BOO thu phí tự động ETC: "Không nên áp đặt cứng nhắc"
VOV.VN - Hãy để cho nhà đầu tư BOT và nhà đầu tư BOO tự thỏa thuận, có sự giám sát của các cơ quan Nhà nước. “Thuận mua vừa bán sẽ tạo sự gắn kết phối hợp công việc hiệu quả, không nên áp đặt cứng nhắc”.
Đó là là khẳng định của một số chuyên gia giao thông, nhà kinh tế khi nói về việc triển khai thu phí tự động không dừng ETC hiện nay.
Theo các chuyên gia, có đẩy nhanh được thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí BOT sẽ giúp minh bạch hóa nguồn thu và tiết kiệm thời gian thu phí và chi phí khác và giảm ùn tắc giao thông mỗi khi xe qua trạm thu phí.
Đó cũng là mục tiêu hướng đến của một chủ trương đúng đắn của Chính phủ, nhằm mang lại sự tiện lợi hơn cho người dùng. Nhưng điểm nghẽn của việc triển khai thu phí ETC liên tục “vỡ” tiến độ bởi cách tổ chức triển khai chưa tốt, còn thiếu cơ sở và tính nhất quán nên khó thực hiện cần sớm được tháo gỡ.
Cơ quan Nhà nước giám sát thực hiện, không nên áp đặt…
Sau khi có chỉ đạo quyết liệt của Bộ GTVT và đặc biệt là các yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về đẩy nhanh việc triển khai thu phí tự động không dừng tại tất cả các trạm BOT giao thông trên toàn quốc. Biện pháp mạnh nhất mà người đứng đầu Chính phủ yêu cầu là sẽ buộc dừng thu phí đối với các trạm có tình chây ì không triển khai.
Với hàng loạt biện pháp mạnh được áp dụng, các trạm thu phí trên các tuyến Quốc lộ và các tuyến đường khác đều đã và đang sẵn sàng lắp đặt, đảm bảo tối thiểu các làn thu phí tự động không dừng ETC đầu tư theo lộ trình phù hợp nhu cầu và lưu lượng thực tế, điều đó thể hiện sự ủng hộ của nhà đầu tư đối với chủ trương này.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các nhà đầu tư BOT đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, từ các bất cập trong thực tế triển khai các dự án hạ tầng giao thông đầu tư theo phương thức PPP như: không được tăng phí theo lộ trình trong hợp đồng đã ký kết, nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ không được giải ngân đủ, lưu lượng phương tiện hụt giảm so với dự báo… đã và đang để lại những hậu quả hết sức nặng nề và đến nay vẫn chưa thể giải quyết. Thì việc các dự án BOT phải trích từ 5 - 7% doanh thu cho nhà cung cấp dịch vụ ETC được nhiều nhà đầu tư cho rằng thiếu cơ sở và “vô lý”, trút thêm áp lực và gánh nặng cho nhà đầu tư.
Việc thiếu cơ sở và vô lý còn ở chỗ quy mô làn thu phí và doanh thu thu phí một số trạm như nhau nhưng có nhà cung cấp dịch vụ thì đàm phán mức phí theo thị trường (khoảng 2-3% doanh thu trước thuế), nhưng cũng có nhà cung cấp dịch vụ yêu cầu mức phí từ 5-7% doanh thu sau thuế với lý do mức phí được ký hợp đồng triển khai dịch vụ với Bộ GTVT tại các trạm là như vậy.
Bên cạnh đó, có nhà cung cấp dịch vụ ETC cho các nhà đầu tư BOT được lựa chọn hình thức thực hiện là có thể chủ động xây dựng hệ thống (Front-End) và chỉ cần thuê kết nối (Back-End). Nhưng cũng có nhà cung cấp dịch vụ ETC thì yêu cầu nhà đầu tư BOT phải bàn giao lại toàn bộ trạm thu phí để quản lý vận hành.
Thu phí không dừng là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, nhằm hướng đến sự tiện lợi hơn cho người dùng, giảm tắc nghẽn giao thông.
Hợp đồng dịch vụ là sự thoả thuận giữa các bên, và trong trường hợp này nhà đầu tư BOT cần được quyền lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ phù hợp với chủ trương, hợp lý về giá sử dụng dịch vụ. Do đó, nếu Bộ GTVT yêu cầu nhà đầu tư BOT phải ký hợp đồng trực tiếp với các nhà cung cấp dịch vụ cụ thể được chỉ định, thì dẫn đến các vướng mắc không thể thống nhất được, trong khi nhà đầu tư BOT có toàn quyền chào mức phí thấp hơn để lựa chọn nhà cung cấp.
