Cà phê Việt Nam: Cần cơ chế mua tạm trữ như lúa gạo?
(VOV) - Cà phê Việt Nam chiếm gần 30% khối lượng cà phê giao dịch toàn cầu, nhưng giá trị kim ngạch mới chỉ chiếm 10%.
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, năm 2012 là năm thành công của ngành cà phê. Cả nước ước xuất khẩu đạt 1,7 triệu tấn, trị giá hơn 3,4 tỷ USD, đứng đầu về lượng xuất khẩu.
Tận dụng lợi thế của cà phê Việt Nam
Theo ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, lợi thế của ngành cà phê nước ta ngoài yếu tố về đất đai, khí hậu, năng suất, lợi thế so sánh còn ở chỗ có chất lượng cao, cà phê Robusta của chúng ta tạo được hương vị rất tự nhiên. Về giá cả, dù chúng ta bán giá thấp hơn một số nước nhưng trong 3 năm nay có sự ổn định, tạo vị thế thị trường cho các nhà rang xay, nhập khẩu.
Cà phê Việt Nam chiếm gần 30% khối lượng cà phê giao dịch toàn cầu.(Ảnh: Bloomberg) |
Ông Vinh cho biết, theo dự báo hiện nay, đối với cà phê Robusta, dùng pha trộn và chế biến cà phê hoà tan nếu so với tỷ lệ cà phê Arabica thì trước đây là 30% - 70%, nay là 40%-60%. Đây cũng là thuận lợi cho ngành cà phê Việt Nam tiếp tục phát triển.
Ý thức rõ tính cạnh tranh
Tổng kết niên vụ cà phê 2011-2012, tỷ lệ về tổng lượng cà phê xuất khẩu giữa doanh nghiệp FDI so với doanh nghiệp trong nước cho đến 3 tháng đầu niên vụ này, nếu trước đây là 70-30 thì hiện 50-50, do cách thức mua bán đã thay đổi.
Theo ông Nguyễn Viết Vinh, doanh nghiệp FDI cũng là doanh nghiệp tham gia đóng góp quá trình sản xuất, chế biến xuất khẩu, hiện Hiệp hội đề xuất các doanh nghiệp trong nước có thể cùng phối hợp với doanh nghiệp FDI thông qua liên kết qua chuỗi giá trị, "Tôi cho đây là bước chuyển mới trong hợp tác doanh nghiệp, ổn định vấn đề thu mua cho người dân, trong đó có vai trò rất quan trọng của các doanh nghiệp mạnh như Trung Nguyên, Vinacafe thậm chí các doanh nghiệp tư nhân" - ông Vinh nói.
Ông Vinh cho rằng, một số nước như Indonesia họ có rất nhiều chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp hợp tác với nhau về tài chính, trao đổi thông tin, nắm tình hình thị trường, điều tiết thị trường… Hiện ở Việt Nam, doanh nghiệp tham gia ngành hàng cà phê cũng rất đa dạng, có nhiều loại doanh nghiệp vừa sản xuất, chế biến, xuất khẩu hoặc chỉ tập trung vào 1 khâu, vì vậy cần phải có sự hợp tác để tăng chuỗi giá trị cho cà phê.
Ông Y Dhăm Ênuôl – Phó Chủ tích thường trực UBND tỉnh Đăk Lăk cho biết, 90% doanh nghiệp ngành hàng cà phê là nhỏ và vừa, hoàn toàn phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, với mức lãi suất hiện khoảng 11 - 12%, doanh nghiệp nước ngoài chỉ 3%.
“Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần nên chăng chúng ta đã có chính sách mua tạm trữ cà phê lâu dài như đối với gạo ở ĐBSCL? Mấu chốt của vấn đề làm làm sao có cơ chế thích đáng đối với cây cà phê để giúp doanh nghiệp chúng ta trụ vững, phát triển, nếu không một lúc nào đó doanh nghiệp FDI sẽ chiếm thị phần toàn bộ” – Ông Y Dhăm Ênuôl chia sẻ.
