BRICS 2014 với cơ chế tài chính và tham vấn
VOV.VN - Cơ chế tài chính và tham vấn của BRICS đã được hình thành và sẽ đi vào hoạt động vào năm 2016.
Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), gồm 5 nước: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, đã tiến hành Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 6 tại Brazil trong hai ngày 15-16/7.
Thành lập Ngân hàng và quỹ dự trữ
Tại Hội nghị lần thứ 6 này, các nhà lãnh đạo của Nhóm đã ký kết thỏa thuận thành lập “Ngân hàng Phát triển mới” (NDB) có vốn hoạt động lên đến 50 tỷ USD, với tỷ lệ góp vốn chia đều cho mỗi thành viên (10 tỷ USD/nước).
Ban đầu, mỗi nước chỉ góp 10 tỷ USD tiền mặt trong vòng 7 năm và cung cấp bảo lãnh giá trị 40 tỷ USD, theo thời gian tổng số vốn của Ngân hàng này sẽ đạt khoảng 100 tỷ USD, NDB sẽ bắt đầu cho vay kể từ năm 2016 và để ngỏ cho các quốc gia thành viên LHQ có thể tham gia, nhưng BRICS vẫn luôn bảo đảm giữ mức trên 55% vốn.
Dự án thành lập NDB và một quỹ tiền tệ đủ mạnh để cạnh tranh với WB và IMF đã được đưa ra từ Hội nghị thượng đỉnh tháng 3/2013. Vì thế, việc thành lập NDB được xem là biểu tượng ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh của BRICS. Trụ sở của NDB sẽ đặt ở Thượng Hải (Trung Quốc). Chủ tịch đầu tiên của NDB sẽ là một người Ấn Độ và sẽ có chi nhánh ở một số nước thành viên.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, quyết định thành lập NDB đã “xác nhận rằng, các quốc gia thành viên BRICS, trong khi đang nói về các hành động đơn phương trong nền kinh tế và chính trị thế giới, không tìm kiếm sự đối đầu nhưng đề xuất cách thức tiếp cận tập thể đối với việc giải quyết bất kỳ vấn đề nào”.
Một quỹ dự trữ chung cũng được thành lập với quy mô ban đầu là 100 tỷ USD. Trong đó Trung Quốc đóng góp phần lớn nhất (41 tỷ USD); Nam Phi đóng góp phần nhỏ nhất (5 tỷ USD), còn Brasil, Ấn Độ, Nga mỗi nước đóng góp 18 tỷ USD.
Quỹ dự trữ nhằm bảo vệ các nền kinh tế BRICS trước biến động của thị trường với số vốn ban đầu là 100 tỷ USD. Mục tiêu của quỹ không nhằm đối phó với các tình huống hiện nay, mà giúp các nước trong Nhóm cân đối lại cán cân thanh toán quốc tế giữ vững giá trị đồng nội tệ, tăng cường và thúc đẩy niềm tin của thị trường và các nhà đầu tư.
Quỹ dự trữ cũng giúp hóa giải nguy cơ rút vốn khỏi các thị trường mới nổi của các nhà đầu tư trên thế giới trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ, EU, Nhật Bản khôi phục dần đà tăng trưởng, đồng tiền của các nước đang phát triển có thể bị mất giá… “Dựa vào các nguyên tắc trong lĩnh vực ngân hàng, NDB thúc đẩy sự hợp tác giữa các nước trong khối và sẽ bổ sung cho các nỗ lực của những thể chế tài chính khu vực và đa phương đối với sự phát triển toàn cầu”.
Giám đốc chi nhánh châu Âu của hãng nghiên cứu và tư vấn IHS Charles Movit nhận xét: “Đây sẽ là sự hình thành bước đầu một thế giới tài chính đa cực phản ánh một không gian địa chính trị đa cực mà ông Putin mong muốn”.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, việc thành lập NDB sẽ cho phép các nước thành viên BRICS có nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng và công cụ tín dụng để hỗ trợ lẫn nhau chống lại các cuộc khủng hoảng kinh tế nếu nó xẩy ra. Đây là một bước tiến quan trọng về thể chế liên kết, có thể nhờ đó mà gia tăng tiềm lực và sức mạnh của Nhóm BRICS.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia tài chính, quỹ BRICS chỉ có thể hoạt động sau khi Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn. Thủ tục này có thể sẽ cần nhiều thời gian. Thậm chí, có thể xẩy ra tình huống các ngân hàng trung ương các nước không sẵn sàng bỏ tiền góp quỹ do quan ngại rủi ro ở thời điểm nhạy cảm, giới đầu tư đang rút vốn khỏi các quốc gia đang phát triển với nhiều lý do, trong đó có cả lý do chính trị.
Mặt khác, với số vốn 100 tỷ USD, chiếm 2,2% trong tổng số 4.300 tỷ USD dự trữ ngoại hối của khối BRICS được cho là chưa đủ lớn để biến các mục tiêu của quỹ thành hiện thực.
Các nhà phân tích cũng cho rằng, phải có ít nhất hai đồng nội tệ (NDT của Trung Quốc và Rub của Nga) có trọng lượng hơn trong thanh toán quốc tế thì quỹ BRICS mới phát huy tác dụng.
Trong khi đó, Reuters lại có nhận định: “Trung Quốc đang đối mặt với sự nghi ngờ sâu sắc về động cơ của mình, đồng thời BRICS đã nghi ngại Trung Quốc có thể chiếm đoạt ngân hàng dự trữ mới để phục vụ lợi ích riêng của họ”.
