Bắp cải trái vụ - hướng thoát nghèo hiệu quả ở vùng cao Si Ma Cai
VOV.VN - Nhờ trồng bắp cải trái vụ, nhiều hộ nông dân huyện vùng cao Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai đã tìm ra hướng đi xóa đói, giảm nghèo hiệu quả.
Những ngày này, khi bắp cải của bà con vùng xuôi mới đang kỳ xuống giống thì lứa bắp cải trái vụ trồng từ 4 tháng trước của nhiều hộ nông dân ở huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai lại đang mùa thu hoạch. Trên xứ vùng cao này, bắp cải chẳng tưới nước, phun sâu, chỉ bỏ công chăm bón, nhưng cây nào cũng thành cuộn tròn lẳn, nặng hàng ký lô.
Trồng bắp cải trái vụ trở thành hướng thoát nghèo hiệu quả ở vùng cao Si Ma Cai. (Ảnh: An Kiên). |
Mới đầu vụ thu, nương bắp cải nhà anh Lìu Seo Thống, thôn Say Sán Phìn, xã Mản Thẩn, huỵện Si Ma Cai đã mang về 10 triệu đồng. Mấy bữa trước giá cao điểm được những 15.000 đồng/kg, giờ đều đều mỗi ký cũng được 10.000 đồng/kg. Khoảng một vạn bắp nữa có doanh nghiệp hẹn hôm tới sẽ đưa xe ô tô vào tận nơi mua hết.
Anh Thống tâm sự, trước kia nhà tôi trồng ngô, nay chuyển sang trồng bắp cải. Cây rau bắp cải trồng thì đơn giản hơn mà lại nhẹ nhàng hơn so với cây ngô, giá bán cũng cao hơn.
Theo ông Viên Đình Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Si Ma Cai, bắp cải trái vụ được trồng ở Si Ma Cai cũng đã lâu, nhưng nhỏ lẻ, chỉ đủ đáp ứng cho nhu cầu nội huyện.
Vài năm gần đây, nhận thấy ưu thế về khí hậu cũng như cánh cửa thị trường miền xuôi rộng lớn, huyện Si Ma Cai đã vận động nhiều nguồn lực khác nhau hỗ trợ giống, vận động bà con chuyển sang trồng bắp cải. Hiện, diện tích cây bắp cải trái vụ của toàn huyện đạt trên 30 ha, với khoảng 140 hộ dân tham gia trồng, mỗi năm hai vụ đầu ra đều rất ổn định.
"Theo rà soát của chúng tôi thì dư địa vẫn còn, diện tích có thể trồng được bắp cải khả năng lên được 100 - 200ha. Thời gian tới huyện sẽ tập trung các nguồn lực để tiếp tục đầu tư, phát triển loại cây này. Nếu tận dụng được lợi thế của khí hậu, đất đai thì đây cũng là một hướng đi có thể xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân vùng cao trên địa bàn", ông Hiệp cho hay.
Theo tính toán, mỗi hecta bắp cải trái vụ của bà con Si Ma Cai cho thu hoạch tối thiểu cũng được 150 triệu đồng, gấp 6 – 7 lần trồng ngô và lúa. Tuy nhiên, do tập quán canh tác của người dân vùng cao còn lạc hậu, chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên, bà con cũng chưa biết tính toán và ngại chuyển đổi theo hướng mới, nên chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa để giúp đồng bào nơi đây tiếp cận được hướng đi hiệu quả, nâng cao năng lực sản xuất./. Chuyện những người phụ nữ khởi nghiệp vươn lên thoát nghèo
Thoát nghèo nhờ trồng nấm