Bộ trưởng Xây dựng: Tồn kho bất động sản do lỗi quản lý
(VOV) - Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng thừa nhận thực tế này khi giải trình trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Sáng 24/1 tại Hà Nội, Ủy ban kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên họp giải trình với chủ đề “Thực trạng, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, góp phần ổn định kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội”.
Báo cáo giải trình của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, thị trường bất động sản trầm lắng dẫn tới tồn kho bất động sản và các loại vật liệu xây dựng tăng nhanh. Hiện cả nước tồn kho hơn 42.000 nhà ở gồm căn hộ và nhà thấp tầng. Văn phòng cho thuê tồn kho 92.800m2 sàn, đất nền nhà ở tồn kho gần 800 ha, ước tính giá trị tổng tồn kho khoảng gần 112.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Trịnh Định Dũng cũng khẳng định, số liệu tồn kho trên đây chưa phản ánh được tình hình thực tế. Bởi, còn nhiều dự án tồn kho nhưng chưa báo cáo, nhiều dự án đã giải phóng mặt bằng, đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng nhưng phải dừng do không có thị trường, các nhà đầu tư thứ phát đã mua nhưng không bán được.
Tại phiên giải trình, các đại biểu đã nêu nhiều câu hỏi đề nghị Bộ trưởng làm rõ hơn nguyên nhân, giải pháp của thực trạng tồn kho bất động sản.
Bà Nguyễn Thị Khá, Ủy viên thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng làm rõ vấn đề tháo gỡ khó khăn cũng như quản lý chặt chẽ việc quy hoạch, đầu tư đúng hướng, hợp lý giữa cung cầu, cũng như trách nhiệm quản lý nhà nước về thị trường bất động sản.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, tình trạng tồn kho thị trường bất động sản như thời gian qua nguyên nhân chủ quan là chính. Thị trường bất động sản phát triển thiếu quy hoạch chiến lược và điều tra nhu cầu; đầu tư bất động sản theo tâm lý đám đông, phong trào, dẫn đến cung vượt quá cầu, quá khả năng thanh toán của nền kinh tế. Đây là trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương.
“Chúng tôi xin nói rõ đây là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương cho tới địa phương. Trước hết ở Trung ương, hoạt động kinh doanh bất động sản gắn liền với quản lý phát triển đô thị và nó liên quan tới rất nhiều luật nhưng mà các luật hiện nay còn thiếu đồng bộ và có những chỗ chồng chéo. Các địa phương cũng chưa chủ động để xây dựng quy hoạch, quyết định phê duyệt dự án cũng như là kiểm tra trong quá trình thực hiện các dự án này để cân đối cung cầu trong từng địa phương của mình” – Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết.
Một số đại biểu đặt vấn đề với Bộ trưởng bộ Xây dựng về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản trong ngắn hạn, trung hạn cũng như dài hạn; đồng thời trao đổi, bổ sung một số nội dung trong báo cáo giải trình của bộ trưởng.
Trước câu hỏi của ông Cao Sỹ Kiêm - Ủy viên ủy ban kinh tế của Quốc hội: “Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng đầu cơ, nâng giá bất động sản tràn lan như thời gian qua?”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết: “Phân khúc nhà xã hội sẽ quản lý đầu cơ dễ hơn vì chỗ này là phải xây dựng được tiêu chí của người mua nhà. Cơ quan quản lý đã xây dựng nghị định về phát triển nhà ở xã hội, đang trình Chính phủ và sẽ được ban hành có thể là trong những ngày gần tới sẽ được ban hành. Nội dung nghị định này sẽ có những cơ chế để kiểm soát, hỗ trợ, tạo môi trường cho phát triển nhà ở xã hội”.
Cũng trong phiên giải trình sáng nay, đại diện Bộ Tài Chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trả lời thêm những vấn đề xung quanh việc hỗ trợ, ưu đãi lãi suất cho vay đối với thị trường bất động sản.
Phát biểu kết thúc phiên giải trình, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao nội dung, hiệu quả phiên giải trình. Đây là những vấn đề mà cử tri cả nước đặc biệt quan tâm. Đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của Bộ xây dựng, các bộ, ngành liên quan.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, còn nhiều vấn đề mà đại biểu nêu ra vẫn chưa được Bộ Xây dựng trả lời rõ cần được tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới./.