Các Đại sứ là cầu nối đưa nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam
VOV.VN - Các Đại sứ, trưởng đại diện Việt Nam ở nước ngoài có vai trò rất quan trọng, đóng vai trò là cầu nối, giới thiệu về Việt Nam với các nhà đầu tư.
Thời gian qua, hoạt động đối ngoại đã có nhiều đóng góp thiết thực vào việc tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tính đến nay, tổng số dự án FDI còn hiệu lực ở Việt Nam là 21.666 dự án, với tổng vốn đăng ký là hơn 293 tỉ USD. Đã có khoảng 100 nước và vùng lãnh thổ có các dự án đầu tư và trên 100 tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới có mặt tại Việt Nam.
Việt Nam cũng đã đàm phán thành công nhiều hiệp định thương mại tự do với 55 quốc gia, mở ra triển vọng huy động được nhiều hơn nữa nguồn lực từ bên ngoài để phát triển đất nước.
Bên lề Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 18, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị xoay quanh việc thu hút đầu tư nước ngoài nhằm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị phát biểu tại Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 18. Ảnh: Báo Thế giới & Việt Nam |
PV: Ông có thể chia sẻ một số kết quả nổi bật trong việc thu hút đầu tư nước ngoài phục vụ công tác xóa đói giảm nghèo ở tỉnh Quảng Trị?
Ông Nguyễn Đức Chính: Có thể nói trong hoạt động đối ngoại địa phương có một số lĩnh vực chúng tôi rất quan tâm trong đó có việc huy động các nguồn lực từ các tổ chức phi chính phủ. Cho đến nay, Quảng Trị có đến 40 tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang hoạt động, trong đó 12 tổ chức phi chính phủ đang đóng văn phòng và có đại diện ở đó.
Trong 5 năm qua, chúng tôi đã huy động nguồn lực từ các tổ chức phi chính phủ để góp phần vào thực hiện các mục tiêu về an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo với số tiền lên tới 110 triệu USD.
Có thể nói với đóng góp của các tổ chức phi chính phủ như vậy đã góp phần giúp cho tỉnh Quảng Trị khắc phục được hậu quả chiến tranh, hỗ trợ cho những người dễ bị tổn thương như người nghèo, người bị tàn tật và đặc biệt số vốn này đã tham gia vào việc khắc phục ô nhiễm bom mìn trên địa bàn tỉnh. Đây là những kết quả rất đáng ghi nhận, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
PV: Ông có kiến nghị gì đối với các Đại sứ, trưởng đại diện Việt Nam tại nước ngoài trong việc họ đóng vai trò là cầu nối giữa Quảng Trị với các đối tác, các doanh nghiệp nước ngoài để công tác này hiệu quả hơn?
Ông Nguyễn Đức Chính: Tôi nghĩ các Đại sứ, trưởng đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài có vai trò rất quan trọng trong việc đóng vai trò là cầu nối để giới thiệu về những vùng đất của Việt Nam nói chung trong đó có Quảng Trị nói riêng. Thông qua việc này, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài biết đến các vùng đất có thể có những lợi thế mà chúng tôi chưa có điều kiện để giới thiệu đến với họ. Từ đó có thể huy động họ đến nghiên cứu để tìm hiểu cơ hội đầu tư.
Chúng tôi cũng mong muốn có quan hệ thường xuyên với các Đại sứ, các trưởng đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài để từ đó có những thông tin, hiểu biết thêm về những doanh nghiệp có tiềm năng đầu tư, tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với lợi thế của địa phương. Từ đó có thể kết nối, xúc tiến kêu gọi đầu tư.
PV: Ông kỳ vọng gì về tiềm năng thu hút đầu tư về tỉnh mình sau Hội nghị lần này?
Ông Nguyễn Đức Chính: Có thể nói ngoại giao của chúng ta trong những năm qua đã có sự chuyển hướng, đó là ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế. Đây là chủ trương xuyên suốt trong những năm gần đây của Đảng và Nhà nước.
Hội nghị Ngoại giao lần này cũng có chủ đề bàn về ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế. Do đó tôi hy vọng sau Hội nghị lần này, các Đại sứ, các trưởng đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài sẽ quan tâm để rồi kết nối, giới thiệu, huy động các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến Việt Nam, đến tìm hiểu cơ hội đầu tư ở Việt Nam, cũng như kết nối tạo điều kiện cho các địa phương liên hệ, hợp tác với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp có điều kiện phù hợp với tiềm năng của địa phương đến để phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Tôi nghĩ cầu nối này rất quan trọng bởi chính các Đại sứ, trưởng đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài là những người hiểu biết tốt hơn chúng tôi rất nhiều. Do đó tôi kỳ vọng sau Hội nghị Ngoại giao lần này, việc tăng cường ngoại giao phục vụ cho kinh tế sẽ được thực hiện mạnh mẽ hơn. Điều đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giúp cho Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng hội nhập với khu vực cũng như trên thế giới.
PV: Theo ông, Quảng Trị có thế mạnh nào lớn nhất trong việc thu hút đầu tư nước ngoài cũng như hội nhập kinh tế quốc tế?
Ông Nguyễn Đức Chính: Quảng Trị hiện có 2 khu công nghiệp và 2 khu kinh tế, đó là khu kinh tế đặc biệt Lao Bảo, khu kinh tế biển Đông Nam. Quảng Trị có 2 cửa khẩu quốc tế trên hành lang kinh tế Đông - Tây nối liền các nước như Lào, Thái Lan và Myanmar.
Chúng tôi hy vọng rằng từ lợi thế là điểm đầu cầu của Việt Nam có thể thu hút các nhà đầu tư quan tâm đầu tư đến khu vực này để tạo sự lan tỏa ra các khu vực khác như là các nước và các tỉnh trên dọc hành lang kinh tế Đông - Tây.
Hành lang kinh tế Đông - Tây cũng là một lợi thế mà chúng ta chưa khai thác hết, chính vì vậy khi các nhà đầu tư đến đây thì chắc chắn họ sẽ có những cái để khai thác để tạo mối liên kết phát triển hành lang này theo đúng mong muốn từ một hành lang giao thông trở thành một hành lang kinh tế của khu vực.
Xin cảm ơn ông!./.