Buôn lậu nghiêm trọng- trách nhiệm của Bộ Công Thương
(VOV) - Lời hứa của Bộ trưởng là tạo được một bước chuyển biến tích cực trong năm 2013 trong phòng chống, buôn lậu
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng sau khi nghe chất vấn của đại biểu Quốc hội và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Công Thương về tình hình buôn lậu thời gian qua đã nêu quan điểm như vậy.
“Nhập lậu nội tạng gà, vịt, trứng… mất an toàn thực phẩm. Nhập lậu cả điện thoại di động, xăng, dầu, tạm nhập, tái xuất. Tình hình buôn lậu nghiêm trọng, đây là trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công Thương, quản lý thị trường và của các địa phương trong cả nước” – Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng sẽ trình Chính phủ đề án triển khai tích cực, quyết liệt hơn và sang năm là cần có chuyển biến về vấn đề này. Tỷ lệ nhập siêu giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ được cải thiện, hàng lậu từ sẽ giảm.
Nhức nhối buôn lậu
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn trước Quốc hội |
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) dẫn lời của một cá nhân chuyên buôn điện thoại: chỉ riêng một cửa khẩu Móng Cái, mỗi ngày ước có khoảng 20.000 chiếc điện thoại di động thẩm lậu vào Việt Nam. Cũng theo một chủ cửa hàng chuyên buôn hàng Trung Quốc, việc đưa hàng lậu vào Việt Nam quá dễ dàng. Chỉ cần thỏa thuận với cơ sở sản xuất bên Trung Quốc về chủng loại, giá cả hàng hóa, tiền vận chuyển trong đó có cả tiền làm luật khoảng 1,2 triệu đến 1,3 triệu/100kg hàng hóa, hay từ 20.000 - 100.000/chiếc điện thoại là hàng sẽ giao tận tay, nếu bị bắt thì bên vận chuyển hoàn toàn chịu trách nhiệm.
“Việc lưu hành thị trường xăng, dầu bẩn đang hủy hoại phương tiện của người dân. Việc buôn lậu điện thoại di động đang giết chết ngành công nghiệp điện thoại “made in Việt Nam”. Bộ trưởng xác định như thế nào về trách nhiệm của Bộ Công thương khi để tình trạng lũng đoạn như thế và có biện pháp gì để giải quyết tình trạng này? ” – đại biểu chất vấn.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, đây là một ví dụ cụ thể hết sức nhức nhối và cho biết: “Để góp phần ngăn chặn buôn lậu điện thoại di động, giảm nhập siêu, đồng thời bảo vệ sản xuất trong nước và người tiêu dùng, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 20 từ năm 2010. Theo đó, chỉ có 3 cửa khẩu được nhập điện thoại di động”.
Cũng liên quan đến tình hình nhập lậu, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương), phản ánh: tình trạng hoa quả, thực phẩm, gia súc, gia cầm, con giống, cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực phẩm nhập khẩu trái phép vào nước ta… “Với tư cách là tư lệnh ngành, đồng chí cho biết sẽ tham mưu cho Chính phủ và phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để xử lý vấn đề này như thế nào và cử tri mong muốn đồng chí có một lời hứa từ nay đến hết năm 2012 sẽ ngăn chặn tình trạng gà thải loại, tình trạng nội tạng gia súc, gia cầm nhập vào Việt Nam đang diễn ra hiện nay hay không?”
Về vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng: Đây là hiện tượng rất bức xúc, không chỉ ảnh hưởng đến chăn nuôi trong nước mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Bởi vì gà nhập lậu không kiểm soát được về dịch bệnh, nhưng gà không phải là mặt hàng cấm nhập khẩu theo cam kết WTO. Trên thực tế khi chúng ta nhập khẩu gà qua các cửa khẩu được phép, ở đó có lực lượng quản lý thị trường, biên phòng, kiểm dịch động, thực vật. Chúng ta có thể đảm bảo được gà nhập vào Việt Nam không mang các mầm dịch bệnh, nếu phát hiện đã có biện pháp khu trú để xử lý.
