Bội thu nhờ nuôi tôm trách nhiệm

VOV.VN - Tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi tôm đứng đầu cả nước. Đặc biệt, tỉnh có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để phát triển các mô hình nuôi tôm sinh thái như: lúa - tôm và nuôi tôm dưới tán rừng.

 

Thời gian qua, tỉnh Cà Mau chú trọng liên kết phát triển các mô hình này để giúp người dân tăng thu nhập, phù hợp xu thế phát triển.

Từ tự phát nuôi tôm đến nuôi tôm trách nhiệm

Về các xã Trí Phải, Trí Lực, Biển Bạch… huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau vào thời điểm này dễ thấy những cánh đồng lúa - tôm trải dài xanh thẳm. Những cây lúa gần 2 tháng tuổi mơn mởn báo hiệu vụ mùa thành công.

Thới Bình là huyện có diện tích lúa - tôm đứng đầu tỉnh Cà Mau với khoảng 20.000 ha/tổng số 38.000 ha toàn tỉnh. Trước đây, trên những diện tích làm mô hình lúa - tôm, người dân chủ yếu trồng mía. Đến năm 2010, vẫn còn nhiều diện mía đan xen. Trong những câu chuyện ngày thường, người dân địa phương vẫn hay kể về tranh chấp mặn ngọt của thời “chuyển giao” mô hình kinh tế.

Sau những câu chuyện “người trồng mía cần ngọt, người nuôi tôm đưa mặn vào” hiện mọi người đều vui. Bởi, nhà nhà, người người đều đang trồng lúa, nuôi tôm và phát triển kinh tế bền vững trên chính mảnh đất mà cha ông họ bỏ công khai phá.

Đến khoảng năm 2017, đa phần những ruộng mía già cỗi đã bị người dân đốt sạch để “nhường bước” cho mô hình lúa - tôm. Sau đó, bà con dần được tổ chức vào các Tổ hợp tác, Hợp tác xã và ngày càng làm ăn bài bản.

HTX Dịch vụ - Sản xuất lúa tôm Trí Lực (xã Trí Lực, huyện Thới Bình) hiện không chỉ trồng lúa ST24, ST25 theo tiêu chuẩn hữu cơ để cung ứng cho doanh nghiệp xuất khẩu đi nhiều nước mà con tôm nuôi ra cũng đạt chứng nhận ASC để đến được bất cứ thị trường khó tính nào.

Năm 2018, khi HTX thành lập, ông Lê Văn Mưa, Giám đốc đã phải đi vận động từng người dân tham gia nhưng cũng chỉ được 15 thành viên. Chỉ sau 1 năm, khi lúa được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn 700 đồng/kg, còn năng suất tôm cũng đạt cao hơn thì đã có rất nhiều người dân liên kết cùng làm mô hình với HTX.

Đến nay ngoài 50 ha lúa – tôm đạt chứng nhận hữu cơ, HTX còn có gần 800 ha đất sản xuất liên kết của hơn 400 hộ dân. Năng suất tôm sú của HTX đạt khoảng 350 kg, lúa đạt 4,7 tấn, tôm càng khoảng 350kg/ha/năm; cùng với các nguồn thu từ con cá, cua giúp nông dân tăng lợi nhuận gấp hơn 2 lần so với khi chưa làm quy trình trồng lúa hữu cơ, nuôi tôm sinh thái.

Dự án “Phát triển sản xuất lúa - tôm có trách nhiệm” được Công ty TNHH Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú thực hiện thí điểm thành công cũng tại HTX Dịch vụ - Sản xuất lúa tôm Trí Lực. Dự án không chỉ giúp người dân tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích mà còn hướng người dân tạo ra sản phẩm sạch, có trách nhiệm với sức khỏe người tiêu dùng, có trách nhiệm bảo vệ môi trường.

“Làm lúa hữu cơ thì phải theo quy trình. Ban đầu làm thì bà con cũng gặp những bỡ ngỡ nhưng sau đó bà con nắm và hiểu được vấn đề, canh tác lúa hữu cơ lợi nhuận cao hơn và có môi trường sạch. Làm lúa hữu cơ thì không lạm dụng các chất hóa học, đồng thời tạo ra sản phẩm sạch đưa ra thị trường, người dân yên tâm sử dụng” - ông Lê Văn Mưa, Giám đốc HTX chia sẻ.

Góp phần xây dựng thương hiệu tôm Việt

Người dân huyện Thới Bình từ chuyên trồng mía đến chuyển làm lúa - tôm, rồi tập tành theo hướng sạch đến đạt chuẩn hữu cơ, sinh thái là cả một quá trình. Kết quả đó đến từ chủ trương cho chuyển đổi nuôi tôm từ năm 2015, rồi việc đưa quy trình, kỹ thuật nuôi bài bản đến người dân và tổ chức liên kết cùng doanh nghiệp để nâng cao giá trị cũng như năng suất con tôm, cây lúa.

Huyện Thới Bình hiện có hơn 500 ha lúa - tôm đạt các chứng nhận sinh thái. Trong 10 năm tới, tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu có khoảng 30.000 ha lúa - tôm đạt một trong các chứng sạch, sinh thái của các tổ chức uy tín nước ngoài, trong đó chủ yếu tập trung ở Thới Bình.

