Bộ trưởng Tài chính Czech: Doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh hợp pháp
VOV.VN - Khẳng định của Bộ trưởng Tài chính Cộng hòa Czech tại một cuộc Hội thảo diễn ra ở Trung tâm thương mại Sa Pa, Thủ đô Praha.
Người Việt Nam tại CH Czech kinh doanh theo đúng luật pháp nước sở tại và những thông tin về người Việt Nam kinh doanh không nộp thuế là không đúng sự thực. Đây là khẳng định của Bộ trưởng Tài chính Cộng hòa Czech Andrej Babis tại một cuộc Hội thảo diễn ra ở Trung tâm thương mại Sa Pa ở Thủ đô Praha ngày12/6 giới thiệu Luật thống kê doanh thu điện tử (EET) trong cộng đồng doanh nghiệp dự kiến sẽ được thực hiện từ cuối năm nay.
|
“Một bộ phận người Czech nghĩ rằng, người Việt Nam kinh doanh tại CH Czech không nộp thuế cho cơ quan nhà nước, nhưng đây không phải là sự thật. Trước đây tôi cũng có những phát ngôn tương tự và tôi đã nói lời xin lỗi tới cộng đồng người Việt. Chúng tôi luôn coi cộng đồng người Việt như là một phần không thể tách rời của xã hội Czech. Các bạn rất siêng năng, cần cù, chăm chỉ, thích ứng nhanh với thay đổi. Tôi nghĩ người Czech nên học tập những đức tính này của người Việt Nam”, Bộ trưởng Babis nói.
Nhận xét của Bộ trưởng Babis đã góp phần xóa tan những hoài nghi của giới doanh nghiệp tại CH Czech về hoạt động kinh doanh của người Việt tại đây. Những thông tin không được kiểm chứng được đồn thổi trong bối cảnh CH Czech chuẩn bị áp dụng Luật thống kê doanh thu điện tử và đối tượng chịu tác động sẽ là tất cả các doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề, trong đó có một bộ phận không nhỏ người Việt Nam.
Ông Babis - người chấp bút cho Luật kể trên nói rằng, sự ra đời của luật này là cần thiết bởi nó sẽ giúp nhà nước quản lý tốt hơn hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước dành cho các dự án phát triển hạ tầng, và điều quan trọng là nó tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp tại CH Czech.
Ông hy vọng rằng, một môi trường kinh doanh như vậy sẽ tạo nhiều cơ hội cho người Việt vốn đã có kinh nghiệm sống lâu năm và là một trong những cộng đồng dân tộc thiểu số lớn nhất tại CH Czech phát triển một cách bền vững và lâu dài trên đất Czech.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đến từ Bộ Tài chính CH Czech giải thích mô hình kết nối doanh thu điện tử và trả lời các câu hỏi của doanh nghiệp khi luật được áp dụng trên thực tế. Kết nối doanh thu điện tử (hay còn gọi là EET) là hình thức doanh nghiệp kết nối máy tính tiền tới các Phòng thuế trực thuộc Bộ tài chính. Đây là cách mà Bộ tài chính CH Czech muốn kiểm soát doanh thu của các doanh nghiệp để tính thuế các doanh nghiệp phải nộp vào ngân sách nhà nước. Nói cách khác, đây là công cụ giúp Bộ Tài chính quản lý nguồn thu ngân sách từ các doanh nghiệp, chống thất thu thuế.
Tuy nhiên, hình thức kết nối này không phải là không gây lo lắng cho phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh nhỏ lẻ của Việt Nam vốn từ trước tới nay đều có thói quen tự khai doanh thu và phần thuế phải nộp.
Chị Vũ Thị Nga, chủ chuỗi 8 cửa hàng buôn bán vải và đồ gia dụng, cho biết chắc chắn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng và chị dự kiến sẽ phải đóng bớt các cửa hàng kinh doanh kém hiệu quả để bảo toàn vốn.
“Khi EET được áp dụng doanh nghiệp rất lo lắng vì nó liên quan tới thu nhập và thuế VAT. Khi được áp dụng thì tất cả doanh thu được phòng thuế biết tới, hiện tại doanh nghiệp tự khai thuế, nên khi luật này áp dụng thì chắc chắn là mức thuế trả sẽ nhiều hơn, gây nhiều khó khăn trong kinh doanh. Với chuỗi 8 cửa hàng hiện tại, khi luật áp dụng thì con số cửa hàng sẽ thu hẹp nhỏ hơn, dự kiến là đóng cửa các cửa hàng thu nhập kém”, chị Nga cho biết.
