Các công ty bán lẻ đối mặt với cáo buộc sử dụng phần mềm lậu

Các nhà chức trách cho rằng việc nhập máy tính “trống” vào Việt Nam là sự thách thức về vi phạm bản quyền

Các công ty bán lẻ đang bán các bản sao lậu của Microsoft và các loại sản phẩm phần mềm khác đang phải đối mặt với áp lực luật pháp ngày càng tăng  trong việc chấm dứt vi phạm luật bản quyền Việt Nam.

Đại diện của Microsoft cho biết: Gần đây hàng loạt các hành động nhằm chống lại các công ty bán lẻ đang bị cáo buộc về việc cài đặt các phiên bản phần mềm lậu vào máy tính mới đã được công bố. Các dòng máy tính của Acer, Lenovo, Dell và Compaq nằm trong số những dòng máy được nhập về Việt Nam “trống” – không cài sẵn các phần mềm – sau đó được các nhà bán lẻ máy tính tải vào các phần mềm lậu.

Tòa án tối cao thành phố Hồ Chí Minh vừa chấp nhận một vụ kiện chống lại công ty bán lẻ máy tính Sáng Tạo ở quận 1 đối với việc vi phạm bản quyền.

Công ty máy tính Sáng Tạo bị cáo buộc đã tải phần mềm lậu của Microsoft vào một máy tính xách tay Compaq mới được mua tại cửa hàng máy tính của họ trên đường Bùi Thị Xuân dù cho đã nhận được thư cảnh báo thường xuyên rằng việc bán ra phần mềm lậu sẽ được xem là hành động vi phạm pháp luật.

Tòa án yêu cầu phải giải quyết vụ kiện trong vòng 4 tháng. Nếu không đàm phán thành công, tòa án sẽ bắt đầu phiên xử với bên cáo buộc công ty máy tính Sáng Tạo, và thiệt hại có thể bao gồm trách nhiệm pháp lý đối với các tổn thất của Microsoft và chi phí kiện tụng.

Là hãng phần mềm hàng đầu thế giới nhưng Microsoft cũng là nhà sản xuất đau đầu nhất với tình trạng bẻ khóa, sử dụng phần mềm lậu tràn lan.

Cũng giống như công ty máy tính Sáng Tạo, một số các nhà bán lẻ máy tính khác cũng đã được điều tra bởi các nhà chức trách và đang phải đối mặt với các khiếu nại luật pháp do kết quả của việc tải phần mềm lậu vào máy tính mới.

Liên tục trong thời gian gần đây, lực lượng chức năng Việt Nam đã liên tục phát hiện hàng loạt doanh nghiệp sử dụng phần mềm lậu, từ doanh nghiệp trong nước đến 100% vốn nước ngoài.

Cục quản lý thị trường mới đây cũng đã phạt nhân viên ở ba cửa hàng Viettel về hành vi tải phần mềm lậu cho dòng máy Lenovo và Acer mới. Hai cửa hàng ở thành phố Hồ Chí Minh và một ở Hà Nội.

Cục quản lý thị trường cũng kiểm tra 3 cửa hàng PICO nơi các nhân viên ở đây tải phần mềm lậu cho máy tính Lenovo, Acer và Dell.

Cục quản lý thị trường sắp tới cũng sẽ tiến hành kiểm tra những cửa hàng máy tính bị cáo buộc là đang bán những phần mềm vi phạm bản quyền của tất cả các phần mềm gốc, bao gồm cả các sản phẩm trong và ngoài nước.

Chỉ tính từ đầu năm 2011 đến nay, cơ quan chức năng đã tiến hành thanh tra tại 50 doanh nghiệp, chủ yếu ở Hà Nội và TPHCM, với tổng số 2.000 máy tính. Hầu hết các doanh nghiệp này đều sử dụng phần mềm máy tính không hợp pháp, trị giá trên 500.000 USD.

Theo Luật Việt Nam, các doanh nghiệp và cá nhân bị phát hiện có vi phạm sở hữu trí tuệ có thể đối mặt  với khoản tiền phạt lên tới  500 triệu đồng.

