Bình Định xử lý dứt điểm tàu cá "3 không"
VOV.VN - Tỉnh Bình Định đang tập trung nguồn lực để khắc phục các tồn tại trong chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Đến nay, tỉnh này đã cơ bản xử lý dứt điểm tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép).
Từ tháng 10/2023 đến nay, 10 tàu cá ở tỉnh Bình Định bị nước ngoài bắt giữ, tất cả đều hoạt động, neo đậu và xuất bến ở các tỉnh phía Nam, hàng năm không về địa phương. Trong đó, 9 tàu cá bị nước ngoài bắt giữ có chiều dài dưới 15 mét (không thuộc đối tượng bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình), làm nghề câu mực, tàu cũ; 1 tàu có chiều dài trên 15 mét đã trang bị thiết bị giám sát hành trình, xuất bến tại tỉnh Kiên Giang nhưng không mở thiết bị khi đi khai thác, lực lượng chức năng tỉnh Kiên Giang không phát hiện.
Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh Bình Định đã xử phạt 109 trường hợp tàu cá vi phạm với số tiền hơn 11,3 tỷ đồng. Trong đó, 8 trường hợp đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài, 70 trường hợp vi phạm liên quan đến thiết bị giám sát hành trình, 37 trường hợp vi phạm một số lỗi khác.
Công an tỉnh Bình Định đã tiến hành khởi tố vụ án tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép liên quan 2 tàu cá ở xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ vi phạm vùng biển nước ngoài bị Thái Lan bắt giữ. Đây vụ việc đầu tiên mà Công an tỉnh Bình Định khởi tố vụ án liên quan đến việc phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo định.
Tỉnh Bình Định có 215 tàu cá chiều dài từ 12 mét đến dưới 15 mét hoạt động, xuất bến ở các tỉnh phía Nam. Đây cũng là nhóm tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài. Đến nay, đã có 157/215 tàu cá có chiều dài từ 12 mét đến dưới 15 mét lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo yêu cầu của tỉnh Bình Định để tham gia khai thác thủy sản.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, ngành đang tập trung khắc phục các tồn tại trong thực hiện các biện pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, trong đó xử lý dứt điểm tàu cá “3 không”:
“Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cũng đã phối hợp với các địa phương, sở ngành có liên quan triển khai quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU. Chúng tôi đã giải quyết, xử lý cơ bản đối với tàu “3 không”, cấp đăng ký cho 970 tàu, tiếp tục rà soát, đăng ký, đăng kiểm tàu cá, kể cả lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tất cả các tàu đủ điều kiện cấp đăng ký thì tỉnh Bình Định đã làm, những tàu nào không đủ điều kiện nữa thì tiến hành xả bản, không cho hoạt động”.
Thời gian qua, tỉnh Bình Định đã phối hợp một số đơn vị triển khai thử nghiệm hệ thống nhật ký khai thác thủy sản điện tử lắp đặt trên tàu cá tại tỉnh này. Mới đây, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Định đã có báo cáo về triển khai thí điểm ứng dụng nhật ký khai thác thủy sản điện tử tàu khai thác xa bờ trên địa bàn tỉnh.
Bước đầu cho thấy, nhật ký khai thác thủy sản điện tử giúp cung cấp dữ liệu chính xác về chuỗi cung ứng, từ khâu khai thác đến tiêu thụ. Nhật ký điện tử cũng đảm bảo thực hiện đồng bộ giữa các bên liên quan tham gia chuỗi cung ứng truy xuất nguồn gốc thủy sản theo quy định, truy xuất đầy đủ thông tin phục vụ xuất khẩu nhanh chóng, chính xác, minh bạch, đặc biệt là đến các thị trường yêu cầu tiêu chuẩn cao về nguồn gốc.
Tuy nhiên, việc thí điểm nhật ký khai thác thủy sản điện tử trên tàu cá vẫn còn một số khó khăn. Giá thiết bị hiện nay cung cấp ra thị trường là khá cao, từ 22 - 25 triệu đồng/máy. Một đơn vị cung cấp khác lại chưa có giải pháp về quản lý thiết bị (dùng điện thoại thông minh) nên chưa kiểm soát được tính chính xác của nhật ký khai thác điện tử.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Định Trần Văn Phúc, tỉnh này đang hướng đến việc sử dụng thiết bị giám sát hành trình có tích hợp nhật ký khai thác thủy sản điện tử. Thí điểm nhật ký khai thác thủy sản điện tử tại tỉnh Bình Định bước đầu đạt tín hiệu với kết quả khá tốt.