Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Công tác quy hoạch như "công binh" mở đường
VOV.VN - Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, công tác quy hoạch như “công binh” mở đường, nếu mở đường thắng lợi thì cuộc chiến sẽ thắng lợi, còn nếu làm không tốt sẽ dẫn đến sự thất bại, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của đất nước.
Quốc hội đã dành cả ngày làm việc hôm nay (30/5) để giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Đây là 1 nội dung thu hút được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội và dư luận, với một số kết quả nổi bật cùng nhiều vướng mắc, hạn chế cần nhanh chóng được khắc phục nhằm đưa Luật Quy hoạch thực sự đi vào cuộc sống.
Giảm từ 3.654 xuống còn 111 quy hoạch
Điểm nổi bật của việc thực hiện Luật Quy hoạch là số lượng quy hoạch đã giảm từ 3.654 quy hoạch thời kỳ trước khi Luật quy hoạch có hiệu lực xuống còn 111 quy hoạch, giảm 3.543 quy hoạch (giảm 97%). Không chỉ giảm về số lượng, quan trọng hơn, Luật Quy hoạch đã tạo nền tảng cho việc thiết lập một hệ thống quy hoạch thống nhất, giản lược, có tầng bậc, tích hợp, dễ theo dõi và thực hiện, qua đó tập trung hiệu quả các nguồn lực khan hiếm của đất nước vào các mục tiêu phát triển, không gian phát triển mới, giá trị mới và động lực phát triển mới của quốc gia, vùng và địa phương.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, một trong những quan điểm quan trọng về phát triển và tổ chức không gian phát triển đất nước khi lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030 là phát triển quốc gia như một thể thống nhất, không bị chia cắt, không bị ràng buộc bởi địa giới hành chính, các nguồn lực đất nước được huy động và sử dụng một cách hiệu quả nhất vì lợi ích quốc gia.
Để đánh giá một cách chính xác hạn chế của Luật Quy hoạch ở thời điểm này là không chính xác và không thể, bởi cần có thời gian áp dụng Luật trên thực tiễn. Luật Quy hoạch có nhiều quy định mới cả về nội dung và phương pháp lập quy hoạch, để thực hiện cần nhiều thời gian để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung. Một số văn bản hướng dẫn chi tiết các luật, pháp lệnh sửa đổi một số điều có liên quan đến quy hoạch được ban hành chậm; còn có nội dung chưa thống nhất.
Bên cạnh đó, việc tổ chức lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là nhiệm vụ mới, phức tạp và lần đầu tiên được triển khai đồng thời ở tất cả các cấp, các ngành, dẫn đến khó khăn trong tổ chức thực hiện. Không những vậy, việc đầu tư cho công tác quy hoạch ở các cấp còn hạn chế; chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cơ quan quản lý quy hoạch còn chưa được hoàn thiện. Đội ngũ cán bộ tư vấn và thực hiện công tác quy hoạch còn thiếu và yếu cả về lượng và chất. Nhận thức về công tác quy hoạch ở nhiều nơi, nhiều lúc còn chưa đúng tầm. Ngoài ra, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trong hơn 3 năm qua đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030.
Loại bỏ lãng phí, chồng chéo và khoảng trống trong quy hoạch
Không thể phủ nhận vai trò của quy hoạch sản phẩm trong thời kỳ kế hoạch hóa tập trung bao cấp có những đóng góp nhất định trong phát triển kinh tế-xã hội, nhưng đến nay các quy hoạch này không còn phù hợp nữa. Việc loại bỏ các quy hoạch sản phẩm mà thay vào đó sẽ chuyển sang quản lý bằng điều kiện kinh doanh sẽ loại bỏ được những rào cản trong đầu tư, sản xuất kinh doanh để khai thông sự phát triển cho một thời kỳ mới của đất nước là điều cần thiết phải làm.
Theo GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, thay đổi tư duy về quy hoạch thường là khâu khó khăn nhất ở tất cả các nước có nền kinh tế chuyển đổi. Dù khó nhưng vẫn phải quyết tâm làm để phát triển được bền vững và dễ dàng thoát nhanh khỏi cái bẫy thu nhập trung bình. Một trong những việc cần làm lúc này là xác định rõ đối tượng nào cần quy hoạch và không cần quy hoạch trong cơ chế thị trường để loại bỏ sự lãng phí, chồng chéo và khoảng trống trong quy hoạch.
Trước mắt, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc lập quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, chúng ta cần sớm có các văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn về điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật, chuyên ngành và quy trình triển khai cụ thể các dự án trong các quy hoạch. Tiếp đó, các Bộ, ngành và địa phương cũng cần nhanh chóng hoàn thành lập, phê duyệt hoặc quyết định các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia; phấn đấu hoàn thành quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành hạ tầng chủ chốt (giao thông, năng lượng, thủy lợi, đê điều...) trong thời gian sớm nhất.
Trong dài hạn, việc tổng kết toàn diện tình hình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch là vô cùng cấp thiết để có cơ sở đề xuất các giải pháp sửa đổi, bổ sung, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác quy hoạch. Theo dự kiến, tháng 10 năm 2022, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia tại kỳ họp thứ 4./.