“Gà chúng ta đang nói ở đây là gà nhập qua các đường mòn, lối mở thì việc kiểm soát rất khó và nó diễn biến trong thời gian tương đối dài. Chúng tôi đã hoàn thành đề án kiểm soát gà nhập lậu trình lên Chính phủ để phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn để triển khai mạnh mẽ, nhất là dịp lễ tết Nguyên đán, tết cuối năm” – Bộ trưởng cho biết.
Năm 2013 phải tạo chuyển biến tích cực
Trả lời về trách nhiệm của Bộ Công Thương đối với tình hình buôn lậu diễn biến phức tạp như hiện nay, Bộ trưởng cho rằng, dù đã hết sức cố gắng nhưng cũng còn có nhiều bất cập và hạn chế trong vấn đề quản lý thị trường. Vì thế là một trong những nguyên nhân dẫn đến hàng kém chất lượng, hàng giả và hàng độc hại vẫn còn lưu thông trên thị trường.
Theo Bộ trưởng, nếu chúng ta nhập khẩu qua con đường chính ngạch, thông qua các cửa khẩu có đầy đủ các cơ quan chức năng là hải quan, kiểm dịch, bộ đội biên phòng thì có thể ngăn chặn được những hàng độc hại, hàng kém chất lượng xâm nhập vào thị trường trong nước. Tuy nhiên, phần nhiều qua điều tra, khảo sát những hàng hóa này xâm nhập được vào thị trường là qua con đường buôn lậu, qua những đường mòn, lối mở trải rộng trên biên giới đường bộ và đường thủy mà chúng ta chưa có điều kiện kiểm soát được hết.
“Vấn đề sắp tới phải làm như thế nào để tăng cường khâu kiểm tra, kiểm soát vấn đề nhập khẩu. Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống buôn lậu hàng giả (Ban 127 Trung ương). Ở các địa phương cũng có các ban Chỉ đạo 127 do các đồng chí Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch trực tiếp làm trưởng ban.
Đánh giá về chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo 127 các cấp, Bộ trưởng cho rằng, mặc dù đã có cố gắng, nhưng vẫn còn có hạn chế, nhất trên tuyến biên giới rộng.
“Tôi nghĩ rằng với những biện pháp chúng ta đã làm vừa qua chưa đủ. Bởi vì trong tổng kết hàng năm về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại thì Ban chỉ đạo 127 Trung ương vẫn thừa nhận rằng ở chỗ này, chỗ kia phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ. Đấy là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này” – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng, việc xử lý những hành vi vi phạm có nhiều trường hợp chưa đủ sức răn đe, cho nên việc tái phạm vẫn diễn ra ngày càng nhiều; điều kiện thực thi công vụ bằng lực lượng, bằng công cụ thì còn có bất cập, phương tiện còn thiếu, yếu.
“Đây chính là những hạn chế, đồng thời cũng là những hướng mà trong thời gian tới đây, chúng ta phải tập trung giải quyết, khắc phục. Lực lượng quản lý thị trường của chúng tôi cần phải đi đầu trong vấn đề này. Đấy là trách nhiệm của Bộ Công Thương” – Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng lưu ý đến thái độ của người tiêu dùng. Nếu chúng ta kiên quyết nói không với hàng kém chất lượng, không góp phần tiêu thụ những sản phẩm này cũng là sự góp sức vào cuộc chiến hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng độc hại.
“Gút” lại phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: Bộ Công Thương cần có các giải pháp đối với quản lý thị trường, kiểm soát nhập khẩu chặt chẽ, hạn chế nhập siêu chống buôn lậu, chống nhập hàng lậu và tạo được một bước chuyển biến tích cực trong năm 2013. Có thể nói tình trạng buôn lậu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh trong nước, ảnh hưởng đến chất lượng của sản xuất, chất lượng cuộc sống rất nghiêm trọng.
“Đây là trách nhiệm chung của Chính phủ, của các địa phương, Bộ trưởng Bộ Công Thương chịu trách nhiệm chính về quản lý thị trường. Lời hứa của Bộ trưởng là tạo được một bước chuyển biến tích cực trong năm 2013”./.