Tuy nhiên, thay vì đối mặt với các hậu quả này, Liên minh phần mềm doanh nghiệp (BSA) đã cho phép  người vi phạm  được xin lỗi công khai trên những tờ báo lớn và cam kết không bao giờ tái phạm.

“Phần mềm sao chép lậu “Made in Vietnam” là một vấn đề nghiêm trọng cho tình trạng chung của nền kinh tế Việt Nam và ngành công nghiệp phần mềm nói riêng,” ông Trương Quang Hoài Nam, Cục Trưởng Cục quản lý thị trường nói. “Ngành công nghiệp phần mềm trong nước cần được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ như một phương tiện thúc đẩy sự phát triển và đổi mới.”

Tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của máy tính Việt Nam lên đến 83%. Tỉ lệ trung bình ở Châu Á – Thái Bình Dương là 60%. Một số công ty Việt Nam trong liên minh phần mềm doanh nghiệp (BSA) đang phải đối mặt với thách thức hằng ngày về các sản phẩm phần mềm vi phạm bản quyền trong cả môi trường công ty và bán lẻ.

“Điểm mặt ” mã kích hoạt trên đĩa phần mềm giả mạo (Ảnh NYTimes)

Ngoài ra, đã có sự thay đổi trong quy định của Mỹ với mục đích nhằm loại bỏ các công ty đang sử dụng phần mềm vi phạm bản quyền khỏi các nguồn cung ứng cho các nhà nhập khẩu Mỹ. Điều luật này, được biết đến với tên gọi Điều luật Cạnh tranh không lành mạnh, sẽ bảo vệ bản quyền của tất cả phần mềm, bao gồm cả những phần mềm sở hữu bởi những nhà phát triển phầm mềm Việt Nam.

Căn cứ theo Luật UCA, nếu phía chủ sở hữu của những phần mềm này, chẳng hạn như Microsoft, có bằng chứng về việc doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam dùng phần mềm lậu, sẽ có thể kiện lên Tòa án Mỹ. Trong vòng 90 ngày, nếu không chứng minh được nguồn gốc phần mềm mình đang sử dụng, doanh nghiệp Việt sẽ phải đối mặt với án phạt rất nặng. Trong đó, mức nặng nhất là bị ghi vào “sổ đen” của chính quyền bang.

Nghị viện các Bang Washington và Louisiana cũng vừa thông qua đạo luật “Vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin” (UCA) nhắm vào các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bằng việc sử dụng phần mềm không bản quyền.

Ông Vũ Bá Phú Phó Cục trưởng cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho rằng, với đạo luật này Mỹ sẽ yêu cầu các nhà xuất khẩu ở nước thứ 3 chấm dứt việc sử dụng phần mềm bất hợp pháp trong toàn bộ hoạt động kinh doanh từ hệ thống kế toán, kho bãi, vận chuyển... Tuy nhiên, điều đáng ngại theo ông Phú là đạo luật này có thể không dừng lại ở 2 bang Washington và Louisiana mà có thể mở rộng ra các bang khác của nước Mỹ và nhiều nước khác.

Theo ông Trần Hữu Huỳnh, Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện đã có 39 công tố viên liên bang ở Mỹ đã ký ủng hộ đạo luật của 2 bang này. Điều này cho thấy Mỹ quyết tâm thắt chặt kiểm tra doanh nghiệp Việt Nam đối với vấn đề bản quyền phần mềm trong năm 2012.

Tuy nhiên, ông Huỳnh cũng cho rằng, đạo luật này là phù hợp với quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì thế cách tốt nhất là doanh nghiệp Việt Nam nên tuân thủ để tránh những hậu quả đáng tiếc.

Ông Đào Anh Tuấn, Đại diện của BSA tại Việt Nam nói: “Làm kinh doanh, ai cũng phải đầu tư, tính toán vất vả, nên các doanh nghiệp hãy luôn tôn trọng công sức lao động của nhau. Hơn nữa, bằng việc tuân thủ các quy định của pháp luật thì các doanh nghiệp kinh doanh máy tính sẽ tránh được mọi rủi ro về mặt pháp lý, là cái có thể làm tổn hại doanh nghiệp cả về mặt vật chất lẫn tinh thần”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên