Bình ổn giá thức ăn thủy sản để tăng sức cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm
Theo Tổng cục Thủy sản, thời gian qua, giá thức ăn thủy sản liên tục tăng dẫn tới giá thành sản xuất tăng. Đây chính là nguyên nhân làm giảm sức cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm trên thị trường.
Phát biểu tại Hội nghị “Giải pháp phát triển chăn nuôi và thủy sản trong tình hình mới” do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng 26/4, ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT cho rằng, nguồn cung nguyên liệu thức ăn thủy sản bị ảnh hưởng nặng nề, giá nguyên liệu thức ăn tăng liên tục làm giá thành sản xuất tăng, giảm sức cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm.
Theo ông Luân, từ giữa năm 2020, giá nguyên liệu làm thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu đi lên và càng đến gần cuối năm 2020 đầu năm 2021 giá càng tăng mạnh. Các doanh nghiệp thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi được coi là đối tượng ảnh hưởng đầu tiên khi hầu hết đều trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung, vừa sản xuất, vừa chờ nguyên liệu dẫn đến hoạt động sản xuất đình trệ. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản không thể mua nguyên liệu theo quý, theo năm như trước mà chỉ mua theo từng tháng.
Nguyên liệu sản xuất thức ăn như bột cá, ngũ cốc, đậu tương, phụ gia, khô dầu chủ yếu phải nhập khẩu, chiếm 70-80%. Giá nguyên liệu tăng cao là do dịch Covid-19 tác động tới hệ thống logistics toàn cầu, khiến cước vận chuyển nhiều loại hàng hóa tăng mạnh. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc đột ngột mua nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản với số lượng kỷ lục dẫn đến giá tăng trên quy mô toàn cầu ở mức độ bất thường.
"Các nguyên liệu của chúng ta thiếu lại là thế mạnh của nước Nam Mỹ và Bắc Mỹ như Mỹ, Argentina, Brazil, châu Âu, Nga.... Những khu vực này đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 khiến việc giao thương và hệ thống logistics gần như tê liệt, trong đó điển hình là việc thiếu container", ông Luân dẫn chứng.
Để giảm áp lực lên giá thành cũng như tăng cường sức cạnh tranh của ngành hàng này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật là đơn vị được giao kiểm tra chất lượng và kiểm dịch nguyên liệu nhập khẩu cần thống kê đầy đủ về giá thành nguyên liệu, thị trường nhập khẩu chính và tham mưu để bộ phối hợp với các bộ, ngành liên quan có phương án, giải pháp đàm phán với các nước cung cấp nguyên liệu chính cho ngành sản xuất thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi nhằm có nguồn nguyên liệu ổn định, phù hợp cũng như đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn để ổn định sản xuất.
Bên cạnh đó, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường cùng các viện nghiên cứu phối hợp với các doanh nghiệp khẩn trương nghiên cứu, tìm giải pháp công nghệ, tìm nguồn nguyên liệu thay thế các nguyên liệu đang khan hiếm và có giá thành cao để chủ động sản xuất; nghiên cứu giảm FCR (tỷ lệ chuyển đổi thức ăn trong chăn nuôi) và tăng khả năng tiêu hóa của các loại thủy sản giúp giảm nhu cầu nguyên liệu đầu vào và bảo vệ môi trường.
Mặt khác, các địa phương cần quan tâm phát triển các mô hình liên kết chuỗi để giảm trung gian, hạ giá thành sản xuất; tăng cường kiểm tra, kiểm soát điều kiện cơ sở sản xuất, lưu thông giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, trục lợi, ép giá, tung tin thất thiệt (nếu có). Các hội, hiệp hội, doanh nghiệp cần tích cực tham gia phát triển các mô hình hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị nhằm tiếp cận thị trường, giảm giá thành sản xuất. Các doanh nghiệp tích cực đồng hành, chia sẻ khó khăn với người nuôi trồng thủy sản, không tăng giá thức ăn thủy sản trong bối cảnh hiện nay.
Hiện nay, trên cả nước có tổng số 121 cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản đã được cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất; trong đó có 58 cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài, công suất tối đa đạt khoảng khoảng 5,2 triệu tấn/năm. Ngoài ra, cả nước còn có 63 cơ sở (20 cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài và 43 cơ sở trong nước) sản xuất nguyên liệu (bột cá, cám gạo, tấm, dầu gạo, bột mỳ, hỗn hợp khoáng, vitamin…) cung cấp cho thị trường./.