Đứng dưới góc độ doanh nghiệp, ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch HĐQT - TGĐ Công ty CP Trung Nguyên cho rằng, doanh nghiệp cà phê của chúng ta chỉ ở quy mô nhỏ và vừa, nếu “đánh” với những doanh nghiệp đa quốc gia, hùng mạnh, với đầu vào tài chính như vậy, thì làm sao chúng ta thắng được nếu chúng ta không thiết kế được cuộc chơi của mình (đương nhiên chúng ta vẫn phải tuân thủ quy định của WTO) những có rất nhiều đoạn chúng ta làm được.
“Trong cuộc chơi của cà phê Việt Nam không thể không có những doanh nghiệp nước ngoài nhưng nếu chúng ta không hợp tác mà dần dần để họ kiểm soát được thì từ phần gốc đến phần ngọn thì trong tương lai họ sẽ kiểm soát toàn bộ cuộc chơi. Vì vậy, vấn đề là chúng ta thiết kế chơi trong đoạn nào, ở đâu, và với một ngành cà phê mang lại nhiều tỷ USD thì người Việt mình, doanh nghiệp Việt được hưởng lợi bao nhiêu” – ông Đặng Lê Nguyên Vũ lý giải.
Hướng đến phát triển cà phê bền vững
Quy hoạch mới nhất của Bộ NN&PTNT (ban hành năm 2012), diện tích cà phê Việt Nam đến năm 2020 giữ mức 500.000 ha, năm 2030 là 479.000 ha. Trong khi đó, sản xuất cà phê ở nước ta chủ yếu là quy mô nông hộ, bị chi phối yếu tố giá trị, giá càng tăng bà con trồng càng nhiều.
Theo Ông Trương Hồng - Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, năm 2012 diện tích cà phê của cả nước là 614.000 ha, tăng 20% so với quy hoạch, những diện tích tăng chủ yếu ở Tây Nguyên. Với diện tích cà phê hiện nay, đa phần rơi vào điều kiện đất đai, nguồn nước không phù hợp, yếu tố đầu vào cao hơn, hiệu quả thu nhập hạn chế, ảnh hưởng đến phát triển ngành cà phê bền vững.
Để hướng người nông dân trồng cà phê đạt hiệu quả cao thì phải có sự tham gia của nhà nước trong vấn đề quy hoạch. Ông Hồng cho biết, diện tích cà phê 500.000 ha là đủ, vấn đề là áp dụng công nghệ cao, để nâng cao năng suất, hiện năng suất cà phê trung bình của cả nước là 2,2 tấn/ha có thể nâng lên 3 tấn/ha và phải quản lý tốt quy hoạch.
Một vấn đề lớn đối với cà phê Việt Nam hiện nay là diện tích già cỗi đang tăng, đặt ra sự cần thiết tái canh để đảm bảo sự phát triển bền vững. Ông Trương Hồng cho rằng đây là thực tế mà ngành cà phê Việt Nam đang phải đối mặt, cần tái canh. Tuy nhiên để tái canh thành công, chúng ta không thể nóng vội. Nếu nóng vội tái canh sẽ thất bại, đặc biệt là cần tuân thủ quy trình tái canh của Bộ NN&PTNT.
Còn theo ông Y Dhăm Ênuôl: Cà phê có vai trò quan trọng tới Đắk Lắk, đóng góp 80% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tác động lớn đến kinh tế - xã hội, thậm chí nếu cà phê mất mùa ảnh hưởng đến đảm bảo an ninh quốc phòng. Mục tiêu đến năm 2015, Đắk Lắk phát triển 140.000 – 150.000 ha cà phê. Nhưng hiện nay, diện tích cà phê của Đắk Lắk đã lên tới 200.000 ha, như vậy là không bền vững.
Cùng nhìn nhận về vấn đề này, ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch HĐQT - TGĐ Công ty CP Trung Nguyên cho rằng, chúng ta cần có tầm nhìn, chiến lược quốc gia về phát triển cà phê bền vững. Đắk Lắk có chủ trương xã hội hóa trong phát triển cà phê bền vững với sự tham gia của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, để đạt mục tiêu vào năm 2015. Điều này rất cần sự vào cuộc quyết liệt từ Trung ương đến địa phương./.