Bộ Kế hoạch - Đầu tư: 6 tháng cuối năm còn nhiều việc phải làm
VOV.VN - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, dù kết quả nửa đầu năm 2023 chưa đạt được như kế hoạch, nhưng khái quát chung, kinh tế vĩ mô vẫn ổn định.
Tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, dù kết quả nửa đầu năm 2023 chưa đạt được như kế hoạch, nhưng khái quát chung, kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, cân đối lớn được đảm bảo, vừa xử lý được các vấn đề trong ngắn hạn, vừa xử lý được các vấn đề trong dài hạn.
Ngành Kế hoạch đầu tư đã hoàn thành công việc lớn, tính chất phức tạp, đáp ứng yêu cầu, phản ứng nhanh, chính xác, như tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội ban hành các Luật, Nghị quyết, Quy hoạch hết sức quan trọng, như: Quy hoạch tổng thể Quốc gia, Luật Đấu thầu sửa đổi, Luật Hợp tác xã sửa đổi, Cơ chế đặc thù cho thành phố Hồ Chí Minh…Tiếp tục tham mưu đẩy nhanh phân bổ vốn đầu tư công trung hạn còn lại của các bộ, cơ quan và địa phương, nguồn vốn phục hồi và phát triển kinh tế xã hội 3 chương trình mục tiêu Quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Để có được những kết quả như vậy là do tinh thần đoàn kết thống nhất trong ngành kế hoạch đầu tư và Bộ Kế hoạch - Đầu tư, có truyền thống đoàn kết, thống nhất cao trên dưới một lòng nên công việc trôi chảy.
Thứ hai là năng lực tổ chức công việc của các cấp từ lãnh đạo Bộ đến các cấp vụ đến các cấp phòng, chuyên viên là hết sức thiện chiến, chuyên nghiệp. Chúng ta cũng được đánh giá là Bộ tiên phong trong đổi mới cải cách, sáng tạo, cầu thị, tuy nhiên chúng ta cũng xác định không được thỏa mãn với kết quả, không được bằng lòng mà thấy rằng nhiệm vụ đặc biệt khó khăn còn rất lớn, đòi hỏi nỗ lực hơn nữa”.
Bộ Kế hoạch -Đầu tư cho biết, còn nhiều lo lắng trước những diễn biến vô cùng phức tạp của nền kinh tế thế giới trong năm bản lề 2023. Đó là những biến động nhanh, khó lường của nền kinh tế thế giới. Tình hình xung đột Nga - Ukraine; chính sách tiền tệ thắt chặt, chính sách bảo hộ gia tăng… đã tác động ngay tới kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm.
Nước ta phụ thuộc vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rất lớn, nên khi những biến động bên ngoài như vậy thì tác động rất lớn tới kinh tế trong nước. Đặc biệt là tác động tới thị trường bất động sản, thu hút đầu tư khó khăn rất nhiều, cạnh tranh nhau rất lớn.
Trong 6 tháng cuối năm, toàn ngành sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa với tinh thần “đoàn kết - chủ động - năng động - sáng tạo - đổi mới - linh hoạt và hành động quyết liệt, hiệu quả” góp phần đạt kết quả các nhất các mục tiêu của kế hoạch 2023 đã đề ra, tạo tiền đề vững chắc cho cả giai đoạn phát triển 2021-2025.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, toàn ngành tập trung theo dõi sát diễn biến tình hình, làm tốt công tác thống kê, nghiên cứu, phân tích, dự báo và cùng thảo luận trả lời 3 câu hỏi lớn, đó là: “Thứ nhất là khó khăn, thách thức chủ yếu của nền kinh tế và doanh nghiệp hiện nay là gì. Thứ hai là phản ứng chính sách để thích ứng với các diễn biến của tình hình thế giới cũng như các nền kinh tế lớn.
Thứ ba, đâu là động lực để chúng ta đột phá cho tăng trưởng. Theo đó, những giải pháp chính sách nào để thúc đẩy các động lực tăng trưởng cả trong ngắn hạn trung hạn”.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: Tiếp tục cụ thể hóa, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế tư nhân, định hướng thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển kinh tế tuần hoàn. Tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Không ngừng đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, bám sát tình hình kinh tế thế giới và trong nước để kịp thời tham mưu giải pháp, chính sách phù hợp nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành gắn với cơ chế kiểm soát hiệu quả. Tập trung tháo gỡ các rào cản để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế.