Bộ GTVT tái cơ cấu, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước
(VOV) -Các đơn vị tái cơ cấu, cổ phần hóa phải có phương án thoái vốn, cần xác định rõ ràng những tiêu chí, lộ trình...
Theo kế hoạch, trong năm 2013, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phải hoàn thành cổ phần hóa 10 tổng công ty. Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trong quá trình thực hiện, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây lắp gặp không ít khó khăn, do một số đơn vị thành viên làm ăn thua lỗ dẫn đến mất cân đối tài chính. Tuy nhiên, sau quá trình thực hiện tái cơ cấu, hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến.
Tại hội nghị, đa số các doanh nghiệp đều có chung nhận định, đây là chủ trương lớn của Nhà nước và cần thực hiện, nếu không thực hiện tái cơ cấu thì nhiều doanh nghiệp sẽ bị phá sản hoặc làm ăn thua lỗ. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp khác đã thực hiện tái cơ cấu nhưng vẫn không đạt kế hoạch doanh thu, lợi nhuận. Do đó, các đơn vị thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa phải có phương án thoái vốn và cần xác định rõ ràng những tiêu chí, có lộ trình cụ thể để thực hiện.
Bộ trưởng Đinh La Thăng, các Thứ trưởng Nguyễn Văn Công, Phạm Quý Tiêu, Nguyễn Hồng Trường chủ trì Hội nghị (Ảnh: Bộ GTVT) |
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng yêu cầu, đối với việc giải quyết nợ xấu, nợ đọng, các doanh nghiệp cần chủ động đánh giá lại hiệu quả vốn đầu tư, tăng cường công tác quản lý tài chính của công ty mẹ và các công ty thành viên, bảo toàn phát triển vốn; thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng vốn điều lệ và giảm nợ vay…
Trong tình hình khó khăn, Bộ đề nghị các doanh nghiệp phải hỗ trợ lẫn nhau, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo niềm tin cho người lao động.
Riêng đối với Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinaline), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu thành lập ngay một Ban chỉ đạo tái cơ cấu, trong đó tập trung vào tái cơ cấu tài chính. Cụ thể phải có lộ trình, giải pháp cụ thể và làm việc với công ty mua bán nợ, phát hành trái phiếu.../.