm tra cả nghìn hướng. Mỗi một hướng phân tích mất khoảng chục triệu, thì làm cả nghìn mẫu như thế thì phải mất bao nhiêu tiền. Thiết bị phân tích thì cực kỳ đắt.
Những loại hóa chất độc hại, người ta xét hàm lượng đến phần triệu, phần tỷ. Thiết bị có thể phân tích đến lượng hàng triệu, hàng tỷ rất đắt, hàng tỷ đồng, phải có chuyên gia giỏi, trình độ cao để vận hành. Đấy là một máy. Thực tế có hàng nghìn chất khác nhau thì không thể làm được.
Tại Việt Nam hiện nay chỉ có một số phòng thí nghiệm phân tích được mang tính chất chuyên môn như phân tích chất có trong thủy sản, chất có trong sữa… Chứ không thể có phòng thí nghiệm nào trên thế giới có khả năng phân tích tổng hợp tất cả mọi thứ. Không có bất cứ nước nào đi trang bị phòng thí nghiệm phân tích được đầy đủ các chất cả.
PV: Vâng, cảm ơn ông!