Không riêng chị Nga mà nhiều doanh nghiệp khác cũng có cùng tâm trạng khi cho rằng luật mới sẽ giảm nguồn thu của họ, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh. Anh Trần Anh Đức, chủ một chuỗi cửa hàng bán thực phẩm được 5 năm nói rằng anh chưa nghĩ tới chuyện đổi nghề và phải nghĩ cách thích ứng với cách tính thuế mới.
“Khi EET hoạt động sẽ đẩy giá hàng hóa nhập vào cao lên sẽ khiến giá bán tăng lên. Trong khi người tiêu dùng lại muốn mua rẻ, hợp túi tiền. Do đó khi có EET, doanh nghiệp phải trừ chi phí thuế, tính toán sao cho hợp lý nên nhiều doanh nghiệp vẫn còn đang lúng túng, bỡ ngỡ” anh Đức chia sẻ.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều cho rằng việc áp dụng luật này lại là cơ hội cho họ điều chỉnh chiến lược kinh doanh trong bối cảnh mới cho hợp lý nhằm duy trì lợi nhuận, trụ vững và phát triển một cách lâu dài tại thị trường CH Czech, thay vì chiến lược “ăn xổi, ở thì“như hiện nay.
Anh Hoàng Tế Độ, người kinh doanh các mặt hàng quần áo, giầy dép, đồ da dụng và dược phẩm từ năm 1990 nói rằng, anh ủng hộ cách tính thuế mới bởi nó sẽ tạo sân chơi bình đẳng, công bằng cho mọi đối tượng kinh doanh trong xã hội. Với kinh nghiệm kinh doanh trong nghề được hơn 20 năm tại CH Czech, anh chia sẻ cách thức giúp người kinh doanh giảm phần thuế phải nộp cho nhà nước.
“Trước người kinh doanh lấy hàng về bán, cũng như người Tiệp vẫn quen kê khai cho hợp lý, quên mất những chi phí như xăng xe, lao động không đưa vào, nên phải kê khai thấp đi. Bây giờ phải đưa hết những thứ đó vào để giảm sự đóng góp thuế của doanh nghiệp. Chúng ta phải khắc phục, phải học hỏi để đưa các chi phí vào để đỡ đóng thuế một cách vô ích”, anh Độ gợi ý.
Kể từ khi Luật thống kê doanh thu điện tử chính thức được thông qua vào đầu năm nay, các tổ chức, hội đoàn người Việt cũng đã có những động thái tích cực như tổ chức hội thảo, hay các khóa đào tạo nhằm hỗ trợ người kinh doanh nhỏ lẻ tiếp cận thông tin về luật, cách áp dụng luật và đặc biệt là cách thức duy trì kinh doanh có lãi trong tình hình mới. Trong đó, Hiệp hội các cửa hàng kinh doanh thực phẩm người Việt tại CH Czech đưa ra giải pháp cung ứng và giao hàng tới tận cửa hàng, giúp giảm chi phí vận chuyển, tăng hiệu quả kinh doanh.
Anh Lê Viết Vượng, Phó chủ tịch Hiệp hội cho biết: “Chúng tôi có thể đáp ứng về như cầu nguồn hàng cung cấp trực tiếp đến nhà kinh doanh bán lẻ, không chỉ đơn thuần các cửa hàng nhỏ, mà có thể cung cấp cho cửa hàng lớn. Chủ cửa hàng không cần phải đến thẳng trực tiếp công ty, thay vào đó chúng tôi đàm phán trực tiếp với các công ty cung cấp thực phẩm hay mỹ phẩm cho các cửa hàng đăng lý qua Hiệp hội của chúng tôi để làm sao thuận tiện nhất, và lãi suất cao nhất để sau khi trừ thuế thì cẫn còn đủ để duy trì cuộc sống và kinh doanh của gia đình”.
Theo dự kiến, luật mới sẽ được áp dụng bắt đầu từ ngày 1/12 tới đối với các hoạt động kinh doanh nhà hàng, khách sạn. Chủ các cửa hàng bán buôn, bán lẻ sẽ là đối tượng chịu tác động của luật kể từ ngày 1/3 năm tới. Quy định mới cũng sẽ được áp dụng với các ngành nghề còn lại như y tế hay lái taxi vào năm 2018. Khi luật đi vào thực tế, chắc chắn sẽ có một sự thay đổi lớn trong hoạt động kinh doanh của người Việt tại CH Czech.
Các doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho việc kết nối với cơ quan thuế của Czech để họ không bị ngỡ ngàng khi luật trên được áp dụng trong thực tế. Họ nhận ra rằng chỉ có kinh doanh một cách bài bản, chuyên nghiệp, đúng luật mới giúp họ đứng vững trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt tại CH Czech./.