Ngoài mô hình lúa - tôm, tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi tôm dưới tán rừng rất lớn. Đây chính là diện tích nuôi tôm tạo ra sản phẩm tôm sú chất lượng, góp phần xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam có tiếng trên thế giới. Bao đời nay, người dân các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn… gắn bó với nghề nuôi tôm dưới tán rừng. Hiện họ vẫn đảm bảo diện tích rừng 60%, diện tích nuôi tôm 40%, khác biệt là bà con nuôi theo hướng cải tiến.

Ông Nguyễn Văn Tiền (ở xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển) cho biết, trước đây bà con mua giống về thả đại xuống được con nào bắt con đó, thì nay cải tạo ao nuôi theo một quy trình, có thời gian phơi đầm, rải vôi khử khuẩn để đảm bảo môi trường nuôi; con giống mua về được khoanh ươm rồi mới thả ra môi trường tự nhiên nên lớn nhanh hơn, tránh thất thoát.

“Khi thả giống không thả dưới đáy mương mà thả trên phần trảng thì ít hao hụt hơn. Sau khi thả khoảng 14 ngày sau mới dỡ mành chủ, bung ra. Con tôm đã lớn, dài hơn 2 phân rồi, đạt yêu cầu rồi mình mới bung ra vuông cho nó đi kiếm thức ăn” - ông Nguyễn Văn Tiền nói.

Ông Nguyễn Văn Tiền và người dân địa phương vẫn đang nuôi tôm để phát triển kinh tế nhưng họ còn biết rằng, duy trì những tán rừng là để bảo vệ lá phổi xanh, tạo giá trị cho cộng đồng. Đặc biệt, khi thực hiện mô hình nuôi tôm sinh thái người dân còn được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn thị trường khoảng 5%.

Riêng tại huyện Ngọc Hiển đã có khoảng 21.000/57.000 ha nuôi tôm dưới tán rừng được các tổ chức quốc tế công nhận chứng nhận sạch, sinh thái. Hiện đang có 9.000 ha đang được xem xét công nhận và trở thành vùng nguyên liệu chất lượng để giúp các doanh nghiệp xuất khẩu đến những thị trường khó tính nhất trên thế giới.

Ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển cho biết, thời gian qua, việc hỗ trợ vốn tín dụng để người dân phát triển nghề nuôi tôm được huyện quan tâm, riêng năm 2023 đã giải ngân hơn 24 tỷ đồng. Trong nuôi tôm sinh thái, vấn đề lớn nhất là làm sao thay đổi tập quán, thói quen sản xuất, các cơ quan chức năng huyện đang tiếp tục tăng cường tập huấn cho người dân.

“Để nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng đạt năng suất và chất lượng, huyện đã chỉ đạo xây dựng sổ tay hướng dẫn cho người dân thực hiện quy trình nuôi tôm 2 giai đoạn. Huyện đã tiến hành hướng dẫn, tập huấn cho hầu hết hộ dân nuôi tôm trên địa bàn. Cơ quan chức năng cũng thực hiện các mô hình điểm trên địa bàn tất cả các xã, thị trấn và mang lại hiệu quả rất là cao. Có những mô hình, người dân xổ con nước thu vài chục triệu, một đêm thu được cả trăm kg tôm sú” - ông Trần Hoàng Lạc nói.

 Năm 2022, sản lượng tôm nuôi của tỉnh đạt hơn 200.000 tấn. Giá trị xuất khẩu tôm của Cà Mau những năm gần đây đều đạt khoảng 1 tỷ USD/năm. Sản phẩm tôm của vùng đất “Tận cùng Tổ quốc” này đang được xuất khẩu ra hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ngành cà phê và ngành tôm
Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ngành cà phê và ngành tôm

VOV.VN - Văn phòng Chính phủ vừa ban hành công văn 9626/VPCP-NN ngày 8/12/2023 gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về phát triển ngành cà phê và phát triển ngành tôm trong thời gian tới.

Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ngành cà phê và ngành tôm

Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ngành cà phê và ngành tôm

VOV.VN - Văn phòng Chính phủ vừa ban hành công văn 9626/VPCP-NN ngày 8/12/2023 gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về phát triển ngành cà phê và phát triển ngành tôm trong thời gian tới.

Dự báo, giá tôm xuất khẩu sẽ tăng dịp lễ Giáng sinh và Tết Nguyên đán
Dự báo, giá tôm xuất khẩu sẽ tăng dịp lễ Giáng sinh và Tết Nguyên đán

VOV.VN - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua 11 tháng, xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường ước đạt 3,15 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dự báo, giá tôm xuất khẩu sẽ tăng dịp lễ Giáng sinh và Tết Nguyên đán

Dự báo, giá tôm xuất khẩu sẽ tăng dịp lễ Giáng sinh và Tết Nguyên đán

VOV.VN - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua 11 tháng, xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường ước đạt 3,15 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cà Mau sẵn sàng đón lễ hội tôm
Cà Mau sẵn sàng đón lễ hội tôm

VOV.VN - Lễ hội tôm sắp diễn ra, nắm bắt nhu cầu khách đến Cà Mau tăng mạnh, các điểm du lịch ở địa phương, các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau cũng đang hoàn tất những phần việc cuối cùng để lễ hội diễn ra.

Cà Mau sẵn sàng đón lễ hội tôm

Cà Mau sẵn sàng đón lễ hội tôm

VOV.VN - Lễ hội tôm sắp diễn ra, nắm bắt nhu cầu khách đến Cà Mau tăng mạnh, các điểm du lịch ở địa phương, các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau cũng đang hoàn tất những phần việc cuối cùng để lễ hội diễn ra.