Thực hiện nguyên tắc cung-cầu “thuận mua, vừa bán”
Từ câu chuyện ETC soi chiếu 5 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông đầu tư theo phương thức PPP, ngoài kết quả sơ bộ đánh giá về hồ sơ đề xuất kỹ thuật thì nhà đầu tư có giá gói thầu (mức vốn góp nhà nước) thấp nhất sẽ được xem xét phê duyệt trúng thầu. Như vậy, đối với phụ lục hợp đồng giữa đơn vị cung cấp dịch vụ ETC và nhà đầu tư BOT, hiện nay, mức trích thu phí là chính là điều khoản gây tranh cãi, song kinh tế thị trường bắt buộc phải có điều khoản thỏa thuận này. Mức trích thu phí không thể áp đặt mà phải có hướng dẫn cũng như sự thương thảo, thỏa thuận giữa hai bên.
Thời gian vừa qua, nhận thấy được các bất cập trong việc triển khai thu phí không dừng, trong vai trò Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chủ động phối hợp cùng nhà đầu tư dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, phê duyệt tiêu chí lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng trên các tuyến do địa phương quản lý.
Đáng chú ý, tiêu chí tiên quyết đưa ra để lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ ETC là mức phí dịch vụ đề xuất (tỷ lệ % trên doanh thu) với giá thấp nhất và đảm bảo tiến độ lắp đặt thiết bị, kết nối hoàn thành trước ngày 31/12/2020.
Cụ thể, ở dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, Ban quản lý đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn đã mời Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (Công ty VETC) và Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam (Công ty VDTC) tham gia nộp hồ sơ đề xuất cung cấp dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức tự động không dừng trên tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn. Kết quả, Công ty VETC và Công ty VDTC đã tham gia nộp thầu và cùng chào mức phí dịch vụ đề xuất là 2% doanh thu toàn trạm cao tốc (không bao gồm thuế VAT), buộc Ban quản lý đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn phải đề nghị hai đơn vị này chào lại giá.
Để “dành được khách” và “bán được hàng” buộc các bên phải đưa ra sự cạnh tranh về giá, hậu mãi khi sử dụng dịch vụ. Trong cuộc đua này, VETC đề nghị lại mức phí là 1.8% còn VDTC vẫn giữ nguyên mức 2% nhưng kèm theo ưu đãi miễn giảm phí cung cấp dịch vụ trong thời gian 90 ngày (kể từ ngày chính thức đưa dịch vụ vào sử dụng).
Dù chưa biết đơn vị nào sẽ được chọn, nhưng với cách làm minh bạch, không độc quyền, có sự cạnh tranh nhau rõ ràng giữa các nhà cung ứng dịch vụ và khi nhà đầu tư BOT có sự lựa chọn thì chắc chắn việc triển khai thu phí không dừng sẽ “thông”.
Chuyên gia nói cần tháo gỡ 3 “điểm nghẽn”
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Đức, chuyên giao thông khẳng định, việc thu phí tự động tại các trạm thu phí BOT sẽ giúp minh bạch hóa nguồn thu và tiết kiệm thời gian thu phí.
“Tôi cho rằng về mặt chủ trương việc thu phí BOT không dừng là rất đúng. Điều này sẽ giúp minh bạch hoá nguồn thu và tiết kiệm được thời gian, nhiên liệu cũng như bảo vệ môi trường”, ông Đức nói.
Tuy nhiên, ông Đức nêu ra một số bất cập hiện cần sớm tháo gỡ tạo sự đồng thuận, từ đó đẩy nhanh thu phí tự động không dừng.
Về lâu dài tránh gây phiền hà cho phương tiện lưu thông cần đồng nhất loại đầu đọc thẻ ETC, tránh mỗi nơi mỗi kiểu.
“Trong thực tế việc mỗi trạm sử dụng một loại thẻ khác nhau sẽ biến lợi ích của việc thu phí BOT bằng thẻ thành sự phiền hà cho phương tiện lưu thông khi họ phải dùng quá nhiều thẻ”, ông Đức nói.
Thứ nữa, để cho nhà đầu tư BOT và nhà đầu tư BOO tự thỏa thuận, có sự giám sát của các cơ quan chuyên môn. “Thuận mua vừa bán sẽ tạo sự gắn kết phối hợp công việc hiệu quả, không nên áp đặt cứng nhắc”.
Quan trọng nữa là liên thông thẻ ETC với tất cả các ngân hàng, miễn trong tài khoản ngân hàng có tiền.
“Tính đến phương án cho trả sau như cước điện thoại thông thường, vì chúng ta có nhiều cơ chế giám sát, hậu thu mà chủ xe không thể chây ì không nộp được. Ví như có thể truy thu phí khi đăng kiểm xe, kiểm tra tài khoản đăng ký tại ngân hàng và trừ tiền...”, TS Nguyễn Hữu Đức nói./.