Tuy nhiên, BRICS là nhóm đại diện cho thị trường đang tăng trưởng lớn nhất chiếm 44% dân số thế giới, GDP tăng gấp 4 lần trong 10 năm, nay chiếm 25% GDP toàn cầu; tổng kim ngạch thương mại tăng gấp hai lần trong 5 năm nay chiếm 15% và đạt mức hơn 300 tỷ USD, nên việc hình thành cơ chế tài chính của Nhóm là một bước liên kết kinh tế quan trọng đáng ghi nhận.
Tham vấn và phối hợp hành động
Lãnh đạo các nước BRICS đã nhất trí mở rộng các trao đổi tham vấn và phối hợp hành động tại các tổ chức quốc tế, trước hết là LHQ và khẳng định không có ý định thành lập một liên minh chính trị - quân sự trên cơ sở BRICS, nhưng nhấn mạnh, các nước thành viên BRICS đều có ý định tăng cường yếu tố chính trị trong hợp tác.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga Putin cũng cho biết trong dài hạn, các quốc gia thành viên có kế hoạch thành lập một ban thư ký BRICS chính thức và hướng tới việc nâng vai trò của tổ chức này lên tầm cao mới.
Trước thềm Hội nghị, ông Putin còn đề nghị các nước trong Nhóm cùng chống lại “cuộc truy kích” của Mỹ và phương Tây đối với các quốc gia không có chung quan điểm với họ.
Ông Putin cho biết, Nga đang phải chịu “cuộc tấn công” trừng phạt từ phía Mỹ và các đồng minh của họ do lập trường của Nga trong vấn đề Ukraina. Rằng Moscow biết ơn các nước BRICS đã lên án hành động đó dưới nhiều hình thức khác nhau. Và theo ông, cần phải rút ra kết luận cụ thể từ những gì đang xảy ra.
Nhà chính trị học Nga Denis Tyurin, Giám đốc Câu lạc bộ kinh doanh của SCO, nói: “Nhiều chuyên gia từ các nước khác nhau đã dự đoán rằng, trong chương trình nghị sự của BRICS sẽ xuất hiện những chủ đề chính trị”. BRICS cũng bắt đầu nhận thức rõ rằng, chỉ khi thống nhất nỗ lực trong lĩnh vực chính trị mới có thể đạt được những kết quả ấn tượng trong lĩnh vực kinh tế”.
Theo giới phân tích dự đoán, các nhà lãnh đạo BRICS có thể thành lập các cơ chế phân tích hoạt động thường xuyên giống như các cơ chế tương tự đang hoạt động trong khuôn khổ SCO. Mục đích chính là thảo ra và phối hợp đường lối chính trị chung trong những tình huống khủng hoảng toàn cầu.
Cơ chế tham vấn sẽ giúp các nước BRICS đạt lập trường chung và cùng nhau góp phần giải quyết tình huống khủng hoảng bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao, nhằm bảo vệ vững chắc nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, quyền con người và quyền tự do, nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác.
Trong khi Tổng thống Putin nhấn mạnh vai trò của Nga và Trung Quốc rằng: “Nếu không có quan điểm mang tính nguyên tắc của Nga và Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an LHQ về Syria thì nước này đã đi theo kịch bản Libya và Iraq từ lâu rồi”, Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình cũng tuyên bố Bắc Kinh sẽ “làm tốt hơn vai trò của một cường quốc có trách nhiệm và đẩy mạnh quyền nêu ý kiến của các nước đang phát triển” trong các vấn đề quốc tế.
Tổng thống nước chủ nhà (Brazil) Dilma Rousseff cho biết lãnh đạo Nhóm BRICS đều bày tỏ quan ngại trước thực tế bất chấp nỗ lực của cộng đồng quốc tế, tình hình tại các điểm nóng trên thế giới đều không ghi nhận những tiến triển cụ thể và kêu gọi cộng đồng quốc tế đóng vai trò xây dựng và gắn kết trong hỗ trợ tìm giải pháp chấp nhận được cho các bên, vì lợi ích đa số, tránh tình trạng hậu thuẫn đơn phương chỉ phục vụ lợi ích của một số nước.
Đồng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách tại Washington Mark Weisbrot nói: “Nhóm BRICS đã thể hiện khá rõ ràng sự phản đối của họ trước các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU chống lại Nga”. Rằng “cuộc khủng hoảng Ukraine cũng đã mang lại cho các nước thành viên BRICS cơ hội thể hiện sự phản đối của mình trước cách thức các cường quốc phương Tây chi phối vũ đài quốc tế”.
Giáo sư quan hệ quốc tế tại Quỹ Getulio Vargas của Brazil Oliver Stuenkel nhận xét: “Việc BRICS tổ chức hội nghị thượng đỉnh cho thấy phương Tây không còn khả năng khiến các cường quốc mới nổi làm theo mình được nữa, ngay cả trong các vấn đề địa chính trị quan trọng. Các nước này đã từ chối tham gia các nỗ lực cô lập Nga”.
Giáo sư Stuenkel cũng cho rằng việc loại bỏ Nga khỏi nhóm các nước phát triển và đang nổi G20 là điều không thể làm được vì Nga nhận được sự ủng hộ của BRICS.
Như vậy, sự ra đời của cơ chế tài chính của BRICS đã ghi nhận bước tiến quan trọng mang tính đột phá trên thị trường tài chính toàn cầu. Tuy còn những ý kiến khác nhau về sự vận hành của cơ chế này, hiệu quả thực sự của nó vẫn còn đang ở phía trước, nhưng với việc quan hệ hợp tác sâu hơn, rộng hơn, bao gồm cả cơ chế tham vấn chính trị trong Nhóm đã khiến BRICS ngày càng khẳng định được vị thế, vai trò thực tế của mình trong nền kinh tế - chính trị toàn cầu, hướng tới một thế giới đa cực, cân bằng hơn và dân chủ hơn./.