Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Giám sát hành vi trục lợi từ dịch bệnh
VOV.VN - Sở Công Thương và các đơn vị có liên quan tăng cường giám sát, xử lý các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, thực hiện Quyết định số 1035/QĐ-TTg ngày 10/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ và công văn số 6429/VPCP-KTTH ngày 22/7/2019 của Văn phòng Chính phủ, trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên cả nước đã xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2020.
Trên thực tế, các hoạt động đã được bắt đầu tổ chức từ tháng 11/2019 và dự kiến kéo dài đến hết tháng 5/2020. Trong đó, các hoạt động trọng tâm dự kiến sẽ đồng loạt được tổ chức vào tháng 3/2020 trên phạm vi cả nước với hình thức như Lễ phát động, mít tinh, tuần hành, hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo, treo băng rôn, khẩu hiệu, phát tờ rơi, các chương trình trên các phương tiện truyền thông...
Ngày Quyền của người tiêu dùng vẫn thường xuyên được tổ chức từ nhiều năm qua. |
Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm an toàn tuyệt đối cho sức khỏe người dân, liên quan đến việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2020, Bộ Công Thương đã ban hành công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát và điều chỉnh việc thực hiện các kế hoạch hưởng ứng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, điều chỉnh, lùi thời gian tổ chức các sự kiện có thể dẫn đến tập trung đông người; ưu tiên thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến trực tuyến trên các trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội; treo băng rôn, khẩu hiệu.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Công Thương và các đơn vị có liên quan tăng cường giám sát, xử lý hoặc phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, trong đó tập trung vào các hành vi vi phạm như quảng cáo gian dối, cung cấp thông tin sai lệch, gây nhầm lẫn; lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người tiêu dùng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để trục lợi, ép buộc giao dịch; cung cấp hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm về số lượng, chất lượng, giá cả...
Trước diễn biến phức tạp và nguy hiểm của dịch Covid-19, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng đã có công văn hướng dẫn tổ chức hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng năm 2020. Trong đó, để hạn chể tập trung đông người, tạm dừng các hoạt động như hội nghị, hội thảo, sự kiện, mít tinh, tuần hành, diễu hành, hội chợ để tập trung (ưu tiên cao nhất) phòng, chống dịch, cho đấn khi cơ quan có thấm quyền cho phép.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, Hội thực hiện khuyến cáo của Bộ Y tế trong việc đeo khẩu trang, rửa tay bằng nước, dung dịch, xà phòng sát khuẩn. Tại các văn phòng, địa điểm tư vấn giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng, cần bố trí khẩu trang, dung dịch xịt tay, cồn khô sát khuấn.
Đặc biệt, khi phát hiện, hoặc qua phản ánh của người tiêu dùng về hành vi sản xuất, kinh doanh khẩu trang giả, không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ; lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá bán bất hợp lý các loại khẩu trang, dung dịch rửa tay, xịt tay sát khuẩn và dụng cụ y tế có liên quan đến phòng, chống dịch, của tổ chức, cá nhân kinh doanh, Hội kịp thời thông tin cho cơ quan chức năng, như Quản lý thị trường, Công an để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
“Các hoạt động tuyên truyền hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam và Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới được thực hiện qua các phương tiện thông tin đại chúng, treo băng rôn, khẩu hiệu, áp phích, ấn phẩm, tờ rơi vẫn tiến hành bình thường”, ông Hùng nói./.
Giá heo hơi giảm, người tiêu dùng chưa được hưởng lợi nhiều